MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI Research: Câu hỏi về tăng trưởng kinh tế

6 tháng cuối năm 2018 với lý do chính là công nghiệp Điện tử giảm tốc, kéo theo không chỉ tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung mà cả lĩnh vực dịch vụ do mối liên hệ giữa tăng trưởng lao động công nghiệp với sức cầu tiêu dùng.

GDP quý 2 giảm tốc xuống còn 6,79 %

Sau quý 1 đạt tăng trưởng khả quan 7,45 %, tăng trưởng của quý 2/2018 đã giảm xuống còn 6,79%. Sự giảm tốc nhanh của quý 2 tuy bất thường nếu so với các năm trước nhưng đã được chúng tôi dự báo trong báo cáo tháng 5.

Nguyên nhân làm chậm tăng trưởng GDP là ngành Công nghiệp chế biến chế tạo, từ chỗ tăng 13,56 % trong quý 1 đã giảm xuống 13,02 % sau 6 tháng. Công nghiệp Điện tử thể hiện rõ xu hướng chậm dần đều với mức tăng của chỉ số công nghiệp Điện tử là 17,5 % chưa bằng một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 2 là 38,3 %.

Một điểm cần lưu ý theo SSI Research là chất lượng số liệu. Thông thường Chỉ số công nghiệp CBCT và tăng trưởng GDP ngành công nghiệp CBCT xấp xỉ nhau như quý 2 các năm 2015-2017. Tuy nhiên vào quý 2 năm nay, 2 chỉ số này lại chênh nhau tới 0,3 %. Nếu GDP Công nghiệp CBCT được điều chỉnh giảm bằng Chỉ số công nghiệp là 12,7 %, tăng trưởng GDP chung 6 tháng sẽ phải giảm 0,06 %.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 1.

Mặt khác, dịch vụ lại chứng kiến bước tăng "thần tốc" của Bán buôn bán lẻ. Cụ thể, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP và Bán buôn bán lẻ là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực Dịch vụ. Vào quý 3/2017 khi tăng trưởng GDP cần một điểm tựa, tăng trưởng của Bán buôn bán lẻ đã có bước tăng "thần tốc" và dường như điều này lại lặp lại trong quý 2 năm nay.

GDP Bán buôn bán lẻ 6 tháng tăng mạnh 8,21 % so với mức tăng 7,45 % trong quý 1. Điều này trái ngược với sự giảm tốc của Chỉ số bán lẻ 6 tháng, 8,3 % so với 8,6 %. Một điểm khó hiểu khác đó là vào 6 tháng cùng kỳ 2017, khi Chỉ số bán lẻ tăng 8,4 % thì GDP Bán buôn bán lẻ cũng chỉ tăng 7,1 %, thấp hơn nhiều mức tăng 8,21 % của 6 tháng năm nay.

Chỉ số Lao động ngành công nghiệp 6 tháng đã giảm xuống 3,1 %, mức thấp nhất 13 tháng và tăng trưởng khách quốc tế cũng đang ở mức thấp nhất nhiều tháng nên các động lực hỗ trợ cho tiêu dùng không thể nói là tích cực để làm cơ sở cho tăng trưởng cao của GDP Bán buôn bán lẻ.

Như vậy, chất lượng số liệu một lần nữa lại là vấn đề. Nếu điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP Bán buôn bán lẻ từ 8,21 % xuống về bằng với quý 1 là 7,45 %, tăng trưởng GDP chung của 6 tháng sẽ giảm thêm 0,07 %.

Kết hợp 2 điều chỉnh cho GDP Công nghiệp CBCT và GDP Bán buôn bán lẻ, tăng trưởng GDP 6 tháng có thể giảm 0,13 % xuống mức 6,95 %.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 2.

Ngược lại, Lưu trú & Ăn uống, ngành đứng thứ 4 về giá trị trong lĩnh vực Dịch vụ tăng 7,02 %, thấp nhất 5 quý cũng là một minh chứng cho thấy sức cầu tiêu dùng yếu đi. Lượng khách quốc tế đến Việt nam trong quý 2 đạt 3,68 triệu lượt người, tăng 23 % theo năm, thấp hơn khá nhiều mức tăng trưởng của quý 1 là 30,9 %.

Như đã nêu trong báo cáo tháng 5, hầu hết các thị trường du lịch chính của Việt nam đều tăng chậm lại như Trung Quốc giảm từ 43 % xuống 29 %, Hàn Quốc giảm từ 69 % xuống 52 %. Cá biệt Nga từ tăng 16 % trong quý 1 chuyển thành giảm 2 % trong quý 2 trong khi quý 2/2017 tăng tới 44 %. Rất có thể sự gia tăng khách Trung Quốc tại Nha Trang, khu vực chính thu hút khách Nga đã ảnh hưởng đến lượng khách Nga tại đây.

Do tăng trưởng khách quốc tế giảm, tăng trưởng xuất khẩu du lịch cũng giảm, từ chỗ tăng 23,3 % trong quý 1, xuống còn 16 % trong quý 2. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu du lịch đạt 5,2 tỷ USD, tăng 18,9 %.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 3.

Kinh doanh bất động sản, ngành đứng thứ 2 trong lĩnh vực Dịch vụ sau Bán buôn bán lẻ đạt tăng trưởng 4,21 %, cao nhất 6 năm. Đây là một bất ngờ lớn nhưng cũng rất khó hiểu bởi thị trường bất động sản trong năm 2018 không thể ấm hơn 2017. Theo CBRE, số lượng căn hộ chào bán mới tại Tp.HCM trong quý 2 là 6.109 căn hộ, giảm 36 % so với cùng kỳ năm ngoái, số căn hộ giao dịch thành công là 6.947 căn, giảm 29 %. Số lượng căn hộ giao dịch thành công quý 2 đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm do quy định siết tín dụng với bất động sản và dư âm của vụ cháy chung cư hồi tháng 3. Thị trường bất động sản trong quý 2 chỉ ghi nhận cơn sốt đất ngắn ở vùng ven và các khu vực dự kiến hình thành đặc khu. Tuy vậy nếu tính cơn sốt đất này vào GDP, độ tin cậy của số liệu sẽ không cao.

Vận tải & Kho bãi duy trì đà tăng trưởng của 4 quý trước đó, đạt 7,67 %. Vận tải đường biển và hàng không khả quan với tăng trưởng luân chuyển hàng hóa đường biển và hành khách đường không 6 tháng lần lượt là 4,3 % và 12,5 %. Sự cải thiện của vận tải đường biển, nhóm có tỷ trọng vận tải hàng hóa lớn nhất, có được là nhờ gia tăng xuất khẩu các mặt hàng khối lượng lớn như gạo, sắt thép và dệt may.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 4.

Nhiều ngành Công nghiệp tăng trưởng khả quan nhưng có lẽ khó bù đắp cho đà giảm của Điện tử.

Tăng trưởng của Dệt may, Sắt thép, Dược và Xe có động cơ tiếp tục xu hướng tích cực trong tháng 6

Chỉ số công nghiệp Dệt tăng 13,2 %, May mặc tăng 10,8 % trong khi cùng kỳ 2 chỉ số này tăng 9,9 % và 8,5 %. Xuất khẩu Dệt may 6 tháng đạt mức tăng trưởng cao 13,8 % (cùng kỳ tăng 8,25 %) do hầu hết các thị trường chính đều tăng. Mỹ, thị trường lớn nhất, đã nhập 5,1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 12,1 % (cùng kỳ tăng 7,4 %). Trung Quốc đứng thứ 4 về giá trị nhập khẩu nhưng lại có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất, 41 % (cùng kỳ là 30,5 %). Việc thâm nhập nhanh vào thị trường Trung Quốc là một tín hiệu tích cực khi các nhà máy ở Trung Quốc giảm sản xuất, để hổng không chỉ thị trường nội địa mà có thể cả những thị trường khác như Nhật, Hàn Quốc cho hàng dệt may Việt nam. Xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc đều tăng 22 % trong 5 tháng đầu năm. Năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt nam cũng được ghi nhận khi giành được thêm các hợp đồng từ đối thủ cạnh tranh chính là Banglades hay Srilanka, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.

Chỉ số công nghiệp Sản xuất kim loại tăng 20,7 %, cao nhất 4 tháng. Sản lượng thép thô 6 tháng đạt 7,5 triệu tấn, tăng tới 43,7 %, mức cao nhất 40 tháng. Thị trường xuất khẩu thép tiếp tục khả quan với tăng trưởng xuất khẩu sắt thép 6 tháng đạt 2 tỷ USD, tăng 52 % (cùng kỳ tăng 55 %). Trong các thị trường xuất khẩu chính, nổi lên thị trường Mỹ với tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng lên tới 102 % (cùng kỳ chỉ tăng 7 %). Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chủ trương giảm sản lượng của Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho thép Việt nam. Không chỉ vậy, việc Trung Quốc giảm dần các ngành công nghiệp ô nhiễm cũng làm tăng nhu cầu nhập xi măng. Xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm tăng vọt hơn 100 lần lên 107 triệu USD, sang Đài Loan tăng gấp 2 lên 23 triệu USD.

Chỉ số công nghiệp Thuốc, hóa dược tăng 16,2 % (cùng kỳ 2016 và 2017 chỉ tăng 7 % và 5,4 %). Sự cải thiện rõ rệt của ngành Dược có được từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, liên quan đến chính sách, đó là Chiến lược phát triển ngành Dược của Chính phủ với mục tiêu năm 2020 thuốc sản xuất trong nước chiếm 80 % thị phần đã được cụ thể hóa bằng Luật Dược có hiệu lực từ năm 2017. Thứ hai, nhiều loại thuốc bản quyền của các hãng nổi tiếng như Merck, Pfizer, Roche hết hạn trong năm 2017, giúp các doanh nghiệp dược Việt Nam sản xuất thuốc với giá thành thấp hơn. Thứ ba, đó là làn sóng đầu tư mới, xu hướng M&A của nhà đầu tư nước ngoài và sự nhập cuộc của những doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực Dược phẩm. Năng lực sản xuất trong nước gia tăng đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu thuốc. Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu Dược phẩm chỉ tăng 0,1 % trong khi cả năm 2016 và 2017 giá trị nhập khẩu thuốc đều tăng trên 10 %.

Chỉ số công nghiệp sản xuất xe có động cơ tăng 8 %, là mức tương đối cao trong 1 năm trở lại đây. Theo số liệu của VAMA, lượng xe sản xuất trong nước bán được trong 5 tháng đầu năm là 87,4 nghìn chiếc, tăng 7,2 % trong khi số xe nhập khẩu bán được giảm 47,4 % xuống 16,3 nghìn chiếc. Đây có thể coi là kết quả của Nghị định 116/2017, khung pháp lý mới nhằm hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước cũng như đưa ra các điều kiện khắt khe để hạn chế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 5.
Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 6.

Chỉ số công nghiệp Điện tử tăng 17,5 %, mức thấp nhất 11 tháng trong khi xuất khẩu Điện thoại 6 tháng tăng 15,4 %, cũng là mức thấp nhất 11 tháng. Bắc Ninh, thủ phủ sản xuất điện thoại của Samsung có chỉ số công nghiệp 6 tháng là 19,2 % chỉ bằng một nửa mức tăng của cả năm 2017 là 37,2 % trong khi chỉ số lao động tại đây giảm 1,2 % (năm 2017 tăng 21,6 %).

Không chỉ điện thoại, các mặt hàng điện tử khác cũng tăng chậm lại. Sản lượng tivi 6 tháng tăng 17 % (cùng kỳ 2016 và 2017 tăng 70 % và 39 %). Xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy vi tính 6 tháng tăng 15,7 %, thấp hơn nhiều cùng kỳ là 46,5 %. Những tín hiệu cảnh báo mà chúng tôi nhắc đến trong báo cáo tháng 5 đã ngày một rõ hơn và khả năng rất lớn là tăng trưởng ngành điện tử sẽ còn thấp hơn nữa vào 2 quý tiếp theo do nền cao của nửa cuối năm 2017.

Với tỷ trọng lớn và tăng trưởng cao, ngành sản xuất Điện tử có ảnh hưởng trọng yếu đến tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung. Với xu hướng tăng chậm dần, rất có thể ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như năm 2016 (sau giai đoạn hồi phục mạnh của ngành Điện tử năm 2015) với mức tăng trưởng xoay quanh 9-11 %, thấp hơn tương đối so với giai đoạn 2017 đầu 2018 là 12-14 %.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 7.

Khai khoáng tăng trưởng âm

Sản lượng khai thác dầu thô giảm xuống dưới 1 triệu tấn trong tháng 6, mức thấp nhất nhiều năm bất chấp giá dầu đã lên mức cao nhất 2 năm. Sản lương khí duy trì ở mức trung bình nhưng so với cùng kỳ đã giảm 5,4 %. Riêng có khai thác than đá có tăng trưởng dương, thậm chí là khá cao, 11,1 %. Nhiều khả năng than được khai thác để sử dụng trong nước do xuất khẩu than trong 6 tháng tăng thấp, 5,7 % (cùng kỳ tăng 324 %). Hai thị trường lớn là Nhật và Malaysia giảm nhập khẩu, bù lại Hàn Quốc, Ấn độ và Thailand vẫn gia tăng nhập khẩu than của Việt nam.

