MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạo lực ‘hút’ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao

Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã và đang tập trung rà soát để tham mưu, hoàn thiện các chính sách, tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào KHCN, trọng tâm là công nghệ cao.

Tạo lực ‘hút’ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao - Ảnh 1.

Công nghệ cao sẽ tạo những câu chuyện thần kỳ

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất của quá trình sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận, làm chủ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm nghiên cứu, đầu tư với quy mô lớn, theo chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới, công nghệ nhập khẩu và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành như: Lộc Trời, TH True Milk, Dabaco, Nafoods…

Chia sẻ về hành trình đi lên từ con số 0 với quả chanh leo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Nafoods Group cho biết, hiện tại, Nafoods có 6 giống chanh leo, sản phẩm từ chanh leo của Công ty đã xuất khẩu đi 70 nước trên toàn thế giới, tạo giá trị hàng trăm triệu USD.

Trong quá trình sản xuất, Nafoods tiên phong số hoá vùng trồng, làm chủ quy trình chế biến, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến an toàn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đối với sản xuất nông nghiệp, KHCN rất quan trọng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao, cần không ngừng cải tiến và đổi mới. Hiện tại, Công ty có trên 10 giáo sư, 15 tiến sĩ và nhiều nhà nghiên cứu ở các trường đại học cùng hợp tác.

"Nâng cao công nghệ, phát triển dựa trên công nghệ cao sẽ tạo những câu chuyện thần kỳ cho Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi

Bộ KH&CN cho biết, ngay sau khi Luật Công nghệ cao năm 2008 được Quốc hội thông qua, Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cho đến thời điểm này, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để thúc đẩy phát triển công nghệ cao đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ cao triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, có thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cũng như làm chủ công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh.

Một trong những cái "khó" lớn nhất là về nguồn vốn vì đầu tư, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vồn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, trong khi đó 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Đây là những điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ. Hơn nữa lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi chúng ta vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro...

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, (Bộ KH&CN) cho biết, hiện nay, Bộ KH&CN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về Khu Công nghệ cao và đang xin ý kiến thành viên Chính phủ, từ đó sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc phát triển Khu Công nghệ cao cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, để giải quyết vướng mắc đối với Quỹ KHCN của doanh nghiệp, cuối tháng 5/2022, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ KHCN của doanh nghiệp, trong đó quy định các điều kiện sử dụng quỹ thông thoáng và tự chủ hơn cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học.

Tới đây, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung rà soát để tham mưu, hoàn thiện các chính sách, tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào KHCN, trọng tâm là công nghệ cao.

"Với bối cảnh của Việt Nam, chúng ta sẽ tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên và theo từng giai đoạn", ông Nguyễn Lê Hùng cho biết.

Theo đó, Bộ KH&CN thường xuyên rà soát để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ cao trong từng thời kỳ như: Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao... Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, chỉnh sửa các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao trong các pháp luật chuyên ngành, như về đất đai, xây dựng, đầu tư, thuế...

Bộ KH&CN cũng chủ động rà soát, chỉnh sửa, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm về: Tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, tiêu chí thu hút dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao...

Bên cạnh đó, triển khai các chương trình KHCN quốc gia có liên quan như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030... trong đó đối tượng trọng tâm là nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức KHCN trong nước.

Đề xuất thí điểm hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về hồ sơ xây dựng Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo Bộ KH&ĐT, việc thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ KH&ĐT đề xuất nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội ban hành thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư với 4 nhóm doanh nghiệp. Đó là, doanh nghiệp có dự án đầu tư quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất 4 hình thức hỗ trợ đầu tư, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.

Các khoản hỗ trợ đầu tư được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư quy định tại điều này.



Theo Hoàng Giang

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên