MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có tình hình kinh tế ra sao trong nửa đầu năm 2024?

Theo quyết định 241/QĐ-TTg về kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc trong giai đoạn 2021-2030, Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế là 3 địa phương đang được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của 3 địa phương này đang có kết quả ra sao trong 6 tháng đầu năm 2024?

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có tình hình kinh tế ra sao trong nửa đầu năm 2024?- Ảnh 1.

 Bắc Ninh

Nếu so với năm 2023, kinh tế của Bắc Ninh trong nửa đầu năm 2024 đa có phần khởi sắc hơn. Theo đó, báo cáo của Cục Thống kê Bắc Ninh cho hay, bước sang quý 2/2024, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát với các kịch bản cụ thể, bám sát diễn biến tình hình, giải quyết kịp thời các nút thắt; các doanh nghiệp thuộc ngành chủ lực có chuyển biến tích cực ở thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, tăng trưởng GRDP quý 2/2024 đã tăng trở lại với mức tăng khá ấn tượng (8,06%) so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nhờ GRDP quý 2/2024 tăng trưởng đã kéo tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,32% so với cùng kỳ. Cục Thống kê Bắc Ninh nhận định, mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng cao về chỉ số so với cùng kỳ nhưng quy mô vẫn chưa trở về mức trước suy thoái, còn bị giảm khá nhiều so với GRDP 6 tháng đầu năm 2022 (năm đạt đỉnh về quy mô GRDP). 

Xét theo khu vực kinh tế, cả 3 khu vực kinh tế đều đạt được mức tăng trong đó tăng nhiều nhất khu vực dịch vụ, tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS), khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng ít nhất, đồng thời thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng tăng nhẹ. 

Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 101.570 tỷ đồng (tương đương 3.992 triệu USD). Về cơ cấu kinh tế theo các khu vực kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 là: Khu vực NLTS chiếm 3,58%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 68,87%; khu vực dịch vụ chiếm 23,62% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 3,92% (6 tháng đầu năm 2023, tương ứng là: 3,26%; 71,11%; 21,61% và 4,1%). Như vậy, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự thay đổi đáng kể theo hướng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ giảm 2,24% so với cùng kỳ, song song thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng giảm 0,09% trong khi tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng 2,02%, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 0,32%.

Khánh Hoà

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2024 dự báo được 31.226,2 tỷ đồng, tăng 12,73% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, GRDP quý 1/2024 tăng 12,56%; quý 2/2024 tăng 12,87%. Với kết quả này, Khánh Hoà xếp vị thứ 2/63 của cả nước và thứ 1/14 của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.

Trong đó GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 13,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,1%. Đóng góp trong tổng mức tăng 12,73% của toàn tỉnh, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 28,84%, làm tăng 8,41 điểm phần trăm. Đây là khu vực có mức tăng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế và cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, khu vực dịch vụ tăng 8,83%, làm tăng 4,35 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,1%, làm tăng 0,19 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,8%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2024 dự báo được 63.990,2 tỷ đồng, với cơ cấu nền kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 36,24%; ngành dịch vụ chiếm 44,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,29%.

Thừa Thiên Huế

Tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP (theo giá so sánh) ước đạt 19.599,3 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ (mức tăng cùng kỳ 6,61%); xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành Vùng Bắc trung bộ và duyên hải Miền Trung, xếp thứ 36/63 tỉnh/thành cả nước. Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) 37.935,5 tỷ đồng. 

Phân theo từng lĩnh vưc kinh tế, báo cáo của Cục Thống kê địa phương cho thấy, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 6,95% (mức tăng cùng kỳ 8,61%), chiếm 50,1% trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, đóng góp lớn từ doanh thu du lịch ước đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,22%. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 2,37% (mức tăng cùng kỳ là 2,25%), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8%. Theo đó, một số dự án tạo năng lực mới đi vào hoạt động đã tác động tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp: Dự án Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1), Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên, nhà máy Scavi Huế 02,... 

Ngành xây dựng tăng 15,15%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 6,33% nhờ tập trung đôn đốc triển khai các dự án trọng điểm: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Đê chắn sóng Cảng Chân Mây-giai đoạn 2, Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex,... Khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 30,1% trong cơ cấu GRDP.

Khu vực nông, lâm, thủy sản, sản xuất nông nghiệp được mùa, chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan; tăng trưởng 2,99% (mức tăng cùng kỳ là 9,45% do năm 2022 giảm sâu), chiếm tỷ trọng 11,2% trong cơ cấu GRDP.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,53% (mức tăng cùng kỳ là 5,29%), chiếm 8,6% trong cơ cấu kinh tế; tăng chủ yếu nhờ thuế nhập khẩu đạt cao (khoảng 120 tỷ đồng), gấp 6,3 lần so với cùng kỳ.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên