MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng thêm 38.000 học sinh lớp 6 tại Hà Nội: Áp lực đổ dồn trường công

20-03-2023 - 09:19 AM | Sống

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, học sinh tất cả các lớp đầu cấp đều tăng, đặc biệt học sinh lớp 6 tăng hơn 38.000 em, gây áp lực trường lớp rất lớn cho các quận, huyện.

Năm học tới, Hà Nội có 188.429 học sinh sẽ vào lớp 6, tăng hơn 38.000 em so với năm học trước; lớp 1 tăng khoảng 11.600 em. Riêng số lượng học sinh lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 năm nay khoảng 129.000 em (tăng 22.000 em) so với năm ngoái. Do đó, dù chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập đã tăng 1.000 em so với năm học trước nhưng với số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng vọt nên chỉ có 55,7% em được vào trường công.

Tăng thêm 38.000 học sinh lớp 6 tại Hà Nội: Áp lực đổ dồn trường công - Ảnh 1.

Sĩ số lớp học đông, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học

Thiếu đất, thiếu trường

Đối với tuyển sinh đầu cấp lớp 6, năm nay các quận, huyện có số lượng tăng mạnh gồm: Hà Đông (tăng 5.208 học sinh), Hoàng Mai (tăng 3.482 học sinh), Nam Từ Liêm (tăng 3.350 em)…

Theo báo cáo của đoàn giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội mới đây, thành phố luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhiều năm gần đây, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, các chỉ tiêu nhập học của trẻ đầu cấp đều được thực hiện tốt, đảm bảo cho trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.

Thế nhưng, cũng theo kết quả giám sát, từ năm 2018-2019 đến nay, thành phố chỉ tăng 129 trường ở tất cả các cấp học. Về cơ sở vật chất, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tỷ lệ đáp ứng chung thiết bị cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 toàn thành phố chỉ đạt 71,5% và không đồng đều đối với mỗi cấp học. Trường học ở Thủ đô nhưng hiện vẫn còn khoảng 200 phòng học bán kiên cố. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập.

Hà Nội khẳng định, một số quận, huyện chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh, khu đô thị mới với quy mô dân số lớn song không đảm bảo tiến độ xây dựng trường học theo quy hoạch như quận Hoàng Mai, quận Hà Đông... Diện tích đất một số trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia như quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa… Một số trường học, sĩ số học sinh/lớp còn cao. Thậm chí có trường tiểu học vẫn tồn tại lớp học 60 học sinh/ lớp; nhiều trường duy trì sĩ số trên dưới 50 em/ lớp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học.

Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá, quy hoạch mạng lưới trường học tại Hà Nội còn bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều, nhiều khu đô thị được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học. Trong khi ở khối trường ngoài công lập, chỉ có khoảng 60% số trường ổn định và xây dựng kiên cố cơ sở vật chất, số còn lại đi thuê mượn.

Áp lực đổ dồn trường công lập

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, năm nào số học sinh đầu cấp ở quận cũng tăng. Năm nay, riêng học sinh vào lớp 6 dự kiến tăng hơn 5.000 em. Để chuẩn bị trường, lớp cho năm học mới, Hà Đông đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường THCS. Những năm qua, sĩ số học sinh ở bậc THCS của quận dưới 45 em/lớp; học sinh tiểu học trung bình khoảng 48-49 em/lớp. “Như vậy vẫn có trường hơn 50 em/lớp nhưng cũng có nơi chỉ hơn 40 em. Ở vùng giáp ranh, các huyện như Quốc Oai có khu đô thị với nhiều chung cư cao tầng nhưng không có trường công lập hằng năm vẫn dồn học sinh sang cho quận Hà Đông tăng thêm sức nóng tuyển sinh”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, giải pháp để giãn sĩ số trong những năm tới vẫn không có gì khác ngoài việc rà soát, dự báo số lượng học sinh tăng để có kế hoạch xây mới và sửa chữa các trường học, phòng học, đồng thời tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển để phụ huynh có thêm sự lựa chọn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết, số học sinh dự kiến tuyển sinh vào lớp 6 so với học sinh khối lớp 9 ra trường năm học 2022-2023 tăng 3.351. Để chuẩn bị chỗ học cho học sinh, thời gian tới, quận tiếp tục xây dựng thêm 4 trường học ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS.

Ở quận Bắc Từ Liêm, năm nay địa phương xây mới, đưa vào sử dụng 3 trường học ở bậc mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận, cho biết, sĩ số trung bình ở bậc tiểu học, THCS tại địa phương hiện là 42 em/lớp, trong đó có lớp hơn 50 em. “Địa phương đang nỗ lực giãn sĩ số bằng cách tách trường, tách phòng nhưng rất khó khăn để có thể đáp ứng đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Giai đoạn 2023-2025, đơn vị đề xuất xây dựng thêm 24 trường học nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu”, ông Hải nói.

Đặc biệt, tại quận Hoàng Mai, hằng năm chuyện thiếu trường, lớp gây áp lực, khó khăn rất lớn cho phụ huynh, học sinh. Một số trường tại quận này không chỉ có sĩ số cao, vượt quy định của Bộ GD&ĐT, mà còn phải học luân phiên cuối tuần.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, cho rằng, câu chuyện thiếu trường học, sĩ số cao ở Hà Nội đã tồn tại nhiều năm vẫn nóng, các quận, huyện vẫn loay hoay với điệp khúc thiếu quỹ đất. Địa phương phải xác định, dù có phát triển hệ thống trường ngoài công lập nhưng đa số người dân không đủ điều kiện chi phí, do đó, trường công lập vẫn là lựa chọn tối ưu. “Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cần phải quyết tâm chi ngân sách cho giáo dục cao hơn các lĩnh vực khác nếu không sẽ lực bất tòng tâm khi học sinh vẫn tăng lên, quỹ đất, kinh phí hằng năm không đủ xây thêm trường lớp đảm bảo điều kiện giáo dục”, TS Khuyến nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, địa phương hiện đang triển khai xây 7 trường phổ thông liên cấp có diện tích 5 ha trở lên ở các quận huyện theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế.

Theo Hà Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên