MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng vốn từ 79 tỷ lên 2.500 tỷ đồng bằng hoán đổi nợ, công ty bảo dưỡng Hầm Hải Vân sẽ lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông?

05-11-2019 - 15:57 PM | Doanh nghiệp

Công ty sẽ phát hành riêng lẻ 239.446.590 cổ phần để hoán đổi nợ với 5 nhà đầu tư. Đây là các chủ nợ đã cho công ty nợ khi công ty thực hiện mua và đầu tư vào các dự án công trình giao thông. Trong 2 tuần vừa qua, cổ phiếu HHV tăng 100% từ 10.000 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp

Năm 2014, Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân được cổ phần hóa sau đó giao dịch trên sàn Upcom với mã chứng khoán HHV.

Đến tháng 7/2019, công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả sau khi CTCP Tập đoàn Đèo Cả nắm cổ phần chi phối.

Do thay đổi tên công ty nên để hỗ trợ công tác nhận diện thương hiệu và phù hợp với mảng hoạt động chính là đầu tư vào hạ tầng giao thông, công ty đã nộp hồ sơ đổi mã giao dịch chứng khoán trên sàn Upcom từ HHV thành DII.

Hoán đổi nợ thành cổ phần, tăng vốn 30 lần

Từ một công ty chuyên về sửa chưa, bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân với số vốn vỏn vẹn 79,3 tỷ đồng và tổng tài sản chỉ hơn 360 tỷ, định hướng mới của công ty kể từ sau đại hội cổ đông bất thường năm 2019 sẽ phát triển thành một Tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và cung cấp các dịch vụ, công nghệ về hạ tầng giao thông.

ĐHCĐ bất thường vừa qua đã thông qua chủ trương đầu tư vào các dự án Trung Lương – Mỹ Thuận; Nghi Sơn – Diễn Châu; Vân Đồn – Móng Cái, Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Dầu Giây – Phan Thiết.

Tăng vốn từ 79 tỷ lên 2.500 tỷ đồng bằng hoán đổi nợ, công ty bảo dưỡng Hầm Hải Vân sẽ lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông? - Ảnh 1.

Các dự án công ty dự định đầu tư

Công ty sẽ sử dụng linh hoạt nhiều công cụ tài chính khác nhau để huy động và thu hồi vốn như chuyển giao các dự án cho nhà nước (BT), nhận quyền thu phí (BOT), ứng vốn đầu tư cho dự án để nhận chuyển nhượng quyền thu phí, mua bán lại cổ phần của các công ty dự bán BOT, sử dụng đòn bẩy tài chính,  bán dòng tiền thu phí tương lai cho ngân hàng hoặc các công ty bảo hiểm, phát hành cổ phiếu thông qua IPO hoặc phát hành thêm cổ phiếu các doanh nghiệp dự án…

Công ty cho biết đang tham gia vốn điều lệ vào 6 công ty thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong đó có 3 công ty con và 3 công ty liên kết. Tổng vốn đầu tư vào các công ty trên là gần 2.500 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án trọng điểm có tầm vóc quốc gia và khu vực. 

Tăng vốn từ 79 tỷ lên 2.500 tỷ đồng bằng hoán đổi nợ, công ty bảo dưỡng Hầm Hải Vân sẽ lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông? - Ảnh 2.

Các dự án công ty nhận chuyển nhượng bằng cách phát hành cổ phần để hoán đổi nợ

Đến ngày 30/09/2019, công ty đã ký kết và thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần và đầu tư vào 5 dự án với tổng số cổ phần nhận chuyển nhượng là 239.446.590 cổ phần, công ty thỏa thuận với các nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần về việc DII sẽ thanh toán tiền nhận chuyển nhượng cổ phần trong vòng 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng để công ty có thời gian thu xếp vốn. Sau thỏa thuận này, nợ phải trả của DII tăng từ 360 tỷ đầu năm lên gần 2.800 tỷ tại thời điểm 30/9/2019.

Để hiện thực hóa tham vọng trở thành tập đoàn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, DII quyết định sẽ tăng vốn từ 79,3 tỷ lên 2.473,8 tỷ (gấp 30 lần) dưới hình thức phát hành riêng lẻ hoán đổi nợ tỷ lệ 3.016%. Số lượng cổ phần phát hành thêm là 239,4 triệu cổ phần và tỷ lệ hoán đổi nợ là 10.000 đồng được hoán đổi thành 1 cổ phần mới.

Mục đích phát hành để hoán đổi, cấn trừ công nợ với các chủ nợ đã cho công ty nợ khi công ty thực hiện mua và đầu tư vào các dự án công trình giao thông để tăng thị phần và doanh số mảng khai thác và vận hành công trình đường bộ. Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT của DII hiện nay là ông Hồ Minh Hoàng cũng là Chủ tịch của CTCP Tập đoàn Hải Thạch, một trong 5 công ty hoán đổi nợ lấy cổ phần của DII.

Tăng vốn từ 79 tỷ lên 2.500 tỷ đồng bằng hoán đổi nợ, công ty bảo dưỡng Hầm Hải Vân sẽ lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông? - Ảnh 3.

5 công ty sẽ nhận cổ phần HHV (hay đổi tên thành DII) để hoán đổi nợ

Nếu hoán đổi nợ thành cổ phần, 5 công ty này sẽ sở hữu số vốn gấp đôi thậm chí là gấp 10 lần vốn của DII ở thời điểm hiện tại và như vậy số vốn này mặc định sẽ được giao dịch trên sàn Upcom.

Ở một góc độ khác, DII muốn huy động 700 tỷ đồng để đầu tư bổ sung vào các dự án hạ tầng giao thông mà công ty đang đầu tư. Thời hạn vay 12 tháng với lãi suất vay bằng lãi suất huy động của Vietinbank cùng thời kỳ cộng thêm 3,5%/năm. Đối tượng vay sẽ là các cổ đông, tổ chức cá nhân khác.

Điều này có thể hiểu phần nào việc DII phải tăng vốn gấp 30 lần mới có đủ tài sản đối ứng để vay ngân hàng hoặc vay các cá nhân khác số tiền gấp đôi tổng tài sản của công ty ở thời điểm hiện tại.

Công ty cũng thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 0% lên 49%.

Tăng vốn từ 79 tỷ lên 2.500 tỷ đồng bằng hoán đổi nợ, công ty bảo dưỡng Hầm Hải Vân sẽ lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông? - Ảnh 4.

Cấu trúc của Tập đoàn Đèo Cả

Cổ phiếu tăng 100% trong 2 tuần

Trong 2 tuần vừa qua, cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả tăng 100% từ 10.000 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp khi thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quốc Ánh mua vào 1,4 triệu cổ phần công ty (tương đương 17,64%). Trước đó, Chủ tịch HĐQT công ty ông Hồ Minh Hoàng đã mua vào 1,8 triệu cổ phiếu (22,68%), sau khi ông Hoàng hoàn tất giao dịch cổ phiếu HHV đã tăng phi mã.

Năm 2018 công ty chỉ lãi vỏn vẹn 13 tỷ đồng.

Tăng vốn từ 79 tỷ lên 2.500 tỷ đồng bằng hoán đổi nợ, công ty bảo dưỡng Hầm Hải Vân sẽ lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông? - Ảnh 5.
Tăng vốn từ 79 tỷ lên 2.500 tỷ đồng bằng hoán đổi nợ, công ty bảo dưỡng Hầm Hải Vân sẽ lột xác thành tập đoàn đầu tư hạ tầng giao thông? - Ảnh 6.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên