MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng xuất khẩu đừng trông chờ - FDI

Từ khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) xuất khẩu (XK) hàng sản xuất từ Việt Nam đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho chủ nhà. Nhờ thế, XK của Việt Nam tăng nhanh cả về quy mô, tốc độ và phạm vi…

FDI có công

Từ 10 tỉ USD năm 1988 khi VN mới thu hút FDI, tổng kim ngạch XK cả nước tăng dần lên 50 tỉ USD, 100 tỉ USD… Tại thời điểm này đã nhìn thấy ngưỡng 200 tỉ USD với lực đẩy mạnh mẽ là do quy mô DN FDI tăng rất nhanh, tới nay chiếm tới 70% tỉ trọng XK cả nước.

XK giai đoạn 2011- 2015, bình quân tăng 17,6%/năm, cao hơn mục tiêu trong Chiến lược Xuất nhập khẩu đến năm 2020, định hướng đến 2030, cũng như mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI (tăng 12%). Bằng tốc độ tăng luôn cao hơn mức tăng chung, khối FDI đã đóng góp có vai trò quyết định duy trì đà tăng trưởng cao XK của cả nước.

Năm 2015, 23 mặt hàng XK đạt 1 tỉ USD trở lên. Điện thoại ngay năm đầu tiên xuất hiện trong danh mục mặt hàng XK chủ lực đã đạt 6,4 tỉ USD, ngang bằng với giày dép, lần lượt những năm sau vọt lên gấp đôi. Năm 2015, điện thoại di động vươn lên đứng đầu với 30,6 tỉ USD, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nhờ FDI mà Bình Dương, Đồng Nai mở mày mở mặt. Đến khi hãng Honda vào Vĩnh Phúc, tỉnh này lên đời. Tới lúc Samsung xây nhà máy điện thoại tại Bắc Ninh rồi Thái Nguyên lặp lại kịch bản cũ của các địa phương nổi đình đám hồi đầu. Trên đường đua xuất khẩu, Bắc Ninh, Thái Nguyên từ vạch xuất phát thấp bỗng tăng tốc vọt lên thứ 2, thứ 3 trong cả nước, vượt cả Hà Nội và TPHCM.

Khối FDI làm cho cán cân thương mại đẹp dần, thu hẹp nhập siêu thậm chí xuất siêu. Từ đầu năm 2016 đến nay cán cân càng đẹp đến khó tin, trong khi XK luôn không đạt mục tiêu tăng 10%, mà vẫn xuất siêu, lần lượt quý I - 6 tháng - 9 tháng là 0,7 tỉ USD- 1,5 tỉ USD- 2,8 tỉ USD. Riêng khối FDI xuất siêu lần lượt là 4,8 tỉ USD - 11,2 tỉ USD - 17,2 tỉ USD.

Một trong những động lực để các DN FDI sớm thăng hoa vì được siêu ưu đãi, “trải thảm đỏ”. Điều này không hề hồ đồ mà bởi ngoài chính sách chung, để đón được nhà đầu tư FDI về địa phương, các địa phương đều đua nhau “ban” thêm đặc ân. Tận dụng tối đa ưu đãi này, kim ngạch cùng thặng dư thương mại của khối FDI ngày càng lớn, dĩ nhiên kim ngạch này là của họ, VN có chăng chỉ được con số để làm đẹp biểu thống kê.

Trông người mà ngẫm đến ta

Trong khi các DN VN dù luôn cháy bỏng ước vọng “vươn vai Phù Đồng”, song bao năm vẫn loay hoay khởi nghiệp, đến nay thân hình vẫn mảnh mai, sức vóc vẫn khiêm tốn. Năm 2012 - năm đầu tiên XK cả nước vượt ngưỡng 100 tỉ USD (114,5 tỉ USD) nhưng khối DN VN chỉ XJ có 42,2 tỉ USD. Năm 2015 lên 162,5 tỉ USD, khối nội chỉ được 49 tỉ USD. Cặp số đó của 9 tháng 2016 là 128,2 tỉ USD - 37 tỉ USD. Ngưỡng 100 tỉ USD tưởng đã với tới, thực ra còn quá xa.

Sự đuối sức của khối DN Việt Nam ở hai huyệt điểm. Một là, hành trình luôn khoan thai, song nhờ Khối FDI tăng cao đỡ hộ nên cũng trên tổng thể XK mới tăng nhanh. Hai là triền miên nhập siêu khủng, may nhờ khối FDI xuất siêu lớn gánh cho nên cán cân thương mại tổng thể vẫn “đẹp như mơ”.

Lấn bấn của Khối nhà ta tác động ngay đến những cân đối kinh tế lớn, ngành trụ cột, địa bàn trọng điểm và chính mỗi doanh nghiệp thậm chí có đơn vị phải chia tay thị trường. Vực dậy Khối DN VN không vô vọng nhưng lắm gian nan.

FDI - Không thể dựa mãi

Đằng sau những huy hoàng, các FDI dần bục ra nhiều hậu họa khó lường, chưa có điểm dừng. XK của họ luôn cao, thặng dư lớn, nhưng do được siêu ưu đãi lại sẵn chiêu trò nên đóng góp cho chủ nhà lâu nay vẫn quá “khiêm tốn”. Kêu lỗ những vẫn mở rộng sản xuất, chỉ sức vóc của người lao động bỏ ra mới “lỗ” thực.

Đúng là các xí nghiệp FDI thu hút được nhiều lao động ở vùng… mất ruộng. Nhưng còn một thực tế xót xa hơn bây giờ mới được phanh phui là người lao động bị vắt kiệt sức rất nhanh do cường độ lao động cao, điều kiện làm việc tồi tệ cùng với đời sống cơ cực. Tình trạng này ở các DN nói chung song nhưng trầm kha là tại các ông chủ FDI vốn có bề dày thủ đoạn bòn rút sức lao động ở chính quốc. Lợi dụng kẽ hở Luật pháp của ta chưa có chế tài vè tình trạng chỉ xử dụng lao động quãng thời gian sức lực sung mãn nhất, đến lúc bắt đầu suy kiệt thì đẩy ra ngoài, nên hiện trạng phổ biến ở các Khu công nghiệp - Khu chế xuất là công nhân “nghỉ hưu”ở độ tuổi 40. Công nhân sức khỏe loại 1 chỉ chiếm khoảng 5,2%. Tại Công ty Honda Việt Nam đóng ở Vĩnh Phúc từ 2013 đến nay, năm nào cũng có cả nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng (*).

Cũng đúng là có các nhà máy của FDI đặt giữa những cánh đồng, ven quốc lộ khiến cảnh quan bớt vẻ quê mùa, khoác dáng dấp hiện đại. Nhưng bây giờ mới vỡ ra FDI họ vào nhờ đất ta hành nghề còn kính chuyển trọn gói cho ta rác, nước, khí thải, công nghệ thanh lý. Đất ta thành bãi rác tự nguyện, miễn phí.

Chỉ trông cậy vào Khối FDI để thăng tiến nên khi khi họ gặp trục trặc thì lúng túng chưa biết xoay sở thế nào.

Quý I - 6 tháng - 9 tháng 2016 Khối FDI chỉ tăng lần lượt là 5,8% - 6,9% - 7,4% , nghĩa là chưa được 10% thì việc XK của cả nước qua 3 mốc trên lần lượt tăng 4,1% - 5,95 - 6,7% - càng thấp hơn mục tiêu nói trên là đương nhiên.

Cũng vì vậy, mới nghe tin quyết định của Samsung ngừng sản xuất và thu hồi toàn bộ Galaxy Note 7 đã giật thót vì sẽ ảnh hưởng đến XK của Việt Nam. Hiện mặt hàng điện thoại và linh kiện hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch XK của ta và khoảng 33% thiết bị di động bán ra trên toàn cầu của Samsung được sản xuất tại Việt Nam. Những sản phẩm trên chủ yếu từ hai tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, hẳn sẽ đến lúc vị thế của hai địa phương này trên bảng xếp hạng về XK lung lay. Năng lực tham gia chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu của mặt hàng này sẽ bị cạnh tranh.

Chủ động dựa vào sức mình

Đã đành thu hút FDI là xu thế chung của các nước kém phát triển, riêng nước ta vốn rất ‘hoàn cảnh” lại bất thần bị cắt “bầu sữa” bao cấp quốc tế, càng là sự lựa chọn không thể khác và chậm hơn. Vốn FDI nay đã thành nguồn lực không thể thiếu cho phát triển, song qua một phần tư thế kỷ tiếp đãi hậu hỹ nhà FDI đã tỉnh ra nhiều điều. Cân đong hai mặt chưa rõ hơn thiệt thế nào, nhưng việc cần làm ngay là khẩn trương hiệu chỉnh phương sách thu hút FDI, đồng thời chủ động dựa và phát huy sức mình, tích cực hỗ trợ DN nước nhà lớn lên. Không thể ỷ mãi vào người ta.

Theo Nguyễn Duy Nghĩa

Lao động

Trở lên trên