Tăng tính bền vững cho dự án thủy điện
Các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và môi trường trong dự án mở rộng thủy điện ở Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.
Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng là dự án cơ cở hạ tầng quan trọng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhằm tăng khả năng phụ tải cho khu vực phía Nam, giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm thiểu sự cố tràn nước, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động bền vững ở Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Liên minh Châu Âu (EU) cung cấp các khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá tương ứng 74,7 triệu euro và 2 triệu euro để nâng cao các tiêu chuẩn về Sức khỏe, An toàn và Môi trường và hướng tới một tương lai năng lượng an toàn hơn, xanh hơn và bền vững hơn cho Việt Nam.
Liên minh Tư vấn kỹ thuật Tracetebal, Société Hydro-Electrique du Midi và Bureau Veritas của Pháp được lựa chọn để hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cải thiện Hệ thống quản lý Sức khỏe, An toàn và Môi trường (HSE) trong các hoạt động xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện. Một nhóm chuyên gia sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ hàng quý tại công trường xây dựng của dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng để đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ phúc lợi của người lao động và cộng đồng địa phương.
Các hạng mục chính, bao gồm: đường hầm, hệ thống lấy nước, nhà máy điện, trạm trộn bê tông, bãi chứa thuốc nổ, nhà xưởng và lán trại công nhân sẽ được nhóm chuyên gia áp dụng các biện pháp kiểm tra an toàn như kiểm tra thiết bị và đánh giá mối nguy hiểm, để giảm thiểu rủi ro liên quan đến làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
Nhóm chuyên gia cũng sẽ tiến hành đánh giá thường xuyên môi trường đường hầm, giúp giám sát hệ thống thông gió, ánh sáng và chất lượng không khí, đảm bảo an toàn cho người lao động trong không gian hạn chế. Ngoài ra, các quy trình ứng phó khẩn cấp và khả năng tiếp cận các cơ sở y tế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy EVN đang từng bước thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tai nạn.
Các quyền và phúc lợi của người lao động được đảm bảo thông qua việc giám sát chặt chẽ thời gian làm việc. Người lao động được cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tiếp cận cơ chế khiếu nại. Điều kiện sống trong các khu nhà ở của người lao động được giám sát thường xuyên để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn nhằm nâng cao phúc lợi cho người lao động.
Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là bảo vệ môi trường, thông qua việc ủng hộ các biện pháp kiểm tra giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn môi trường sống, nghiêm cấm đốt chất thải, đồng thời khuyến khích các sáng kiến tái chế để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Ngoài ra, các mối quan tâm của cộng đồng được giải quyết thông qua sự tham gia chủ động và minh bạch. Tổ chức các cuộc họp công khai để các bên liên quan có thể đối thoại thẳng thắn, trao đổi và ra quyết định. Cải thiện cơ sở hạ tầng, như đường xá thuận lợi, cam kết giảm thiểu gián đoạn trong khi thi công và tạo điều kiện cho người dân địa phương đi lại thuận tiện. Cơ chế bồi thường tuân thủ chính sách và quy định của Việt Nam và quốc tế, tạo dựng sự tin cậy và minh bạch trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Nỗ lực giữa đội ngũ chuyên gia, đội ngũ quản lý, nhân sự HSE của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà thầu khẳng định cam kết hợp tác và thúc đẩy nâng cao các tiêu chuẩn sức khỏe, an toàn và môi trường. Thông qua việc lồng ghép các vấn đề về xã hội và môi trường vào quá trình phát triển, các bên liên quan sẽ giúp mở ra một tương lai năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Hơn nữa, với sự tham gia của EU và AFD trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững ở Việt Nam, thông qua các hoạt động hỗ trợ như sáng kiến thành lập nhóm chuyên gia, góp phần tạo ra sự thay đổi, hướng tới một tương lai năng lượng an toàn hơn, xanh hơn và bền vững hơn cho Việt Nam.
Nhịp sống thị trường