Tăng trưởng kinh tế châu Á đạt khoảng 4,5% trong năm nay
Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 hôm nay (26/3) công bố báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế châu Á. Theo đó, châu Á được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao trong năm nay và GDP của cả châu lục dự kiến chiếm 49% nền kinh tế toàn cầu.
- 27-03-2024Hai giải xổ số có độc đắc "khủng" gần 2 tỉ USD, nước Mỹ phấn khích
- 27-03-2024Một cơn sốt trên TTCK có thể khiến FED khó lòng cắt giảm lãi suất năm nay
- 26-03-2024Israel rút phái đoàn đàm phán Doha về nước, đẩy mạnh tấn công vào Gaza
Báo cáo nhận định, châu Á vẫn sẽ là khu vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cùng với sự hỗ trợ của tiêu dùng mạnh mẽ và chính sách tài khóa tích cực, tăng trưởng kinh tế châu Á dự kiến sẽ cao hơn năm 2023, đạt khoảng 4,5%.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Á dự kiến đạt 4,3%, tương tự năm 2023; kinh tế Nam Á tăng lên 5,8%, so với 5,4% của năm 2023, tiếp tục đứng đầu châu Á; kinh tế Trung Á có thể giảm xuống 4,3% từ 4,5% của năm 2023; khu vực Tây Á dự kiến tăng lên 3,5% so với mức 2,5% trong năm 2023.
Dựa trên tính toán đánh giá sức mua (PPP), quy mô GDP của các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ chiếm 49% thế giới trong năm 2024, tăng 0,5% so với năm 2023.
Về thị trường tài chính, thị trường vốn, ngoại hối, trái phiếu và ngành ngân hàng của các nước lớn ở châu Á sẽ đi vào ổn định. Năm 2024, nhờ các yếu tố như sự phục hồi ổn định của nền kinh tế và tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ của bên ngoài chậm lại, chỉ số chứng khoán của hầu hết các nền kinh tế châu Á có thể sẽ tiếp tục phục hồi, tỷ giá tăng, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ liên tục đi xuống và tỷ lệ nợ xấu của khu vực ngân hàng sẽ tiếp tục giảm.
Về thương mại và đầu tư, châu Á dự kiến sẽ đảo ngược xu hướng giảm của năm 2023. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, xung đột địa chính trị và môi trường tài chính quốc tế vẫn thắt chặt, tăng trưởng thương mại và đầu tư ở châu Á và thậm chí cả thế giới sẽ phải đối mặt với áp lực khá lớn trong năm 2024. Châu Á cũng đang phải đối mặt với tác động của sự phân mảnh chuỗi cung ứng. Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại số và sự tăng tốc phục hồi của du lịch ở châu Á, cũng như sự thúc đẩy của các thỏa thuận kinh tế, thương mại như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), những hiệu ứng tích cực của việc tái cơ cấu chuỗi giá trị, chuỗi công nghiệp châu Á đối với hội nhập kinh tế khu vực được kỳ vọng sẽ dần hiển hiện, thương mại và đầu tư của châu Á sẽ có thêm động lực mới.
Về thương mại kỹ thuật số, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành thị trường thương mại điện tử bán lẻ lớn nhất thế giới. Năm 2023, doanh số thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Trung Quốc (thứ nhất), Nhật Bản (thứ tư), Hàn Quốc (thứ năm) và Ấn Độ (thứ sáu) đã lọt top 10 nước hàng đầu thế giới.
Báo cáo cũng cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang đến những cơ hội phát triển và hợp tác mới ở châu Á, AI đang chuyển từ “sử dụng máy tính để mô phỏng trí tuệ con người” sang 3 hướng là “máy móc + con người”, “máy móc + con người + mạng” và “máy móc + con người + mạng + vạn vật”.
Ngành AI đã cho thấy các đặc điểm như đột phá của các nhóm công nghệ đổi mới, phát triển tích hợp ứng dụng trong các ngành và phối hợp sâu rộng trong hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, AI cũng gây ra những tác động đến việc làm, phân phối của cải, tuân thủ quy định..., do vậy làm thế nào để phát triển và sử dụng hợp lý AI đang trở thành vấn đề quan trọng trong hợp tác giữa các nước châu Á.
VOV