MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tăng trưởng tín dụng 11 - 12% là phù hợp, đừng nên nhắc đến 14 - 15% nữa!"

17-11-2023 - 15:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM, nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế chỉ khoảng 11 - 12%.

"Tăng trưởng tín dụng 11 - 12% là phù hợp, đừng nên nhắc đến 14 - 15% nữa!" - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức sáng 17/11, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, việc tính chỉ tiêu 14% tăng trưởng tín dụng năm nay bắt nguồn từ việc đưa ra chỉ tiêu kế hoạch GDP tăng 6,5%, lạm phát ở mức 4,5% và cân đối xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên trong năm nay bối cảnh đang thay đổi, World Bank khá bi quan khi đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 4,7%. Tăng trưởng tín dụng tới đầu tháng 11 mới đạt khoảng 7,31%, cách xa mục tiêu tín dụng 14%. Do đó, khi thị trường biến động thì mục tiêu cũng phải đổi thay.

"Nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế chỉ khoảng 11 - 12%. Nếu như tăng trưởng tín dụng đến 14 - 15% thì vấn đề năm sau sẽ phức tạp về lạm phát", ông cho hay.

Theo kinh nghiệm từng là Phó Vụ trưởng vụ Dự báo Thống kê - NHNN, ông Trung cho rằng tín dụng tăng 9 tháng vừa rồi là bình thường, theo đúng mùa vụ và đúng chu kỳ. Do vậy, cần lưu ý về mức dự báo tăng trưởng GDP 4,7% của World Bank để tính toán lại mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng, để tránh mục tiêu quá cao, khổ cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

"Để phù hợp với nền kinh tế thì và phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế thì mức tăng trưởng tín dụng 11 - 12% là phù hợp, đừng nên nhắc đến 14 - 15% nữa", ông ước tính.

Bổ sung ý kiến của ông Nguyễn Đức Trung, TS Võ Trí Thành nói thêm, về đặt chỉ tiêu tín dụng, 2 năm tới, trừ khi hệ thống tài chính lành mạnh thì chưa thể bỏ "quota" tín dụng. Còn tăng trưởng tín dụng lớn hơn là vấn đề khó. Việc đặt chỉ tiêu 14-15% là Việt Nam dũng cảm.

Ông Thành nêu thực chất là Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao, tín dụng/GDP lên tới 130% là quá cao. Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển thì tăng trưởng tín dụng Việt Nam sẽ ở mức 10%, không còn là 13-14-15% như hiện nay.

Trước đó, số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%, trong 2 tháng cuối năm, ngành ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng thêm gần 7% nữa mới đạt được mục tiêu. Ứớc tính, ngành ngân hàng cần cho vay thêm gần 800 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Trọng Tín

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên