MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạo đột phá phát triển nhanh vùng Đông Nam Bộ

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu vùng Đông Nam Bộ phát triển phải nhanh, hài hoà, bao trùm tổng thể và bền vững; thực hiện trong 9 chữ Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới.

Giới thiệu Nghị quyết 154 năm 2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Tạo đột phá phát triển nhanh vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham quan những gian hàng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương


Phát triển hạ tầng, đô thị kết nối

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết vùng Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vùng Tàu; đồng thời là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ 5 phương thức vận tải, đóng vai trò kết nối quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế.

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ .

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chú trọng đến hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ) kết nối vùng với TP HCM, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Với việc Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 trong 5 quy hoạch ngành quốc gia, đây sẽ là cơ hội tốt để tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh, thành trong vùng, góp phần hình thành một hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo tiền đề, là động lực để duy trì vị thế là trung tâm động lực kinh tế của cả nước.

Tạo đột phá phát triển nhanh vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP HCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743 km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỉ đồng.

Để nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam Bộ, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho những đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị cần thống nhất tư tưởng chỉ đạo và các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 24 và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị. Trong đó, cần quan tâm chú trọng các giải pháp tổng thể, tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh.

Bên cạnh đó, bảo tồn nghiêm ngặt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai để bảo vệ nguồn nước, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; hạn chế các hoạt động phát triển làm biến đổi dòng chảy, gây mất an toàn đối với các khu dân cư và cơ sở hạ tầng; xử lý triệt để chất thải, kiểm soát và giám sát ô nhiễm môi trường đô thị, nông thôn và các khu công nghiệp trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng…

TP HCM là đầu tàu kinh tế

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, được cụ thể hóa bởi Chương trình hành động của Chính phủ đang mở ra không gian mới, cơ hội mới và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam Bộ với nhiều lợi thế; không chỉ đưa vùng Đông Nam Bộ vào một giai đoạn phát triển mới, xứng tầm với khu vực và quốc tế, mà còn đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của nước ta với tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Phan Văn Mãi, với vai trò là đầu tàu kinh tế của vùng, TP HCM đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.

Tạo đột phá phát triển nhanh vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề xuất các giải pháp phát triển vùng

Song song đó, từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP HCM trong vùng là thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển TP HCM; làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như: đường vành đai 3, vành đai 4; triển khai các công trình giao thông đón đầu việc khánh thành sân bay quốc tế Long thành giai đoạn 1; tập trung nguồn lực đầu tư công và có cơ chế huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư xã hội triển khai các công trình, dự án chỉnh trang đô thị gắn với giải quyết những vấn đề tồn tại

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của TP HCM cũng như của các địa phương trong vùng, thành phố đề xuất giải pháp cụ thể về phối hợp hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình hành động, như: có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các địa phương và bộ, ngành; cần xác định rõ thể chế "Hội đồng vùng" với thẩm quyền và nguồn lực rõ ràng, nhằm thực hiện hiệu quả công tác điều phối; đề xuất Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm trình Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2025.

TP HCM cam kết và sẵn sàng chủ động, phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối vùng; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù phát triển vùng.

Tạo đột phá phát triển nhanh vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhận định Nghị quyết 24 là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Nghị quyết đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, giải phóng và tái phân bổ lại nguồn lực thông qua các cơ chế, chính sách, giải pháp để vùng duy trì sự phát triển năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đưa ra một số giải pháp để phù hợp với chủ trương "hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế" như: xây dựng chiến lược thu hút đầu tư; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của tỉnh; khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng…

Phát triển phải nhanh, hài hoà, bao trùm tổng thể và bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vùng Đông Nam Bộ đã đạt được thành quả lớn, góp phần vào thành quả chung của đất nước. Tuy nhiên, Đông Nam Bộ còn tồn tại mâu thuẫn khi tiềm năng lớn nhưng chính sách, cơ chế còn hạn hẹp; kết nối hạ tầng chiến lược chưa đồng bộ, đầy đủ, toàn diện; nguồn lực chủ yếu vẫn dựa vào nhà nước, chưa huy động được các nguồn lực khác; phát triển văn hóa chưa theo kịp chính trị, xã hội. Thách thức lớn nhất của vùng là phát triển chưa bền vững, tắc nghẽn giao thông, chịu sự tác động bởi biến đổi khí hậu, sự phân hóa giàu nghèo còn rất lớn.

Dù vậy, Thủ tướng rất tin tưởng TP HCM và 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ sẽ thực hiện thành công Nghị quyết 24. Theo Thủ tướng, vùng Đông Nam Bộ phải phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người, ổn định chính trị, an sinh xã hội, "phát triển phải nhanh, hài hoà, bao trùm tổng thể và phải bền vững".

Về nhiệm vụ và giải pháp, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện trong 9 chữ "Tư duy mới - đột phá mới – giá trị mới". Trong đó, phải tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại. "Phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Xây dựng đất nước có tiềm lực, có cơ đồ, có vị thế, uy tín…; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng đến người dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần phải có cơ chế, chính sách đột phá; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo...

Theo Ngọc Giang

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên