Tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ theo chiều hướng tích cực
Tăng trưởng năm 2017 sẽ tích cực nhờ cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân.
- 02-01-2017Đâu là những vấn đề “đau đầu” nhất của nền kinh tế đang đợi 2017?
- 01-01-2017[Infographic] Toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 2016 qua các con số
- 19-12-2016[Infographics] Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020
Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước phấn đấu đạt 6,7%, chỉ số lạm phát dưới 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương. Đánh giá về dư địa năm 2017, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều lợi thế khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngoài ra, trong năm 2017, giải ngân vốn đầu tư phát triển sẽ được thúc đẩy hơn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo ổn định. Bởi, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Năm 2017 Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cho xuất khẩu tốt khi nhiều Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. (Ảnh minh họa: KT)
Đặc biệt, việc tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng bố trí vốn tập trung, triển khai đúng các quy định của Luật Đầu tư công sẽ giúp hoạt động giải ngân trở nên hiệu quả hơn.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và chiếm lĩnh những thị trường, dòng vốn tiếp tục đổ về, sẽ tiếp tục khẳng định với những hiệp định thương mại đã hoặc sẽ ký với các nước đối tác.
PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, năm 2017 là thời kỳ sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho hoạt động kinh tế của Việt Nam. Theo đó sẽ có nhiều cơ hội khi nhiều Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.
“Nếu chúng ta tận dụng được Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Á-Âu, Liên minh châu Âu, với Nhật Bản, Hàn Quốc thì điều này sẽ mở ra khả năng xuất khẩu rất tốt. Ngoài ra một số mặt hàng chủ lực khác đã bắt đầu tìm được thị trường và chinh phục được những thị trường khó tính như rau, quả đã sang Nhật, sang Mỹ…”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng lạc quan cho biết.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực, nhờ cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân trở thành động lực chính của năm. Việt Nam tiếp tục bảo đảm thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.
Mới đây, phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trọng tâm chỉ đạo điều hành là ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao hơn năm 2016 gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Thủ tướng cũng chỉ rõ, cần đặc biệt quan tâm xử lý hai vấn đề quan trọng hiện nay là nợ xấu và nợ công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Kiên quyết chống lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng khẳng định, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các trọng điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ cần được tập trung vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết nợ xấu, kiểm soát nợ công dưới trần, linh hoạt tỷ giá và lãi suất trong biên độ cho phép. Tái cơ cấu ngành phải làm thật tốt với nông nghiệp và xây dựng nông thôn theo hướng đi nhanh vào hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Các khu vực thành phần kinh tế tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa và đổi mới quản trị doanh nghiệp Nhà nước đi cùng với khuyến khích hỗ trợ mạnh kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp./.
VOV