Tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thế giới như thế nào?
Kết thúc quý 1, một số tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng cho một số nước dựa vào tình hình phát triển trong thời gian qua.
- 12-04-2022Kinh tế toàn cầu trước “mối lo kép” lạm phát và suy thoái
- 12-04-2022Sau World Bank, HSBC, đến VCSC hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam do 3 rủi ro chính
- 12-04-2022Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể lập kỷ lục mới
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế thế giới và một số khu vực. Theo báo cáo, xung đột giữa Nga-Ukraine gây ảnh hưởng bất lợi tới tất cả các khu vực của nền kinh tế thế giới. Theo đó, WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2022 xuống mức 5% trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng với xung đột tại Ukraine.
WB dự báo, trong trường hợp tình hình phát triển kinh tế toàn cầu trở nên xấu hơn; đồng thời, phản ứng chính sách của nhiều nước chưa thực sự hiệu quả, thì tăng trưởng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có thể giảm còn 4%.
Tuy nhiên, WB cho biết, những tác động này không thể lấn át lộ trình tăng trưởng mới thông qua thương mại và đổi mới sáng tạo. Việc đẩy mạnh cải cách và thực hiện các chính sách tài khóa, an toàn tài chính, thương mại và đổi mới sáng tạo có thể giúp các quốc gia Đông Á-Thái Bình Dương ngăn ngừa rủi ro và nắm bắt cơ hội mới.
Dự báo tăng trưởng một số nước thuộc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương năm 2022 (%). Nguồn: WB.
Trong lần thay đổi dự báo tăng trưởng mới nhất, WB dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5%. Cùng với đó, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam được dự đoán có mức độ tăng trưởng từ 5%-6%, trong khi đó tăng trưởng của Thái Lan ở mức 2,9%.
Dự báo cho Việt Nam đã được cắt giảm từ 6,5% xuống còn 5,3%. Một trong những lý do đó là các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, cùng với cú sốc tỷ giá thương mại và các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga–Ukraine.
Đặc biệt, WB đã thống kê những ảnh hưởng kinh tế do xung đột Nga-Ukraine gây ra và dự báo tăng trưởng cho 2 quốc gia này trong năm 2022. Cụ thể, Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm khoảng 45,1% trong năm 2022. Bên cạnh đó, Nga là nước đang hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của Mỹ và các đồng minh phương Tây, WB ước tính tăng trưởng giảm 11,2%.
WB cũng đưa ra một dự báo trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu xung đột sẽ kéo dài, nhiều lệnh trừng phạt hơn được áp đặt và giá hàng hóa tăng vọt hơn nữa. Trong trường hợp đó, GDP của Nga ước tính sẽ giảm 20%, trong khi của Ukraine sẽ giảm 75%.
Không chỉ vậy, WB cho biết, các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á sẽ bị suy giảm kinh tế 4,1% trong 2022.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022), trong đó nhận định kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn định.
Mức dự báo tăng trưởng 6,5% của Việt Nam vẫn được ADB giữ nguyên so với năm ngoái. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận triển vọng phục hồi của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một số rủi ro trong ngắn hạn. Cụ thể, ngoài số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kể từ giữa tháng 3, thì tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.
Ngoài ra, ADB nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chiến sự giữa Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài. Theo ADB, chiến sự Nga-Ukraine tác động đến các nước ASEAN chủ yếu ở lạm phát chứ không phải tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng ở khu vực ASEAN ở mức 5,2% vào năm 2022 và 5,3% vào năm 2023. Mức tăng trưởng này có được nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục phục hồi và xuất khẩu vững chắc. Lạm phát sẽ tăng lên 3,7% vào năm 2022 và 3,1% vào năm 2023.
Dự báo tăng trưởng một số nước và các khu vực trên thế giới (%). Nguồn: ADB.
Ngoài ra, mới đây, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) dự báo kinh tế Nga, Ukraine tăng trưởng âm 10% và 20% trong năm 2022. Không chỉ vậy, theo EBRD, xung đột Nga-Ukraine sẽ là nguyên nhân chính gây ra suy giảm kinh tế toàn cầu.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Beata Javorcik của EBRD: "Kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng, mức sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Nhưng Nga đủ sức để chống chọi với cú sốc này xét trên khía cạnh ổn định kinh tế vĩ mô. Tác động mà Nga sẽ phải gánh chịu là tăng trưởng ở mức 0% trong năm 2023 và rất thấp trong dài hạn".
EBRD dự báo kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 20% trong năm nay, do bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Trong đó, tăng trưởng có thể phục hồi trong năm 2023, nhưng những tổn thất về hạ tầng mà Ukraine phải gánh chịu là rất lớn, với ước tính lên đến 100 tỷ USD.