Tăng trưởng đột biến, thị trường than vẫn gây hoài nghi
Dù được dự báo giá than sẽ tiếp tục tăng nhưng xu hướng này sẽ không kéo dài từ trung đến dài hạn.
- 26-09-2016Than Việt cạnh tranh kém
- 25-09-2016Nhập khẩu than "vỡ kế hoạch": Bình thường hay bất thường?
Giá than tăng đầy ngạc nhiên trong thời gian qua đã vực dậy nhiều công ty khai thác. Tuy nhiên chỉ có một số ít tin rằng điều này sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Phần lớn mức phục hồi nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách cắt giảm sản suất thay vì nhu cầu đi lên. Giá than luyện kim đã tăng gần 3 lần trong năm nay trong khi than sản xuất điện cũng tăng 56%. Dù vậy những công ty khai thác lớn nhất như BHP Billiton và Teck Resources vẫn thận trọng về khả năng xu hướng tăng giá sẽ kéo dài. Trong khi đó, Glencore cho biết sẽ tái mở cửa một mỏ than nhỏ nhưng xuất khẩu sẽ không đổi.
Giá than tăng sau khi Trung Quốc hạ sản lượng để hỗ trợ các công ty khai thác gặp khó khăn và cũng giảm ô nhiễm khiến thị trường tiêu thụ và sản xuất than lớn nhất thê giới phải dựa nhiều hơn vào nhập khẩu.
Trong khi giá vẫn tăng, một số doanh nghiệp bắt đầu cân nhắc về việc tái mở cửa hoạt động khai thác do chính quyền Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách giảm sản lượng khoảng 10% trong năm nay. Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia cũng cho phép một số công ty được phép nâng sản lượng để hạ giá.
Goldman Sachs là một trong những ngân hàng đầu tiên dự báo về khả năng tái mở cửa khai thác khi ước tính số mỏ ngừng hoạt động trong năm 2013 đến 2015 tương đương khoảng 46 triệu tấn than và khoảng hơn 40% sản lượng đó sẽ được khai thác trở lại. Tháng trước, ngân hàng này đã nâng dự báo giá than năm sau sẽ tăng 64% lên 135 USD/tấn.
Glencore, hãng xuất khẩu than lớn nhất thế giới cũng bắt đầu mở cửa lại mỏ than ở Australia sau khi tạm ngừng vào năm ngoái do nhu cầu than tại châu Á đang tăng mạnh.
Giá than bật trở lại sau khi rơi xuống đáy vì tình trạng thừa cung. Chỉ số giá than luyện kim Australia trong quý 3 ở mức trung bình 133 USD/tấn và có lúc đạt mức 218,1 USD mỗi tấn vào đầu tuần này, cao nhất kể từ đầu năm 2013. Giá than tại cảng Newcastle cũng gần như chạm mức cao nhất trong 2 năm khi giao dịch ở mức 79,1 USD/tấn. Một số doanh nghiệp thép của Nhật thậm chí đã đồng ý thoả thuận mua than luyện kim ở mức 200 USD/tấn, cao nhất kể từ 2012 và tăng hơn gấp đôi so với mức 92,5 USD/tấn vào quý 3.
Với mức tăng như hiện nay, giá than có thể khiến một số doanh nghiệp thép cân nhắc lại việc tái khởi động sản xuất tại một số nhà máy.
Nguồn cung mở rộng
Tháng trước, công ty khoáng sản BHP cũng là hãng xuất khẩu than luyện kim lớn nhất thế giới dự báo giá than sẽ tiếp tục tăng nhưng xu hướng này sẽ không kéo dài từ trung đến dài hạn. Các công ty khai thác Bắc Mỹ không thể tăng xuất khẩu cho đến khi nhìn thấy giá tăng ổn định.
Trong khi đó, Glencore cũng đang quan sát động thái ở Trung Quốc trước khi quyết định tăng sản lượng. Hãng đã cắt giảm sản lượng 15 triệu tấn năm ngoái và tiếp tục thận trọng về việc tăng cung nếu như việc này làm ảnh hưởng đến giá.
Indonesia, nước xuất khẩu than lớn nhất cũng đang xuất khẩu thấp hơn so với khi đạt mức đỉnh và sẽ có khoảng khoảng 70 triệu tấn, tương đương 8% xuất khẩu thế giới sẽ được bán trở lại thị trường.
Ngoài các nhà cung cấp lớn, nguồn cung trên thị trường cũng sẽ được hỗ trợ từ một số công ty khác bao gồm Arch Coal, doanh nghiệp Mỹ buộc phải đệ đơn phá sản vài năm trước. Công ty khai thác than lớn thứ hai của Mỹ cho biết đã hoàn tất cải tổ tài chính và đang muốn nhanh chóng đi vào khai thác những mỏ than lớn nhất.
Còn tại Trung Quốc, sản lượng than của nước này có thể sẽ biến động khác nhau theo thời điểm tuỳ vào hoạt động khai thác. Chỉ vài tuần sau khi cho phép một số mỏ được tăng sản lượng 500 nghìn tấn mỗi ngày, các nhà chức trách lại thảo thuận nâng gấp đôi con số cho phép vào cuối tháng 9 vừa qua. Trung Quốc cũng đã bác đề xuất từ các nhà máy thép xin nâng sản lượng than luyện kim do sản lượng của Sơn Đông – chiếm 1/3 sản lượng than Trung Quốc – đang tăng sau khi hết lũ lụt.
Tuy xu hướng tăng giá có thể không kéo dài nhưng năm nay vẫn là năm đáng nhớ với các công ty khai thác than. Sản lượng của BHP đứng đầu các nhà cung cấp và công ty này giao dịch than theo giá giao ngay thay vì các hợp đồng giao theo giá kỳ hạn. Doanh thu từ than chiếm khoảng 15% cơ cấu doanh thu của BHP năm ngoái và sẽ còn lớn hơn nhiều trong năm 2016 giờ việc giá than nhảy vọt. Điều này cũng giúp cổ phiếu của nhiều hãng khai thác tăng đột biến thời gian qua.
Người đồng hành