MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 dự kiến giảm 0,3% năm 2020

Tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 dự kiến giảm 0,3% năm 2020

Mặc dù các nước ASEAN và Đông Á vẫn duy trì được cam kết hợp tác thông qua RCEP, song Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: "Con đường phía trước vẫn rất gập ghềnh". Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm 2020 là -0,3%.

Ngày 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Đông Á lần thứ 18 (EAF-18) với chủ đề "Tăng cường hợp tác ASEAN+3 nhằm nâng cao năng lực tự cường kinh tế và tài chính trước các thách thức đang nổi lên" do Việt Nam và Trung Quốc đồng chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định rằng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính khu vực, thế mạnh của ASEAN+3 là chủ động ứng phó với các thách thức.
"ASEAN+3 từng trải qua những thời điểm khó khăn như dịch bệnh SARS 2003, khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008 và gần đây nhất là đại dịch Covid-19", ông Dũng cho biết.

Thứ trưởng Dũng nói thêm: "ASEAN+3 và các đối tác đã nhanh chóng kích hoạt Mạng lưới Khẩn cấp về Y tế công để điều phối, chia sẻ thông tin, kịp thời kiểm soát dịch bệnh khi mới bùng phát. Nhờ đó, ASEAN và các nước Đông Á vẫn duy trì được cam kết mở rộng hợp tác kinh tế thông qua ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37".

Dự kiến RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với gần 2,2 tỷ người, chiếm gần 30% dân số thế giới với quy mô kinh tế 27.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Song, Thứ trưởng Dũng nhận định: "Con đường phía trước rất gập ghềnh đối với mọi miền kinh tế. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm nay là -0,3%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2019 là 4,8%".

Nhắm ứng phó với tác động của dịch bệnh, các chuyên gia tại diễn đàn đề xuất cần tăng cường hệ thống giám sát kinh tế vĩ mô và năng lực cảnh báo sớm, phối hợp chính sách kinh tế và tài chính giữa các quốc gia, củng cố, tăng cường các cơ chế ổn định kinh tế - tài chính khu vực.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, triển khai hiệu quả các FTA+1 giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực và đi vào triển khai đầy đủ.

Cuối cùng, khuyến khích các quốc gia trong khu vực phát triển kinh tế số an toàn, bền vững, giới thiệu các giải pháp làm việc thông minh, tăng cường thương mại điện tử, sản xuất thông minh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo.

Hà Trần

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên