Tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số Việt Nam: Mừng thì có mừng…
Nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn từ năm 2022-2025, cao nhất ở Đông Nam Á. Có vẻ đó là những con số đáng mừng…
- 01-11-2022Đã có CCCD gắn chip mới, cần làm ngay điều này với CMND cũ để tránh gặp rắc rối sau này
- 31-10-2022'Triều đại' của Big Tech đang lung lay khi Facebook, Amazon khiến các nhà đầu tư thất vọng
- 31-10-2022Vẫn chưa đăng ký tài khoản định danh điện tử có bị phạt không?
Hai năm đại dịch vừa qua, khi mà hầu hết các nền kinh tế trên thế giới gặp phải những thách thức nghiêm trọng thì riêng ở Việt Nam, mọi thứ vẫn có sự phát triển khá ổn định. Ngay cả năm 2020, Việt Nam vẫn trở thành một nền kinh tế có hiệu suất hàng đầu châu Á vào thời điểm nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đang phải đối phó với đại dịch.
Tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam. Ảnh Google, Temasek và Bain & Company.
Bước sang năm nay, tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục vượt qua ước tính và hiện tại là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực. Theo ấn bản mới nhất trong báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam đang được dẫn đầu bởi lĩnh vực thương mại điện tử bùng nổ, đạt 14 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, truyền thông trực tuyến (4,3 tỷ USD) cùng vận tải và thực phẩm (3 tỷ USD) cũng là những nhân tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo đó, tổng sản lượng hàng hóa kỹ thuật số của Việt Nam (GMV) có khả năng đạt 23 tỷ USD trong năm nay, cao thứ ba trong khu vực sau 77 tỷ USD của Indonesia và 33 tỷ USD của Thái Lan. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như thế này, Việt Nam có thể sẽ đạt được mức tăng gấp đôi vào năm 2025 lên 49 tỷ USD.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng?
Lý giải những nguyên nhân đã và đang thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, báo cáo của Google, Temasek và Bain cho rằng đó là sự thâm nhập ngày càng tăng của các hình thức thương mại mới trên khắp các vùng thành thị và nông thôn bởi các doanh nghiệp.
Sự thâm nhập ngày càng tăng của các hình thức thương mại mới trên khắp các vùng thành thị và nông thôn Việt Nam.
Trên hết, việc cơ sở hạ tầng hậu cần đã được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử trên toàn quốc và đáng chú ý là Việt Nam đang sở hữu một lực lượng lao động công nghệ “cây nhà lá vườn” chất lượng cao, chính điều này đã thúc đẩy sự đổi mới ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh cách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam được trao quyền để vận hành các doanh nghiệp trực tuyến thông qua việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cùng với đó là có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
Tất cả, đang biến Việt Nam trở thành tâm điểm, có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư trong dài hạn. Theo khảo sát về các nhà đầu tư mạo hiểm trong quý 3 của Bain & Company, với 83% trong số họ mong đợi sự gia tăng hoạt động giao dịch so với hiện tại, trong khi theo truyền thống Singapore và Indonesia mới là những điểm đến đầu tư chính.
Chỉ riêng lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam đã huy động được khoảng 230 triệu USD trong nửa đầu năm nay, đó có vẻ là lĩnh vực được các nhà đầu tư yêu thích. Trong khi lĩnh vực truyền thông trực tuyến cũng chứng kiến một lượng đầu tư đáng kể, 190 triệu USD cho đến nay.
Trong một báo cáo trước đó, “gã khổng lồ” công nghệ Meta cho biết, cứ 10 người Việt Nam thì có 8 là người tiêu dùng kỹ thuật số. Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia dẫn đầu về áp dụng công nghệ trong tương lai như fintech và metaverse với tỷ lệ chấp nhận thực tế ảo ở Việt Nam là 29%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Còn đó những thách thức…
Tuy nhiên, báo cáo e-Conomy SEA cũng lưu ý rằng việc áp dụng kỹ thuật số vào các lĩnh vực như cửa hàng tạp hóa, du lịch và âm nhạc theo yêu cầu ở khu vực ngoại thành mớ ở mức độ sơ khai và khá phân mảnh.
Tuy nhiên, còn đó những thách thức.
Đáng chú ý, nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đang giảm dần trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu gặp khó khăn, thu nhập khả dụng giảm, giá cả tăng vọt và sản phẩm sẵn có thì thấp hơn. Hiện tại, các lĩnh vực kỹ thuật số như giao hàng thực phẩm và truyền thông trực tuyến đang phải đối mặt với sự chậm lại sau thời kỳ cao điểm do đại dịch gây ra.
Mặt khác, các lĩnh vực vận tải và du lịch trực tuyến đang kỳ vọng có sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng lần lượt 43% và 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những lĩnh vực này cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn như tăng giá nhiên liệu, thiếu hụt nguồn cung và tiếp tục bị hạn chế đi lại trong các hành lang giá trị cao (ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trong khi nhu cầu của người tiêu dùng lại đang bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng vọt.
Rõ ràng, khi nhìn vào những con số trong báo cáo, có thể thấy nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đang có những tín hiệu đáng mừng. Song, có vẻ còn đó những âu lo…
Diễn đàn doanh nghiệp