Tăng trưởng việc làm chậm lại làm gia tăng đồn đoán Fed sớm hạ lãi suất
Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại trong tháng 4/2024, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng. Giới đầu tư có thêm hy vọng về khả năng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
- 05-05-2024Nga: Tập đoàn dầu khí Gazprom lỗ kỷ lục khi thị trường châu Âu ‘đóng cửa’
- 05-05-2024Một công ty thua lỗ tới 32 tỷ USD trong 5 năm qua nhưng vẫn ung dung sống, không lo phá sản, đơn hàng chất đống và không khách hàng nào dám hủy đơn
- 05-05-2024Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống thanh toán mã QR chung với các quốc gia châu Á
Tăng trưởng việc làm chậm lại
Theo báo cáo mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 4/2024, nền kinh tế Mỹ tạo ra được 175.00 việc làm. Con số này đã được điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ và thấp hơn mức 300.000 việc làm mới tạo ra trong tháng 3 và thấp hơn mức 240.000 việc làm mới mà giới kinh tế dự báo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2024 cũng tăng lên mức 3,9%.
Số liệu cập nhật làm hồi sinh hy vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối mùa Hè năm nay, khi diễn biến trên thị trường lao động giúp xoa dịu lo ngại về tinh tế tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, thông tin này chưa thể thay đổi tầm nhìn tức thời của Fed, một phần là bởi sẽ còn có một kỳ báo cáo việc làm nữa trước phiên họp chính thức sắp tới của Fed từ ngày 11-12/6.
Giới phân tích nhận định báo cáo việc làm tháng 4 cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt, nhưng cũng không cho thấy mức suy giảm nghiêm trọng về điều kiện tuyển dụng nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp nhích lên 3,9% so với mức 3,8% trong tháng 3. Thu nhập tiền lương cũng tăng kém hơn dự kiến, chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 4,1% trong tháng 3. Đà suy yếu về việc làm diễn ra phổ biến trong các ngành, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực hành chính công, lưu trú khách sạn và xây dựng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều lần tuyên bố ông vui mừng nếu thị trường việc làm ở trạng thái tích cực và lạm phát có thể xuống ngưỡng mục tiêu 2% Fed đề ra mà không làm tăng nhanh tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, thông tin về lạm phát nóng hơn dự báo gần đây đã làm suy yếu quan điểm lạc quan cho rằng kinh tế Mỹ đang hướng đến "hạ cánh mềm", với lạm phát về mức 2% nhưng không gây ra suy thoái. Một số nhà kinh tế đã lo ngại thị trường việc làm nóng có thể sẽ đẩy lạm phát neo ở mức cao vì không chặn được đà suy giảm của tăng trưởng tiền lương.
Trong tháng 4/2024, nền kinh tế Mỹ tạo ra được 175.00 việc làm
Dự đoán Fed sẽ có ít nhất một đợt giảm lãi suất
Theo chuyên gia kinh tế Thomas Simons tại ngân hàng Jefferies, dữ liệu việc làm tháng 4 có thể bị coi là thất vọng khi so sánh với số việc làm mới ở mức cao trong nhiều tháng trước đó. Nhưng đây mức suy giảm bền vững hơn và đó là điều Fed muốn thấy.
Dữ liệu trước ngày 3/5 đều phản ánh diễn biến khá ổn định trên thị trường lao động. Bất chấp nỗ lực của Fed kiềm chế lạm phát bằng cách tăng chi phí vay mượn thông qua tăng lãi suất, các doanh nghiệp tiếp tục tăng tuyển dụng nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng rất nhẹ và báo cáo ngày 3/5 cho thấy tăng trưởng tiền lương đã mất đà.
Các chuyên gia kinh tế từng lưu ý rằng tình hình có thể thay đổi nhanh. Trong quá khứ, những cú bùng phát tỷ lệ thất nghiệp thường xuất hiện mà hầu như không có nhiều cảnh báo. Nhu cầu tuyển nhân công đã dịu bớt, còn thị phần người tự nguyện bỏ việc cũng giảm.
Thị trường việc làm lành mạnh giúp công việc điều hành của Fed có chút dễ dàng hơn, cho phép quan chức Fed hướng tập trung vào lạm phát. Ông Powell ngày 1/5 tái khẳng định dữ liệu lạm phát mới nhất đồng nghĩa với việc thời điểm Fed cắt giảm lãi suất có thể bị đẩy lui hơn so với dự kiến trước đó. Tuy nhiên, người đứng đầu Fed cũng ra tín hiệu cơ quan này sẽ không tăng lãi suất thêm nữa, ngầm khẳng định sẵn sàng cắt giảm lãi suất để ứng phó với "đà suy yếu vượt dự kiến trên thị trường lao động".
Giới đầu tư giờ kỳ vọng Fed sẽ có ít nhất một đợt giảm lãi suất và nhiều khả năng là hai đợt trong năm 2024, với lần cắt giảm đầu tiên sẽ đến vào tháng 9, sớm hơn so với tháng 11 như dự báo trước khi công bố báo cáo việc làm tháng 4. Tâm lý lạc quan của giới đầu tư về việc Fed hạ lãi suất cũng kéo theo xu thế bán tháo đồng USD, một diễn biến được nhiều nước trên thế giới chào đón, khi mà đồng nội tệ của những nước này chịu sức ép mất giá thường trực từ đầu năm đến nay.
Chuyên gia chiến lược Jason Pride tại Công ty quản lý quỹ Glenmede, nhìn nhận giới đầu tư cần phải đợi thêm những diễn biến tích cực nữa mới có thể kỳ vọng về một đợt giảm lãi suất hiển hiện. Bởi chỉ cần có một báo cáo về việc làm hay lạm phát nóng trở lại cũng đủ để Fed cân nhắc có cắt giảm lãi suất trong năm nay nữa hay không. "Một tháng không phản ánh xu thế. Nhưng báo cáo việc làm ngày hôm nay chắc chắn sẽ tạo cho Fed tin tưởng cần thiết, rằng lãi suất cao có thể đã bắt đầu phát huy công dụng", ông Pride nói.
VTV