Tăng thuế chưa chắc đã bù đắp được hụt thu
Giải pháp tăng thuế chưa chắc bù đắp được thâm hụt ngân sách Nhà nước khi "gốc" của vấn đề, là chi sai, lạm chi, đầu tư không hiệu quả vẫn tồn tại...
- 10-05-2018Hoa mắt với đề xuất tăng thuế
- 25-04-2018Tăng thuế để bù hụt thu ngân sách: Lợi trước mắt, hại lâu dài
- 13-04-2018Tăng thuế VAT, ranh giới giàu - nghèo sẽ “rộng” hơn
Nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách Nhà nước triền miên ở Việt Nam không phải do huy động nguồn thu thuế thấp mà chính là do tham nhũng, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai hoặc vì lợi ích nhóm...
Theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đạm "Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều", do trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa tổ chức tại Hà Nội, giải pháp tăng thuế của Bộ Tài chính sẽ tăng nguồn thu trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ gây ra tác động ngược, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Cái gốc là chấn chỉnh chi tiêu công
Trước sức ép tăng nguồn thu để đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu, Bộ Tài chính nhiều lần sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế. Năm 2017, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng thuế giá trị gia tăng thêm 2% gặp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, cuối cùng Chính phủ kết luận tạm thời chưa tăng.
Đầu năm 2018, đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng có thể đem lại hơn 15 nghìn tỷ đồng cũng vấp phải các ý kiến trái chiều, nhưng phần lớn chưa ủng hộ.
Tiếp đến là, dự thảo sẽ đánh thuế tài sản với mức thuế suất 0,3 - 0,4 % đối với nhà đất có giá trị trên 700 triệu đồng...
Song song với đó, các đề án và dự thảo sửa đổi 6 luật thuế, mở rộng cơ sở thuế như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với tinh thần là mở rộng cơ sở thuế, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, các đề xuất chính sách này xuất phát từ lý do cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng thuế gián thu nhằm bù đắp giảm thu do hội nhập sâu, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế...
Với các đề xuất tại dự thảo luật được tổng hợp ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, có đến 11 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; có 3 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và trực thu theo Nghị quyết 07-NQ/TƯ; 2 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu, 4 nội dung sửa đổi nhằm cải cách thủ tục hành chính; 7 nội dung sửa đổi thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế...
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi xem xét vấn đề về sửa đổi thuế, nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước, cần xem xét các vấn đề liên quan như hiệu quả đầu tư công, hiệu quả của chi ngân sách thường xuyên, quản lý chi tiêu ngân sách Nhà nước hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát.
"Nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, thì dù có tăng các sắc thuế lên 12% hay gấp đôi, thu ngân sách dù có phình to ra, cũng khó đảm bảo được cân đối ngân sách Nhà nước", ông Long nêu quan điểm.
Để tăng nguồn thuế thì cần tạo điều kiện cho xã hội phát triển, doanh nghiệp phát triển, người dân có thu nhập cao hơn chứ không nên chọn phương án khiến người dân căng mình đóng thuế. Rõ ràng, tăng thuế là giải pháp tình thế, không mang tính bền vững, tác động không tốt đến dân sinh và kinh tế.
Cần đánh giá tác động của mỗi chính sách
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đem lại nguồn thu trước mắt cho ngân sách nhưng khi tính toán tất cả các yếu tố tác động do tăng thuế thì lại đưa đến một kết quả tiêu cực, đem lại kết quả âm chứ không phải tăng thu. Trong các đề xuất chính sách, cần phải giải thích mục tiêu, tác động toàn diện, căn cứ để so sánh, đồng thời, công khai minh bạch ngân sách với người dân.
Để có sự thuyết phục, khi điều chỉnh tăng mức thuế, theo ông Ngô Trí Long, cần có những giải trình, dẫn chứng chi tiết hơn về tác động của đề xuất điều chỉnh các sắc thuế đối với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tích lũy và tiêu dùng của doanh nghiệp và dân cư.
"Về đánh giá tác động của một số sắc thuế có sự điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo còn chưa làm rõ chi phí, lợi ích của các giải pháp, đặc biệt cần có dự báo số thu tăng, giảm dự kiến khi thực hiện chính sách thuế", ông Long gợi ý.
Đối với chính sách mới bổ sung, cần bổ sung đánh giá tác động đến đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách và ảnh hưởng của chính sách đến nền kinh tế nói chung.
Cần nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách để có thêm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi các luật về thuế để có sức thuyết phục. Để minh chứng các số liệu đưa ra trong dự thảo, cần có bản phụ lục ghi rõ phương pháp tính cụ thể về các con số đó.
Đồng ý quan điểm trên, theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nền kinh tế đang ở trạng thái tích cực, tăng trưởng tốt, nếu đạt mức tăng trưởng 7% sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, biến số vĩ mô căng thẳng nhất hiện nay là thâm hụt ngân sách và nợ công.
Trong khi đó, "nền kinh tế ngày càng tiến tới mô hình kinh tế thị trường hiện đại, dư địa chính sách ngày càng hạn hẹp. Do đó, rất cần có các ý kiến đóng góp đa chiều để giúp các cơ quan quản lý có được các chính sách tối ưu, mang tính thực tiễn và tạo được sự đồng thuận của xã hội", ông Đạt nhấn mạnh.
Vneconomy