Tăng trưởng GDP chỉ 6% vào năm 2021 có đảm bảo thu - chi ngân sách?
Trả lời chất vấn, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường tháo gỡ khó khăn của môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP, đồng thời đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kích cầu trong nước...
- 09-11-2020Thủ tướng đồng ý thêm 2 tỷ USD đầu tư cho ĐBSCL
- 09-11-2020Chấm dứt việc "người chết vẫn đi bầu trưởng thôn"
- 09-11-2020Bangkok Post: Hiệp định RCEP sẽ được ký trong tháng 11
Hôm nay (9/11), Quốc hội bước sang ngày thứ hai tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ.
Trả lời chất vấn được đưa ra tại buổi họp trước đó (ngày 7/11) của Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) về năm 2021 tăng trưởng GDP nếu tăng trưởng chỉ có 6% thì làm thế nào để bảo đảm thu – chi, cân đối ngân sách quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ bám sát dự toán mà Quốc hội giao.
Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành khác tăng cường tháo gỡ khó khăn của môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Ngoài ra, Bộ sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích cầu trong nước. Về mặt tài chính, Bộ Tài chính sẽ tăng cường quản lý thuế, thanh tra kiểm tra tránh chuyển giá, tránh trốn thuế, thu hồi nợ đọng thuế.
"Chính phủ sẽ bám sát dự toán mà Quốc hội giao. Trường hợp nếu không đạt thì sẽ áp dụng theo Luật Ngân sách Nhà nước", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Trước đó, dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ cho biết, từ những dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021, dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.
Theo đó, dự toán thu cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Dự toán chi Ngân sách Nhà nước cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (giảm 3,4%) so với dự toán năm 2020.
"Trong bối cảnh thu Ngân sách Nhà nước chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343,67 nghìn tỷ đồng). Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP điều chỉnh", Đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết.
Do đó, tổng hợp dự toán thu 2021 và bội chi năm 2021, thì tổng chi ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn giảm so với dự toán năm 2020 và được dự kiến bố trí như sau: Ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển để đạt tỷ trọng 28,3% tổng chi ngân sách nhà nước; bố trí chi trả nợ lãi và dự phòng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; dành nguồn ưu tiên cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Khi đó chi thường xuyên năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020. Vì vậy, Chính phủ cho rằng, yêu cầu trong năm 2021 phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thúc đẩy đầu tư công đang được ưu tiên trong giai đoạn này.
Tại phiên thảo luận trước, Quốc hội và các đại biểu cũng đã có 2 ngày bàn thảo về mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2021. Trong khi có nhiều ý kiến đánh giá mục tiêu tăng trưởng này là khả thi thì cũng có ý kiến cho rằng cần đưa ra thêm phương án khác, có thể tăng trưởng chỉ đạt mức 4,5% năm 2021.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cũng nêu suy nghĩ về các dự kiến chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, trong đó tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6% so với năm 2020. Theo đại biểu, 6% là mục tiêu tăng trưởng không khó đối với Việt Nam vào năm tới. Năm 2020, dự báo GDP tăng trưởng 2,5% - 3%, đây là mức tăng trưởng khá thấp. Nếu Việt Nam duy trì được công tác phòng, chống dịch bệnh như hiện nay trước đại dịch COVID-19 và kích cầu được trong nước thì mức tăng trưởng GDP 6% cho năm sau là có tính khả thi.
Đại biểu đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Để trở lại trạng thái tăng trưởng như các năm trước đây đòi hỏi phải có thời gian ít nhất khoảng một năm. "Nếu các quốc gia khác trên thế giới cũng bước vào giai đoạn phục hồi như chúng ta, tôi cho rằng, với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 còn dễ đạt được hơn nữa", Đại biểu nhận định.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các quốc gia khác cũng chưa xác định, chưa dự báo được việc kiểm soát đại dịch này. "Trong trường hợp đó, Việt Nam vẫn giữ được khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19 và tiếp tục có những giải pháp kích cầu mạnh mẽ thì chỉ tiêu 6% là có thể đạt được trong năm sau", Đại biểu Dương Minh Tuấn bày tỏ.
Diền đàn doanh nghiệp