Tăng thuế quá nhanh, quá nhiều!
Chỉ trong vòng một năm, Bộ Tài chính đã dồn dập đề xuất tăng các loại thuế với lý do để phù hợp với thông lệ thế giới và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
- 18-05-2018Cần minh bạch trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
- 17-05-2018Tăng thuế xăng dầu: Đề xuất của Bộ Tài chính vấp phải ý kiến cảnh báo của hàng loạt cơ quan
- 17-05-2018Bộ Tài chính đòi tăng thuế xăng dầu, chuyên gia kêu sửa Nghị định 83
Mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt từ giới chuyên gia kinh tế lẫn người dân, Bộ Tài chính vẫn nhất quyết đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, dầu. Mọi việc gần như an bài khi Chính phủ đã chấp thuận, ủy quyền cho bộ này ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) dự án nghị quyết về biểu thuế này.
Vì ngân sách, vắt sức dân
Nếu được QH thông qua, mức thuế BVMT mới áp dụng từ ngày 1-7 tới, với dự kiến bổ sung cho ngân sách hơn 57.000 tỉ đồng/năm. Sắc thuế mới này bị dư luận phản đối dữ dội khi đánh vào xăng dầu, mặt hàng thiết yếu mà bất kỳ người nghèo nào cũng phải sử dụng..
Trước đó, ngày 13-4, Bộ Tài chính công bố đề xuất đánh thuế tài sản theo dự thảo Luật Thuế tài sản, trong đó có nhà ở. Đề xuất này bị dư luận phản ứng dữ dội, bởi lẽ thay vì đánh thuế tài sản đối với ngôi nhà thứ 2 như dự kiến trước đây thì Bộ Tài chính lại chọn cách đánh thuế ngay trên ngôi nhà thứ nhất với mức thuế suất 0,3%-0,4%. Việc đánh thuế tài sản này dự kiến bổ sung 1.500 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng theo giới chuyên gia là không ổn, "tận thu", vắt sức dân.
Không chỉ vậy, nhiều sắc thuế khác cũng đã được Bộ Tài chính nhắm tới, đang trong giai đoạn lấy ý kiến hoặc đã chốt hạ, chờ Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ xem xét, đưa ra trước QH. Nổi bật là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Theo dự án này, có 6 luật thuế được sửa đổi gồm: Luật Thuế GTGT; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN); Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, quá trình lấy ý kiến, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng cùng lúc 3 loại thuế trụ cột của NSNN là GTGT, TTĐB và TNCN không nhận được sự đồng tình từ nhiều phía.
Cụ thể, đối với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1-1-2019 và 2 năm tiếp theo tăng lên 14%. Dù vậy, do vấp phải sự phản ứng của dư luận nên Bộ Tài chính đành "lùi một bước", điều chỉnh lại bước tăng từ 10% lên 11% vào năm 2019, từ 11% lên 12% vào năm 2020.
Còn thuế TTĐB được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường (trừ sữa); từ 70% lên 75% đối với thuốc lá và từ 15% lên 33% đối với xe bán tải. Theo tính toán, với việc điều chỉnh sắc thuế này, NSNN thu về khoảng 5.005 tỉ đồng. Với riêng mặt hàng nước ngọt có đường, Bộ Tài chính đưa ra mục đích tăng thuế… rất vì dân, rằng: bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh bệnh tiểu đường và béo phì (!?).
Đối với thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh các bậc thuế, tăng thuế TNCN từ lương. Với phương án này, những người có thu nhập trung bình khá, nằm trong khoảng 24-41 triệu đồng/tháng, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở của Bộ Tài chính bị dư luận phản đối quyết liệt. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần cẩn trọng tăng thuế
Nói về các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), nhận định do khó khăn trong tìm kiếm nguồn thu mới cho NSNN trước sức ép tăng chi tiêu nên giải pháp ngắn hạn là vay nợ và tiến tới bắt buộc tăng thuế gián thu trong thời gian tới như thuế GTGT, thuế TTĐB và thuế BVMT. Những loại thuế này đang đóng góp chủ yếu nguồn thu cho NSNN, chiếm 50% nguồn thu.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghị, vấn đề là đánh thuế thế nào và thuế suất bao nhiêu để thực sự tạo công bằng xã hội, hướng đến điều tiết thu nhập của người giàu.
Hiện nay, tỉ lệ huy động GDP vào NSNN thông qua thuế, phí còn dư địa để tăng nữa hay không vẫn là vấn đề còn tranh cãi. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, cho biết tỉ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 1996-2016 bình quân là 23,7%, trong đó tỉ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 16,7%.
Như vậy con số thực hiện còn thấp so với chiến lược cải cách thuế đề ra cho giai đoạn 2011-2015 với mức động viên thu NSNN/GDP khoảng 23-24% GDP (trong đó tỉ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 22%-23% GDP). Trong khi đó, nhấn mạnh "thuế, phí ở Việt Nam đang ở mức rất cao là 32% GDP trong khi khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới là 18%-20%/GDP" - chuyên gia Ngô Trí Long khuyến cáo cần hết sức cẩn trọng với việc tăng thuế.
Nhưng người dân không quan tâm đến những con số mang tính chất học thuật nêu trên. Họ chỉ cần biết mình được hưởng gì từ chính sách thuế và cảm nhận rõ ràng nhất của người dân trong thời điểm này là theo như đề xuất của Bộ Tài chính, thuế tăng quá nhanh, quá nhiều.
Tạo gánh nặng cho người dân
Lý do xuyên suốt trong các dự thảo đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế bị cắt giảm. Khoảng 10 năm trước đây, thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu với các loại thuế (xuất khẩu, nhập khẩu, TTĐB). Nhưng việc thực hiện các cam kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt dẫn đến cơ cấu thu bị thay đổi. Dự kiến năm 2018, ngân sách hụt thu khoảng hơn 30.000 tỉ đồng, năm 2019 hụt thu khoảng 36.000 tỉ đồng và năm 2020 hụt thu 43.000 tỉ đồng. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhìn nhận: Lợi ích từ hội nhập thì chưa rõ nhưng tăng thuế đã ập đến khiến người dân phải chịu ngày càng nhiều gánh nặng.
. Kỳ tới: Lợi trước mắt, hại lâu dài
Người lao động