MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng thuế rượu bia, thuốc lá: Liệu có giảm được người dùng?

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) rượu bia, thuốc lá khiến không ít người kỳ vọng sẽ giảm được lượng người dùng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng để giảm được người dùng cần nhiều giải pháp đồng bộ khác. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, cần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia.

"Thuốc lá, rượu bia là mặt hàng đặc biệt vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Thuốc lá mỗi một năm gây nhiều bệnh, nhất là ung thư phổi, rượu bia cũng gây ra nhiều hậu họa mà xã hội phải gánh. Vì thế, quan điểm của tôi là cần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia. Đây là một giải pháp mà tôi cho rằng là giải pháp hữu hiệu để hạn chế chất độc hại vào con người Việt Nam.

Tăng thuế TTĐB đối với bia, rượu, thuốc lá sẽ nâng chất lượng cuộc sống lên bởi môi trường không có nhiều khói thuốc lá nữa, không gây ô nhiễm môi trường, xã hội sẽ không còn những người nghiện rượu gây hậu họa cho gia đình như bạo lực gia đình, tai nạn giao thông…, giảm bớt đau khổ cho rất nhiều gia đình," Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An chia sẻ.

Gánh nặng kinh tế

Số liệu của các tổ chức phi chính phủ công bố, Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia đứng thứ nhất ở ASEAN và thứ 3 tại châu Á. Sử dụng rượu, bia gây ra 5,7% tổng số ca tử vong, 4,7% tổng gánh nặng bệnh tật tính bằng số năm sống được hiệu chỉnh theo mức độ bệnh tật của Việt Nam và tỷ lệ tiền chi từ túi hộ gia đình trên tổng số chi y tế lên tới 49% năm vào năm 2010. Còn sử dụng thuốc lá gây ra 25 căn bệnh trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư miệng, dạ dày, bàng quang, tụy...

Tại Việt Nam có khoảng hơn 40.000 người chết mỗi năm và hơn 10% dân số của nước ta có nguy cơ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo GS.TS Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hội Y tế công cộng Việt Nam, chi phí cho y tế cho bệnh liên quan đến hút thuốc lá bằng 0,91% tổng GDP của cả nước là “báo động đỏ” về gánh nặng ngân sách cần được ngăn chặn bằng những công cụ hữu hiệu như thuế TTĐB. Việt Nam hiện có khoảng hơn 40.000 người chết mỗi năm và hơn 10% dân số của nước ta có nguy cơ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc văn phòng Health Bridge Canada tại Việt Nam nhận định, “Mức thuế TTĐB đề xuất cách khá xa so với khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước. Nếu Quốc hội thông qua đề xuất này thì chúng ta sẽ để lỡ một cơ hội lớn để giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế do thuốc lá mang lại và mất đi một nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia”.

Cần giải pháp đồng bộ

Các chuyên gia cho rằng, giá thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam hiện quá rẻ và thuế suất thuế TTĐB còn quá thấp so với mức kiến nghị của giới khoa học Y tế Công cộng. Với mức thuế suất thuế TTĐB của thuốc lá điếu tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB 2014 (tăng từ 65% lên 70% từ 1/1/2016 và từ 70% lên 75% từ 1/1/2019); còn rượu bia tăng từ 50% lên 55% từ 1/1/2016, 55% lên 60% từ 1/1/2017 và lên 65% vào năm 2018) là rất thấp. Điều này sẽ không giảm được số người sử dụng thuốc lá và rượu bia. Ngược lại sẽ còn gia tăng chi phí về kinh tế lên ngân sách Nhà nước và người dân.

Hệ lụy của việc sử dụng thuốc lá, rượu, bia còn làm gia tăng đói nghèo. Không ít chuyên gia cho rằng, hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại bất cập là thuốc lá và rượu bia gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe của người tiêu dùng thì đánh thuế chưa đủ cao nên giá thành rất rẻ trong khi các sản phẩm thiết yếu và phục vụ cho những đối tượng rất nhạy cảm như là sữa cho người già, trẻ em, người ốm thì lại đánh thuế mạnh, có giá thành rất cao.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), và Hiệp hội thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đều khẳng định, để có thể làm giảm mức độ bệnh tật và tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu bia, thuốc lá, giảm đói nghèo và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước và cải thiện năng suất lao động cần sự phối hợp của tất cả các ngành, các cấp với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó một biện pháp quan trọng là tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng trong việc tiêu dùng rượu bia, thuốc lá.

Nếu chỉ dựa vào biện pháp tăng cao mức thuế, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng hàng lậu giá rẻ thì nguy cơ bệnh tật tử vong sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần vì các sản phẩm này không bị kiểm soát về chất lượng.

Cả Vinataba và VBA đều ủng hộ việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia để giảm tiêu dùng thuốc lá, rượu bia đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần được cân nhắc vào thời điểm phù hợp, với mức tăng phù hợp.

Các mức tăng thuế theo lộ trình đã được Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu và trình Quốc hội thông qua tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB 2014 đã tính toán cân nhắc rất kỹ và toàn diện các mặt tác động kinh tế - xã hội, đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng, không ảnh hưởng đến ngân sách cũng như việc làm của các doanh nghiệp.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương lại cho rằng, để chống được tác hại của rượu bia và thuốc lá không chỉ là vấn đề tăng thuế mà giải quyết được tất cả. Nếu chúng ta tăng thuế lên rất cao và chúng ta chống buôn lậu không tốt thì Việt Nam sẽ trở thành một vùng trũng làm gia tăng buôn lậu. Vì thế, tăng thuế cần đi liền với nhiều giải pháp khác.

Theo Ngọc Phương

VOV

Trở lên trên