MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tăng trưởng Việt Nam trễ nhịp nhưng không chệch hướng”

“Tăng trưởng Việt Nam trễ nhịp nhưng không chệch hướng”

Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đưa ra dự báo lạc quan về sự tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong năm 2022, nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức lớn...

Như BizLIVE đề cập, với chủ đề "Hướng tới tương lai – Vai trò của Hội đồng quản trị trong ESG và tính bền vững", ngày 10/12, Diễn đàn Thường niên về Quản trị Công ty lần thứ tư năm 2021 (AF4) của Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) đã được tổ chức với hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 .

Sự kiện ghi nhận sự tham gia cùng những tham luận, chia sẻ đáng chú ý của các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị công ty và ESG (Quản trị Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp ) và lãnh đạo cấp cao của một số tổ chức quốc tế.

Mở đầu tham luận với chủ đề: "Triển vọng toàn cầu và Việt Nam: Tăng trưởng trễ nhịp nhưng không chệnh hướng", ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đề cập đến những vấn đề và xu hướng mà kinh tế thế giới cũng như Việt Nam phải đối mặt trong năm 2022 đã cận kề, sau những gì đã diễn ra năm 2021.

Theo ông Kyle F. Kelhofer, COVID-19 vẫn sẽ là một trong những thách thức chính của năm 2022, do ghi nhận biến chủng mới Omicron và vẫn tiếp tục những làn sóng mới của dịch bệnh trong thời gian qua.

Về Việt Nam, vị chuyên gia của IFC nhấn mạnh thành tích tăng trưởng bền vững của đất nước trong giai đoạn hơn 20 năm vừa qua, dù sự xuất hiện của COVID-19 cùng biến chủng Delta đã làm trì hoãn sự tăng trưởng này.

Đồng thời, ông Kyle F. Kelhofer cũng tán dương sự cải thiện trong việc xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam. Sự cơ cấu lại thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam cũng cho thấy những dấu hiệu "xanh" hơn, tích cực hơn.

“Tăng trưởng Việt Nam trễ nhịp nhưng không chệch hướng” - Ảnh 1.
“Tăng trưởng Việt Nam trễ nhịp nhưng không chệch hướng” - Ảnh 2.

Cùng với đó, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đưa ra những dự báo lạc quan về sự tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong năm 2022. Theo ông Kyle F. Kelhofer, đây là những dấu hiệu, triển vọng cho sự phục hồi của kinh tế của Việt Nam trong năm tới cũng như sự phát triển thị trường vốn trong tương lai.

BỐN THÁCH THỨC CHÍNH

Bên cạnh những cơ hội thì Giám đốc Khu vực của IFC cũng đưa ra những cảnh báo, đề cập đến rủi ro cùng thách thức đang đặt ra với Việt Nam trong thời gian tới.

Trước hết, đó là sự già hóa về dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh, cũng như bài toán an sinh với các nhóm lao động dễ bị tổn thương. Thêm vào đó, lực lượng lao động của Việt Nam cần nhanh chóng được tiếp cận với những kỹ năng phù hợp với xu thế tự động hóa, kỹ năng tốt hơn, năng suất lao động cao hơn trong mọi ngành nghề.

Ông Kyle F. Kelhofer cho biết, để thúc đẩy năng suất lao động, Việt Nam cần phải phải khai thác hết tiềm năng của khu vực tư nhân bằng cách giảm bớt các ràng buộc về gia nhập thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Cùng với đó là nâng cấp năng lực trong việc đóng góp chuỗi giá trị toàn cầu; đa dạng hóa các thị trường và số hóa sâu hơn trong mọi lĩnh vực.

Đề cập đến báo cáo nghiên cứu mới đây về Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam để hướng tới mục tiêu Quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, vị chuyên gia của IFC nêu lên 4 thách thức chính.

“Tăng trưởng Việt Nam trễ nhịp nhưng không chệch hướng” - Ảnh 3.

Đầu tiên và quan trọng nhất là Cạnh tranh, tức là tạo ra được sân chơi bình đẳng, công bằng đối với tất cả các chủ thể trong nền kinh tế. Trong đó, điều quan trọng là phải củng cố và xây dựng các khung khổ pháp lý, tạo môi trường công bằng, bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp SMEs.

Thứ 2 là thách thức về Tài chính. Ông cho biết doanh nghiệp nhìn chung vẫn khó tiếp cận với tài chính, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thị trường vốn vẫn chưa phát triển. Các công ty fintech cần nhận thêm sự hỗ trợ để có thể phát triển các dịch vụ tài chính sáng tạo và mang tính bao trùm.

Thứ 3 là những khó khăn liên quan đến vấn đề Kỹ năng. Theo đó, những khoảng cách và sự thiếu hụt về kỹ năng cần được giải quyết, đặc biệt là kỹ năng kỹ thuật số, kỹ thuật và quản lý. Đây là điều cần sớm được giải quyết, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật... để có thể chuyển đổi tăng trưởng sang mô hình dựa trên sự đổi mới.

Cuối cùng là câu chuyện liên quan đến Cơ sở hạ tầng cũng như Chi phí logistics. Cơ sở hạ tầng cần nhiều cải thiện và chi phí logistics còn cao là những điều cần sớm khắc phục, cắt giảm để có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững hơn.

“Tăng trưởng Việt Nam trễ nhịp nhưng không chệch hướng” - Ảnh 4.

NĂM LĨNH VỰC CẦN CHÚ TRỌNG

Ông Kyle F. Kelhofer cũng đồng thời đề cập đến 5 lĩnh vực mà Việt Nam cần chú trọng cũng như có nhiều cơ hội để phát triển. Đó là logistics, năng lượng, nông nghiệp (đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao), giáo dục đào tạo và du lịch.

Ông một lần nữa lưu ý, nhìn về tương lai, Việt Nam có thể tạo điều kiện để phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, đa dạng và đổi mới. Điều này càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn trong giai đoạn khôi phục sau COVID-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm.

Với lĩnh vực nông nghiệp - "trụ đỡ" nền kinh tế của Việt Nam, Giám đốc Khu vực của IFC đánh giá các FTA gần đây đã mở ra cánh cửa rộng lớn với sản phẩm nông sản Việt Nam để tiếp cận dễ dàng hơn tới các thị trường lớn, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, vật nuôi có chất lượng cao và giá trị kinh tế.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý Việt Nam cần để ý và ngăn chặn sớm những vấn đề có thể xảy đến như tỷ giá hối đoái, cân bằng thương mại để ngăn chặn rủi ro về phá giá tiền tệ.

"Rủi ro suy thoái còn lớn, áp lực lạm phát, giá cả vẫn đầy thách thức qua hai năm 2020-2021. Tuy nhiên, các chỉ số vẫn chỉ ra Việt Nam là quốc gia có cơ hội tăng trưởng, có thặng dư tài khóa. Vấn đề là làm thế nào để duy trì cải thiện nền kinh tế từ các yếu tố thuận lợi và đặc thù của Việt Nam ngay trong đầu năm 2022 tới", vị chuyên gia tới từ IFC nêu quan điểm.

Đồng thời, ông Kyle F. Kelhofer cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng như liên kết với đối với doanh nghiệp nước ngoài. Đánh giá khu vực kinh tế tư nhân còn khá "non trẻ", Giám đốc Khu vực của IFC cho rằng khu vực này cần được đầu tư hơn nữa để nâng cao năng lực.

Đề cập đến câu chuyện sản xuất, xuất khẩu bị tăng trưởng chậm lại trong 2 năm vừa qua do COVID-19, ông Kyle F. Kelhofer nhắc nhở về sự chuẩn bị để đón đầu xu hướng phục hồi năm 2022 khi các lệnh cấm đi lại, giãn cách được dỡ bỏ, nới lỏng.

Cuối cùng, ông Kyle F. Kelhofer nhắc lại những cam kết rất mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam tại COP 26 về "kinh tế xanh" và cho biết cơ hội đang đến từ ngay thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu dân.

Theo Tuấn Việt

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên