Tăng tuổi nghỉ hưu để sử dụng hiệu quả lực lượng lao động?
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã giải đáp 1 số vấn đề liên quan đến dự thảo nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu.
- 23-09-2016Tăng tuổi nghỉ hưu: Có mất cơ hội của người trẻ?
- 23-09-2016"Nếu bắt nữ lao động chân tay nâng tuổi nghỉ hưu lên 58 là chết rồi!”
- 22-09-2016Tăng tuổi nghỉ hưu: Lương hưu Việt Nam quá thấp
Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu để đưa vào Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2017. Vậy, vì sao phải tăng tuổi nghỉ hưu và nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người lao động như thế nào? Chúng tôi phỏng vấn ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.
Ông Phạm Minh Huân-Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
PV: Thưa ông, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới, vậy đâu là lý do để các cơ quan quản lý một lần nữa đưa ra nghiên cứu và lấy ý kiến vào thời điểm này?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Cảnh báo của các nhà nghiên cứu, tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang tăng rất nhanh, tức là tuổi thọ của người Việt Nam ngày nay tăng lên rất nhiều. Trên thực tế, nguồn lao động của chúng ta, phụ nữ trên 55 tuổi, nam giới trên 60 tuổi, có rất nhiều người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và có thể họ cống hiến tốt ở các vị trí công việc cụ thể. Đặc biệt là quỹ hưu trí, thời gian đóng quá ngắn, thời gian hưởng quá dài đã dẫn đến mất cân đối quỹ này.
Còn về mặt chính sách có hai khía cạnh, hoặc chúng ta phải tăng mức đóng lên, hoặc phải giảm mức hưởng đi. Do vậy, nghiên cứu việc tăng đóng bằng cách kéo dài thời gian đóng cũng là yếu tố. Ngoài ra, xu thế của các nước trên thế giới, do tuổi thọ tăng nên đều phải kéo dài thời gian làm việc nhiều hơn. Họ cũng phải thay đổi tuổi nghỉ hưu để làm sao sử dụng hiệu quả được lực lượng lao động, đặc biệt ở lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao. Với bốn yếu tố đó, chúng ta cần phải đặt vấn đề này để nghiên cứu.
PV: Có ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội của người lao động trẻ. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Một vấn đề đều có tính ai mặt. Mặt thuận lợi là chúng ta có thể sử dụng tốt hơn những người lao động có kinh nghiệm. Nhưng mặt khác, chúng ta phải tính đến yếu tố sức khoẻ, khi mà tuổi tác nhiều hơn, vấn đề năng suất lao động và đặc biệt là tính đến sự ảnh hưởng đến thị trường lao động, khi có nhiều người đến độ tuổi lao động.
Đây là những thách thức mà khi trong quá trình xây dựng phương án đều phải tính đến các yếu tố này để lựa chọn cách như thế nào là hợp lý. Ở các nước, việc tăng tuổi nghỉ hưu đều phải theo lộ trình. Ví dụ ở ta, hôm nay tuổi nghỉ hưu nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi mà mai lại quy định đến 2017, nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi chẳng hạn thì không phải. Phải có lộ trình, mỗi năm tăng dần vài tháng để đỡ bị ảnh hưởng. Các cơ quan liên quan sẽ phải tính toán bài toán này.
PV: Thưa ông, việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có giảm mức hưởng lương hưu hay không?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Thực ra hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có một bước điều chỉnh. Chúng tôi quan niệm đang trong quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Hiện nay, mức đóng của chúng ta là 32,5% tiền lương, thu nhập. Còn mức hưởng, trong luật cũ, mức tối đa hưởng bảo hiểm là 75% mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội. Đây là mức cao trên thế giới. Ở các nước trên thế giới, mức bình quân hưởng lương hưu chỉ từ 40-60%, nhưng do nền lương của chúng ta thấp nên mức đóng tuy là 75% thì mức lương tuyệt đối được hưởng cũng rất là thấp. Cho nên, có sự điều chỉnh trong phần hưởng. Ví dụ, trước đây tham gia bảo hiểm xã hội, nam giới là 30 năm và nữ giới là 25 năm thì được hưởng lương hưu tối đa 75% nhưng bây giờ, muốn được mức tối đa này thì nam giới phải là 35 năm, nữ giới phải là 30 năm.
PV: Vậy việc đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã tính đến yếu tố sức khỏe cũng như tâm lý người lao động như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Đương nhiên, về mặt tâm lý chúng ta phải chuẩn bị và bản thân người lao động cần chuẩn bị. Còn về sức khỏe rõ ràng cũng là một yếu tố. Thể chất của người Việt Nam so với khu vực không phải là tốt lắm. Chính vì thế, ở nhiều nước, người ta có thể tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi.
Phương án cụ thể thì chúng tôi hiện chưa tính toán nhưng nhiều chuyên gia góp ý cũng cho rằng, trước mắt, nam giới thay vì về hưu lúc 60 tuổi thì có thể là 62 tuổi, nữ giới có thể đang từ 55 tăng lên 58 tuổi. Sau này, khi điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam tốt lên, thể chất người Việt Nam tốt lên thì có thể chúng ta có thể tiếp tục điều chỉnh tăng lên.
PV: Xin cảm ơn ông!
VOV