MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng thuế môi trường xăng dầu chỉ tác động đến CPI từ 0,07-0,09%

Chính phủ đánh giá tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ...

Việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường áp dụng trong tháng 1/2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân 2019 ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019.

Đó là khẳng định của Chính phủ tại báo cáo đánh giá tác động bổ sung về dự án nghị quyết thuế bảo vệ môi trường vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 20/9.

Theo nghị quyết, từ đầu năm sau sẽ điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít đối với xăng, từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu diesel, từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn và từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Việc đề xuất thời điểm điều chỉnh tăng mức thuế từ ngày 1/1/2019 được Chính phủ lý giải là để không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2018.

Chính phủ giải thích, do xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng (với khoảng 654 mặt hàng) được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không có tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% đến mặt bằng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác như lương thực thực phẩm (quyền số 36,12%) hay nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (quyền số 15,73%).

Đồng thời, xăng dầu cũng là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết.

Trong thời gian vừa qua, để góp phần kiềm chế tăng giá bán xăng dầu trong nước đột biến khi giá dầu thế giới tăng liên tục thì đã thực hiện việc trích sử dụng quỹ Bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu.

Nêu con số CPI 8 tháng đầu năm 2018 tăng 2,59% so với tháng 12/2017, bình quân 8 tháng đầu năm 2018 tăng 3,52% so với cùng kỳ, Chính phủ nhìn nhận, công tác điều hành giá trong 8 tháng đầu năm vẫn nằm trong kiểm soát của Chính phủ, việc điều hành trong 4 tháng cuối năm 2018 vẫn còn dư địa.

Dự báo CPI bình quân năm 2018 sẽ ở mức từ 3,75%-3,95%, qua đó, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 dưới 4% do Quốc hội đề ra, từ đó, làm cơ sở cho việc tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới", Chính phủ khẳng định.

Với 2019, thời điểm thuế môi trường tăng, Chính phủ đánh giá, theo phương pháp tính CPI bình quân thì việc thực hiện chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng bình quân bởi CPI của tất cả các tháng trong năm. Do đó, việc điều chỉnh thuế áp dụng trong tháng 1/2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân 2019 ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019.

Hiện nay, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội về chỉ tiêu CPI năm 2019 trong khoảng 4-5%. Theo đánh giá nếu điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2019 sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07-0,09%.

Như vậy, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2019 là đảm bảo tính khả thi. Trường hợp việc tăng thuế này tác động lớn đến việc tăng giá, kiến nghị sử dụng Quỹ Bình ổn giá 50% và điều chỉnh tăng giá 50% trong các kỳ điều hành đầu quý 1/2019, Chính phủ thông tin thêm.

Vẫn theo báo cáo thì kể từ thời điểm Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường tháng 7/2018 đến nay, giá xăng dầu thế giới có diễn biến tăng nhẹ, giá xăng Ron92 thành phẩm bình quân tăng từ mức 81,12 USD/thùng trong tháng 7/2018 lên mức 86,52 USD/thùng trong tháng 9/2018 (khoảng 6,6%); dầu diezel tăng từ mức 85,53 USD/thùng lên mức 92,23 USD/thùng trong tháng 9/2018 (khoảng 7,8%).

Nhìn chung đây là mức tăng không quá lớn và vẫn nằm trong kiểm soát của các cơ quan điều hành, Chính phủ nhận định.

Cụ thể với một số ngành, Chính phủ đánh giá việc tăng giá tác động ở mức thấp đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân, do hiện nguồn nhiên liệu sử dụng cho các tàu thuyền đánh bắt cá chủ yếu là dầu diesel, trong khi mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với dầu diesel là 500 đồng/lít.

Tác động đến chỉ số giá vận tải (giá cước vận tải) là khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ % tăng giá cước vận tải còn phụ thuộc vào quy mô của đơn vị kinh doanh vận tải, loại xe... Mặt khác, theo Luật Giá hiện hành thì việc điều chỉnh tăng hoặc giảm giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, cước vận tải hành khách bằng taxi do thị trường, cung cầu điều tiết.

Việc tăng thuế được đánh giá cơ bản không tác động đến sản xuất điện, do theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 thì nguồn nhiên liệu sử dụng sản xuất điện trong nước từ năm 2020 không còn dầu mazut. Tất cả các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong năm 2018 (106 nhà máy) đều không sử dụng nguồn nhiên liệu là dầu mazut; mà chỉ sử dụng các nguồn nhiên liệu như: thủy điện, nhiệt điện khí, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo.

Thuế bảo vệ môi trường tăng cơ bản không tác động đến các ngành sản xuất khác như sản xuất kính, gốm, do hiện các ngành sản xuất này cũng không sử dụng nhiên liệu dầu mazut mà chủ yếu sử dụng khí gas, theo Chính phủ.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

Trở lên trên