Tăng trưởng ngành khai khoáng 6 tháng đầu năm quay trở lại với số âm. Nếu không tính quý 1/2018, ngành khai khoáng đã tăng trưởng âm 9 quý liên tiếp và rất có thể con số này sẽ chưa dừng lại ở đây.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 8.

Nông nghiệp, Thủy sản tăng trưởng tích cực

Như đã phân tích trong báo cáo tháng 5, ngành nông nghiệp đang có tăng trưởng tốt nhờ thời tiết thuận lợi và thị trường xuất khẩu gạo mở rộng. Diện tích lúa đông xuân năm nay giảm nhẹ 0,5 % nhưng năng suất lại tăng 6,2 %, giúp tổng sản lượng lúa đông xuất tăng 1,1 triệu tấn lên 20,5 triệu tấn. Được mùa và trúng thầu nhiều lô gạo xuất khẩu, giá gạo trong nước duy trì ở mức cao so với mặt bằng của năm 2017. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu gạo đã đạt 1,8 tỷ USD, tăng 44 %.

Trong khi xuất khẩu gạo tăng, xuất khẩu rau quả lại bắt đầu giảm tốc, tăng 20,9 % trong khi cùng kỳ và cả năm 2017 đều tăng xấp xỉ 43. Nguyên nhân chính là do rau quả xuất sang Trung Quốc chậm lại. 5 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng 18 % (cùng kỳ tăng 53 %). Việc xuất khẩu rau quả tăng chậm lại có thể là nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp quý 2 giảm so với quý 1.

Xuất khẩu cá tra 6 tháng đạt 981 triệu USD, tăng 17,3 %. Dù khó xuất sang Mỹ và EU, cá tra đã tìm được thị trường mới là Trung Quốc, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước. Sản lượng cá tra 6 tháng đạt 603 nghìn tấn, tăng 8,1 %, mức cao nhất nhiều năm.

Sản lượng tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng tăng cao 14,5 % nhưng do cạnh tranh mạnh với hàng của Thailand và Ấn độ nên giá tôm giảm, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu ngành thủy sản nói chung. Dẫu vậy, giá tôm vào cuối tháng 6 đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Ngành nông nghiệp giảm tốc nhưng bù lại được nhờ thủy sản nên tính chung ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng tương tự như quý 1, 3,93 % vs 4,05 %, đây là mức tăng trưởng cao nếu so với nhiều năm trước.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 9.

Tựu chung lại từ số liệu kinh tế quý 2, SSI Research có thêm cơ sở để quan ngại về tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2018 với lý do chính là công nghiệp Điện tử giảm tốc, kéo theo không chỉ tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung mà cả lĩnh vực dịch vụ do mối liên hệ giữa tăng trưởng lao động công nghiệp với sức cầu tiêu dùng. Những yếu tố khác cũng cần phải lưu ý đó là ngành khai khoáng tăng trưởng âm và xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Trung Quốc đang chậm lại.

Trong bối cảnh này, sự vươn lên của Sắt thép, Dệt may và Dược là tín hiệu đáng mừng. Đây không chỉ là thành quả của riêng doanh nghiệp mà còn là kết quả của những thay đổi chính sách trong nước cũng như từ nước ngoài. Dù là nguyên nhân gì, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp Việt nam cần tận dụng tối đa thời cơ để chiếm lĩnh thị phần trước khi luật chơi lại thay đổi.

Rủi ro toàn cầu đang tăng nhanh, xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sâu xa hơn là chủ nghĩa dân túy đang lên ngôi. Dẫu vậy, quan điểm hợp tác quốc tế vẫn còn hiệu hữu mà bằng chứng là hiệp định CPTPP. Cánh cửa cho Việt nam ra thế giới vẫn còn rộng mở, dù có hẹp hơn so với kỳ vọng.

Sự vươn lên của khối doanh nghiệp trong nước trong thời gian gần đây đang hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khối FDI. Dẫu vậy, nếu các doanh nghiệp tư nhân của Việt có thành công thì thời gian cũng khó kịp để bù đắp cho sự giảm sút vào nửa cuối năm 2018.

"Nước xa khó cứu được lửa gần", trước mắt chúng ta có thể phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng là 7% trong năm 2018, thậm chí mục tiêu 6.8% cũng dần trở nên thách thức. Trong nguy có cơ, nhu cầu phải tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công … càng trở nên cấp thiết để tạo nền tảng cho tăng trưởng cao hơn cho các năm tiếp theo, SSI Research nhận định.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt! - Ảnh 10.

Bảo An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên