MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng bất ngờ chậm lại

30-06-2022 - 15:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng bất ngờ chậm lại

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn trong 6 tháng đầu năm cũng chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng.

Theo số liệu mới được Tổng Cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97%. Mặc dù huy động vốn tăng nhanh hơn so với cùng kỳ (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%) nhưng vẫn còn chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Đến ngày 20/6/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với mức đạt được cùng kỳ năm ngoái (5,47%) và gấp 2,14 lần tốc độ huy động vốn trên toàn hệ thống.

Số liệu mới nhất về huy động vốn của hệ thống TCTD cũng gây bất ngờ khi cho thấy có dấu hiệu tăng chậm lại vài tháng trở lại đây dù đã tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2022.

Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 3 tháng đầu năm 2022, tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đã tăng 3,59%, tương đương tăng gần 400.000 tỷ đồng lên hơn 11,33 triệu tỷ đồng. 

Như vậy, trong 3 tháng của quý 2/2022, huy động tiền gửi vào hệ thống TCTD gần như đi ngang.

Trên thị trường, cuộc đua tăng lãi suất huy động khá "nóng" trong những tháng đầu năm nhưng đã hạ nhiệt trong tháng 6.

Mặc dù chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn khá lớn nhưng thanh khoản hệ thống lại trong trạng thái dồi dào thời gian gần đây. Nguyên nhân là nhiều ngân hàng đã chạm hạn mức tín dụng mà NHNN cấp cho hồi đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã cạn "room" ngay từ cuối quý 1. 

Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái liên tiếp "hút" bớt thanh khoản trong tuần vừa qua với quy mô khá lớn. Trong 6 phiên (21/6-28/6), NHNN đã rút khỏi thị trường gần 100.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu.

https://cafef.vn/tang-truong-tien-gui-vao-he-thong-ngan-hang-bat-ngo-cham-lai-20220630145630072.chn

Thu Thủy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên