"Tạo ra vắc xin trong vòng 1 năm cũng giống như việc đưa một con người lên mặt trăng" - Cuộc chạy đua khốc liệt của những người đã tạo ra vắc xin Astrazeneca
Đã có hơn 1 tỷ liều thuốc được vận chuyển để cứu sống vô số bệnh nhân và cũng có rất nhiều tranh cãi về độ an toàn cũng như nguồn cung cấp của loại vắc xin này. Chúng ta hãy cùng lắng nghe câu chuyện của những người đã tạo ra vắc xin Astrazeneca để chống lại virus SARS-CoV-2.
- 20-08-2021Hạ sốt đúng cách sau tiêm vắc-xin Covid-19
- 10-08-20213 thói quen bạn nhất định phải THAY ĐỔI sau khi tiêm vắc xin COVID-19 để có lợi cho sức khỏe
- 29-07-2021Chế độ ăn uống trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19: Giảm nhẹ tác dụng phụ, tăng đề kháng
Các thành viên của nhóm về 1 loại văc-xin vàonghiên cứu về vắc xin AstraZeneca, được chụp tại trường Blavatnik, Đại học Oxford. Ảnh: Manuel Vázquez/The Guardian
Một số thành viên của nhóm nghiên cứu vắc xin Astrazeneca tại Đại học Oxford tham gia chia sẻ:
- Teresa Lambe, phó giáo sư, Viện Jenner
- Sarah Gilbert, giáo sư nghiên cứu về Vắc-xin, Viện Jenner
- Andrew Pollard, giám đốc, Oxford Vaccine Group
- Cath Green, người đứng đầu cơ sở sản xuất sinh học lâm sàng
- Federica Cappuccini, nhà khoa học cấp cao sau tiến sĩ
- Hannah Robinson, trưởng nhóm thử nghiệm lâm sàng
- Maheshi Ramasamy, nhà nghiên cứu lâm sàng cấp cao
- Charles Parkins, ban quản lý cơ sở vật chất Old Road Campus
Mất đúng một năm từ khi nghiên cứu đến khi đưa vào sử dụng, vắc xin Astrazeneca đã kịp thời cứu sống hàng triệu người. Việc tạo ra vắc xin COVID-19 AstraZeneca được đội ngũ nghiên cứu tại Đại học Oxford, nước Anh ví như “đưa người lên mặt trăng”. Và "cuộc chạy đua khốc liệt" được họ kể lại như sau:.
Vào tháng 12 năm 2019, một số bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, báo cáo rằng họ đang điều trị cho hàng chục trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân. Họ đã sớm xác định căn bệnh này do một loại virus corona gây ra.
Teresa Lambe, phó giáo sư, Viện Jenner: Anh trai tôi sống ở Trung Quốc, vì vậy bất cứ khi nào có mầm bệnh xuất hiện hoặc bùng phát ở đó, tôi thường rất lưu tâm. Tôi cho rằng đây có thể là một chủng cúm nào đó.
Sarah Gilbert, giáo sư nghiên cứu về Vắc-xin thuộc Viện Jenner nói: Lúc đó, tôi đang phát triển một loại vắc xin để chống lại một loạt các bệnh mới nổi, đặc biệt là Mers, Nipah và Lassa. Và chúng tôi cũng đã xin tài trợ để chuẩn bị cho việc nghiên cứu "bệnh X" - một mầm bệnh không xác định có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên đề xuất đó bị thất bại vì vậy chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ kế hoạch nào được.
Andrew Pollard, giám đốc của Oxford Vaccine Group: Không một ai trong chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một đại dịch.
Vào ngày 11 tháng 1 năm 2020, truyền thông đưa tin về ca tử vong đầu tiên do SARS-CoV-2 hay còn gọi là Covid-19. Cùng ngày, nhà virus học người Trung Quốc Zhang Yongzhen cũng đã công bố trình tự bộ gen của loại virus này trên Internet. Sáng sớm ngày thứ Bảy, Lambe đã nhận được thông tin về bộ gen trong qua hộp thư điện tử.
Lambe: Chúng tôi biết điều đó sẽ đến và chúng tôi đã thảo luận về những việc cần phải làm. Chúng tôi đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu về 1 loại vắc-xin vào ngay cuối tuần đó.
Cath Green, người đứng đầu cơ sở sản xuất sinh học lâm sàng cho biết: Bà Sarah Gilbert đã từng sản xuất ra loại vắc xin chống lại bệnh Mers, vì vậy bà ấy biết vắc xin chống lại loại virus corona mới này sẽ như thế nào. Họ lấy chuỗi DNA của coronavirus và điều chỉnh để làm cho nó trở nên phù hợp khi tiêm vào cơ thể người. Phòng thí nghiệm Jenner lại lấy chuỗi DNA đó và chèn nó vào một trình tự lớn hơn có chứa bộ giải mã gien của virus adenovirus. Vì vậy, tôi đã nhận được một ống rất nhỏ chỉ với vài microgram DNA. Công việc của tôi là biến nó thành vắc-xin.
Gilbert: Điều này dường như chỉ là một dự án mang tính trình diễn ở giai đoạn đó.
Ngày 30 tháng 1 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona. Vào thời điểm đó, loại virus này đã lây lan sang một số quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Cùng ngày, trường hợp mắc bệnh đầu tiên được phát hiện ở Anh.
Pollard: Điều chúng tôi phải đối mặt lúc này là: Thường phải mất 10-15 năm để sản xuất ra một loại vắc-xin. Chúng tôi đã phải cố gắng nghĩ xem làm thế nào để thay đổi điều đó, chúng tôi cần phải làm gì trước khi đại dịch có thể giết chết hàng triệu người.
Vào giữa tháng 2, nhóm của Gilbert tại phòng thí nghiệm Jenner và Pollard's Oxford Vaccine Group đã hợp lực để tập trung vào việc phát triển các loại vắc xin. Thời điểm đó, các ca bệnh đã lan nhanh trên toàn thế giới.
Pollard: Chúng tôi nhận ra rằng để làm được điều gì đó thật nhanh chóng và hiệu quả, tất cả chúng ta phải hợp tác với nhau.
Federica Cappuccini, một nhà khoa học, tiến sĩ cấp cao cho biết: Đã có những email được gửi đến với nội dung như: Các bạn đã có những gì? Các bạn có những kỹ năng gì? Các bạn có thể làm gì để giúp đỡ nhau?
Hannah Robinso: Tôi nhớ khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, một trong những nhà khoa học đã nói rằng mỗi ngày trôi qua nếu chưa được tiêm vắc-xin, sẽ có 10.000 người tử vong vì bệnh này.
Green và các đồng nghiệp của cô đã đưa DNA - trong đó có chứa các "lệnh" để tạo ra protein gai - vào môi trường nuôi cấy các tế bào thận người đã được biến đổi gen.
Green: Chúng tôi phải lấy DNA và đưa nó vào tế bào của con người trong một môi trường được kiểm soát rất chặt chẽ. Và sau đó, chúng tôi phải xác định một nhân bản - một tế bào đang bắt đầu tạo ra vắc-xin, nhưng phải làm điều đó từ một bản sao DNA duy nhất mà chúng tôi đã chèn vào. Vắc xin là một loại virus, vì vậy nó đang nhân lên trong tế bào. Khi tế bào vỡ ra, virus được giải phóng, và sau đó nó có thể lây nhiễm sang các tế bào xung quanh.
Một loại virus khi đã "lấp đầy" một tế bào, tế bào đó vỡ ra, virus đó sẽ tác động tới 100 tế bào khác, 100 tế bào này vỡ ra, nó lại tác động tới 1.000 tế bào tiếp theo, và cứ thế nó tăng lên theo cấp số nhân. Mặc dù chúng tôi chỉ bắt đầu với một hạt virus, nhưng tôi cho rằng chúng tôi đã dùng hết 300ml dung dịch chứa vắc xin. Mỗi liều vắc xin AstraZeneca được tiêm ngày nay đều bắt nguồn từ nhân bản đầu tiên của chúng tôi. Chúng được gọi là D8.
Để kiểm tra tính an toàn của 1 loại vắc xin và khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch của nó, vắc xin đã được tiêm đồng thời cho chuột, lợn và khỉ. Trong khi đó, các nhà khoa học Oxford đã tiên phong với việc lập kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Pollard: Thông thường bạn có thể tiến hành các thử nghiệm với chuột, xem dữ liệu từ những thử nghiệm đó, sau đó bạn có thể tìm hiểu về các loài linh trưởng không phải con người, nhưng điều đó phải mất vài năm. Nếu bạn đạt được kết quả tốt, bạn sẽ đi tìm người tài trợ để sản xuất, có thể mất 18 tháng, sau đó bạn bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1. Chúng tôi nhận ra rằng bạn phải rút ngắn thời gian tất cả các quy trình đó. Vì vậy, các nghiên cứu trên động vật bắt đầu vào tháng 2 và đến tháng 3, quá trình sản xuất đã được tiến hành để thử nghiệm trên người - và chúng tôi thậm chí chưa có bất kỳ dữ liệu nào từ các nghiên cứu trên động vật.
Robinson: Tất cả các tài liệu được sử dụng để chạy thử nghiệm phải được đệ trình lên các ủy ban đạo đức và MHRA [Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe – cơ quan phê duyệt việc sử dụng vắc xin ở Vương quốc Anh]. Sau khi đệ trình, những tài liệu này cần được xem xét lại, quá trình này có thể mất 6 tháng.
Pollard: MHRA đã ưu tiên điều này, vì vậy họ đã đưa thêm nhiều người hơn vào dự án đó. Mọi thứ đã được gửi lên. Bảy ngày sau, dự án có thể được chấp thuận.
Ngày 23 tháng 3 năm 2020, với 6.650 ca nhiễm mỗi ngày ở Anh, Vương quốc Anh bước vào đợt phong tỏa đầu tiên. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã bị đóng cửa, tất cả những người lao động không thiết yếu đã được yêu cầu ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus. Cùng ngày, chính phủ đã trao một khoản trợ cấp 2,2 triệu bảng Anh để tài trợ cho nghiên cứu của nhóm Oxford.
Lambe: Tôi nhớ rằng: đoạn đường đi bộ từ nhà tôi rất yên tĩnh, không phải nhìn trước nhìn sau khi băng qua đường vì không có một chiếc ô tô nào. Thật là kỳ lạ.
Green: Mọi thứ dường như bị "đóng băng". Chúng tôi đã rất vất vả để kiếm khẩu trang, thuốc khử trùng. Nhưng vì chúng tôi có một phòng thí nghiệm ở đây, và nước diệt khuẩn thực chất chỉ là ethanol, một chút hydrogen peroxide và một số glycerol, nên chúng tôi đã tạo ra một vài lít và phân phát cho các vùng xung quanh.
Ramasamy: Đó là khoảng thời gian thực sự khủng khiếp khi phải làm việc trong bệnh viện. Tất cả chúng tôi đều hoảng sợ về căn bệnh mới mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi không biết làm thế nào để quản lý nó. Có một khoảnh khắc khi ai đó nói với tôi, "Liệu rằng đây có phải là cảm giác của ngày tận thế không?"
Các nhà nghiên cứu đang làm việc ở Viện Jenner. Ảnh: Manuel Vázquez/The Guardian
Vào đầu tháng 4, khi số ca tử vong hàng ngày ở Anh lần đầu tiên lên đến con số 1.000 và thủ tướng được đưa vào cơ sở chăm sóc đặc biệt, lô vắc-xin đầu tiên gần như đã sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Green: Bước ra từ phòng ly tâm, Kathy, một thành viên trong nhóm sản xuất của tôi, đã nói: "Hãy nhìn những lọ vắc-xin này này!" Chúng tôi cũng reo lên, "Ôi Chúa ơi!" Đó là ngày mà chúng tôi biết rằng mình đã làm được và chúng tôi có thể tiêm vắc-xin cho ai đó trong thời gian ba tuần. Điều đó thật tuyệt vời. Tôi sẽ luôn ghi nhớ khoảnh khắc này.
Pollard: Chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận và vắc xin đã được sản xuất. Vì vậy, một ngày sau khi có kết quả [thành công] từ các thử nghiệm trên động vật, chúng tôi đã tiêm liều đầu tiên.
Vào ngày 23 tháng 4, liều đầu tiên của vắc-xin Oxford, khi đó được gọi là ChAdOx1, đã được tiêm cho Elisa Granato, một nhà vi sinh vật học. Trong vòng 48 giờ, các trang web tin tức giả mạo bắt đầu lan truyền một tin đồn rằng Granato đã chết vì tác dụng phụ của vắc-xin.
Gilbert: Những người thân của cô ấy đã được thông báo sự thật vì gia đình và bạn bè của cô ấy đã nghe tin rằng cô ấy đã tử vong.
Pollard: Một hãng truyền thông đã thực hiện một cuộc phỏng vấn vào sáng Chủ nhật hôm đó với Elisa và họ đã có thể chứng minh rằng cô ấy còn sống. Mặc dù vậy, một số tin tức giả mạo đó đã thực sự làm tổn hại đến niềm tin vào vắc xin.
Ngày 30 tháng 4, Đại học Oxford đã ký một thỏa thuận với công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển để sản xuất hàng loạt loại vắc-xin này. Điều quan trọng, công ty đã đồng ý với yêu cầu của Oxford rằng họ cung cấp vắc-xin không vì lợi nhuận cho các nước đang phát triển trong thời kỳ đại dịch.
Pollard: Chúng tôi muốn có một loại vắc-xin có thể được phân phối trên toàn cầu, vì vậy bạn cần một công ty dược phẩm lớn để làm điều đó. AstraZeneca phù hợp với yêu cầu này. Điều đặc biệt nhất là họ đã chuẩn bị để làm điều đó một cách phi lợi nhuận. Gần như không thể tưởng tượng được rằng một doanh nghiệp lại cho rằng đó là một điều hợp lý.
Với các thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy phản ứng kháng thể thành công và không có tác dụng phụ nghiêm trọng, các kế hoạch đã được đưa ra để bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 và giai đoạn 3 đồng thời ở Anh và Nam Phi, sau đó là Brazil và Mỹ. Trong khi đó, Mỹ, Anh và các chính phủ khác đã ký hợp đồng với AstraZeneca để mua hàng chục triệu liều thuốc. Các công ty đối thủ Pfizer và Moderna cũng đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.
Trong khi thế giới chờ đợi tin tức của một vắc xin tiềm năng, Viện Jenner đã trở thành mục tiêu của sự chú ý chưa từng thấy từ phương tiện truyền thông thế giới, còn xuất hiện biểu tình chống vắc xin, tấn công trên mạng và thậm chí cả những tên trộm.
Charles Parkins: Cũng có những người không đồng tình với chúng tôi. Ảnh: Manuel Vázquez /The Guardian
Pollard: Đợt phong tỏa đầu tiên có tác động đáng kinh ngạc đối với việc ngăn chặn virus lây lan. Vào thời điểm thực sự bắt đầu, rõ ràng là không có đủ các ca nhiễm để thử nghiệm. Vì vậy, đối với thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 có hai điều cần suy nghĩ.
Một là: chúng tôi không biết làn sóng tiếp theo sẽ như thế nào để phân tán vắc xin về mặt địa lý. Đó có thể là làn sóng lớn tiếp theo là ở Anh, hoặc có thể là chúng tôi cần chuyển vắc-xin đến Nam Phi hoặc Brazil.
Thứ 2 là chúng tôi phải đảm bảo để không có ý kiến nói rằng: "Chà, vắc xin này mới chỉ được thử nghiệm ở Châu Âu mà thôi".
Charles Parkins, ban quản lý tòa nhà Old Road Campus: Một tên trộm đã vào tòa nhà. Hắn ta lục tung các văn phòng, tìm một vài chiếc máy tính, bỏ vào ba lô và bỏ đi. Điều kỳ lạ là, hai hoặc ba ngày sau, một người khác đập cửa trước và nói: "Tôi muốn vào". Tôi nói: "Anh không thể vào."
Anh ta bỏ đi và để lại một chiếc túi bên cửa. Tôi đã gọi cho an ninh, nghĩ rằng đó có thể là một quả bom. Họ lấy chúng và nói: "Charles, đó là 4 chiếc máy tính hoàn toàn mới". Tôi không biết mối liên hệ giữa hai người là gì, nhưng cuối cùng chúng tôi lấy lại được những chiếc máy tính của mình.
Trong suốt quá trình thử nghiệm, nguồn cung cấp vắc-xin luôn bị hạn chế, do đó, chúng tôi luôn phải có những giải pháp đặc biệt.
Robinson: Tôi nhớ mình đã có cuộc gọi với Andy Pollard vào một ngày Chủ nhật cùng với các nhà sản xuất người Ý, và chúng tôi đã quyết định sẽ phải thuê một chiếc máy bay để đưa vắc-xin đến Vương quốc Anh. Ở đó, nhóm của chúng tôi có thể dán nhãn các lọ vắc-xin, để sẵn sàng cho đợt tiêm ở phòng khám.
Có một vấn đề xảy ra là, do có sự khác nhau về kỹ thuật, liều vắc-xin được sản xuất tại Ý có nồng độ khác với những liều vắc-xin tại phòng thí nghiệm của Green đã sản xuất ở Oxford.
Gilbert: Chúng tôi phải đo đạc nồng độ của vắc-xin và có khá nhiều cách để làm điều đó. Advent [một hãng sản xuất Ý] sử dụng một xét nghiệm thử nghiệm khác với của chúng tôi. Khi chúng tôi nhận được lô từ Ý, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi nhận được kết quả khác nhau từ hai thử nghiệm. Một trong số đó đã mang lại hiệu quả cao gấp đôi so với kết quả còn lại. Do vậy, chúng tôi đã phải quyết định sẽ sử dụng nồng độ nào để tiếp tục thử nghiệm lâm sàng. Nếu chúng tôi đã chọn một loại, chúng tôi có thể gặp rủi ro khi sử dụng một nửa liều, và nếu chúng tôi chọn loại kia, chúng tôi có thể bị quá liều. Vì vậy, chúng tôi đã có lựa chọn an toàn là sử dụng loại một nửa liều.
Pollard: Chúng tôi quay lại MHRA và họ đồng ý rằng chúng tôi nên điều chỉnh liều lượng. Sau đó, chúng tôi tiếp tục với quá trình thử nghiệm. Và tôi nghĩ rằng với một sự linh hoạt vô cùng lớn mà cơ quan quản lý cho phép đó đã thực sự cứu được rất nhiều người.
Vào ngày 9 tháng 11 năm 2020, thế giới vui mừng khi Pfizer/BioNTech thông báo vắc xin của họ đã đạt được hiệu quả 90%. Vào ngày 16 tháng 11, Moderna công bố vắc xin của họ cho thấy hiệu quả đạt được là 94,5%. Vài ngày sau, Oxford đã thu thập đủ dữ liệu để đưa ra những kết quả ban đầu về hiệu quả của vắc-xin Oxford/AstraZeneca. Nhìn chung, dữ liệu cho thấy loại vắc-xin này có hiệu quả 70% trong việc ngăn ngừa Covid-19. Có một điều khó hiểu, dữ liệu cho thấy rằng đối với những người được tiêm đủ hai liều, hiệu quả chỉ là 62% - nhưng với một nhóm thử nghiệm nhỏ hơn thì hiệu quả đạt được là 90% đối với người được tiêm một mũi nửa liều và một mũi đủ liều.
Cappuccini: Vì Pfizer và Moderna đã công bố dữ liệu hiệu quả vắc-xin của họ trước chúng tôi, nên khoảng thời gian đó (mặc dù không quá lâu) nhưng tôi thấy thật là dài.
Pollard: Tôi và các thành viên ban giám sát an toàn dữ liệu đang cùng nhau xem xét các dữ liệu. Tôi dường như đã kiệt sức vì chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Đó thực sự là một khoảng thời gian kì lạ vì không có ai khác trong đội ở đây. Chỉ có một mình tôi đang quan sát dữ liệu trong lần đầu tiên. Tôi gọi điện cho Sarah Gilbert và nói cho cô ấy biết kết quả.
Gilbert: Tôi nhận được cuộc gọi vào tối thứ Bảy từ Andy Pollard, điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, vì anh ấy đã nói với tôi rằng phải đến ngày Chủ nhật mới có kết quả.
Vào ngày 30 tháng 12 năm 2020, MHRA đã phê duyệt vắc xin để triển khai ở Anh. Vào tháng Giêng, giữa đợt sóng Covid lần thứ hai, hàng trăm nghìn liều đã được tiêm cho các nhóm có nguy cơ ở Anh. Tuy nhiên, vì các vấn đề sản xuất, nguồn cung cấp cho EU bị trì hoãn đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị. Vấn đề càng trở nên tệ hơn khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ràng vắc-xin này "gần như không hiệu quả" ở những người trên 65 tuổi - dường như dựa trên sự thiếu dữ liệu ở các nhóm người lớn tuổi.
Pollard: Có hai lý do khiến chúng tôi không có đủ dữ liệu ở nhóm người lớn tuổi. Thứ nhất là vì ở tất cả các quốc gia, người lớn tuổi thường tỏ ra thận trọng với đại dịch, vì vậy họ ít tiếp xúc với virus hơn.
Lý do thứ hai là: "Chúng tôi thấy hơi lo lắng hơn một chút về người lớn tuổi, vì vậy chúng tôi nghĩ nên thực hiện một cách tuần tự". Hãy xem xét mức độ an toàn và phân tích dữ liệu về phản ứng miễn dịch trước khi bạn bắt đầu thực hiện ở nhóm người lớn tuổi. Vì vậy, vào thời điểm phân tích tạm thời vào tháng 11, chúng tôi không có nhiều thời gian để đánh giá dữ liệu ở người lớn tuổi.
Tòa nhà nghiên cứu Khuôn viên Old Road Campus. Ảnh: Manuel Vázquez/The Guardian
Gilbert: Chúng tôi hoàn toàn không liên quan đến chính trị, bởi vì đó là AstraZeneca. Chúng tôi cũng chỉ đang xem tin tức như mọi người, và chúng tôi không thể làm gì được. AstraZeneca đã có những nỗ lực rất lớn để thiết lập các nhà máy sản xuất. Nhưng đây không phải là thuốc; đây cũng không phải là những thứ đơn giản để sản xuất. Chưa ai làm được điều này với quy mô như vậy trước đây, chứ đừng nói đến tốc độ như này, vì vậy bạn không thể đoán trước được sẽ mất bao lâu.
Pollard: Tôi nghĩ rằng không có nguồn cung cấp nào có thể tốt hơn tại thời điểm hiện nay, do việc chế tạo vắc-xin rất khó khăn.
Lambe: Vẫn có hơn 90% liều vắc-xin thông qua cơ chế Covax là của AstraZeneca. Và đó là cả một một con số rất lớn.
Gilbert: Mục tiêu của chúng tôi ngay từ đầu là tạo ra một loại vắc-xin cho toàn thế giới, chứ không phải lợi nhuận về tài chính. Vì hiện nay vẫn không có đủ liều vắc-xin Covid được cấp phép cho tất cả mọi người trên thế giới, chúng tôi cần đến một sự đảm bảo rằng các quyết định chính trị không dẫn đến việc lãng phí bất kỳ liều nào trong số đó.
Trong một số báo cáo dẫn chứng rằng có mối liên quan giữa vắc-xin AstraZeneca với hiện tượng xảy ra các cục máu đông hiếm gặp, cũng như số lượng tiểu cầu thấp, ở một số lượng rất nhỏ người tiêm. Hiện nay người ta cho rằng hiện tượng xuất hiện cục máu đông có thể ảnh hưởng đến khoảng 100.000 bệnh nhân. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã quyết định không tiêm vắc-xin này cho các nhóm tuổi thấp hơn.
Gilbert: Có một điều nan giản là các loại vắc-xin khác nhau đang được sử dụng ở các nhóm tuổi khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Đã có thời điểm, châu Âu nói rằng đó là một hiện tượng xảy ra chỉ với phụ nữ, không thấy ở nam giới. Tuy nhiên điều đó không thực sự đúng - chỉ là vắc-xin chủ yếu được tiêm cho các nhân viên y tế trẻ tuổi, phần lớn trong số họ là phụ nữ. Mọi người đã đưa ra một số giả thuyết và chúng tôi đang đi tìm hiểu. Có thể sẽ mất một thời gian dài để hiểu một cách đầy đủ, vì nó rất hiếm gặp.
Pollard: Năm ngoái, khoảng 1.800/triệu người đã chết vì Covid. Và khi chúng tôi nghiên cứu tỷ lệ tử vong ở những người được tiêm chủng, con số này là khoảng hai phần triệu. Vì vậy, nếu xét từ quan điểm rủi ro-lợi ích thì kết luận rằng chúng ta vẫn nên tiêm chủng cho mọi người.
Parvinder Aley: Điều này cũng giống như việc nếu bạn muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc được cấp phép nào và chấp nhận những lưu ý khi sử dụng nó. Có rất nhiều quá trình đơn lẻ và chúng ta cũng sẽ phải trải qua rất nhiều quá trình đó. Vì vậy, tôi có thể nói với bạn rằng các cơ quan quản lý đã xem xét rất kỹ điều này, không chỉ ở Vương quốc Anh mà trên toàn cầu, và sẵn sàng cấp phép cho nó - và rằng nhiều cơ quan quản lý không thể sai cùng 1 lỗi được.
Oxford và AstraZeneca gần đây đã bắt đầu thử nghiệm một loại vắc-xin cải tiến được thiết kế để chống lại các biến thể mới, cũng có thể được sử dụng như một mũi tiêm tăng cường.
Vào tháng 6, bảy trong số các nhà khoa học của Oxford, bao gồm Gilbert, Lambe, Pollard và Green, đã có tên trong danh sách tôn vinh sinh nhật của Nữ hoàng vì những đóng góp của họ đối với sức khỏe cộng đồng trong đại dịch.
Gilbert: Thật là mệt mỏi. 18 tháng qua thật sự rất căng thẳng và chúng tôi đã phải làm việc hết mình trên tinh thần đội nhóm. Hầu như chúng tôi không có thời gian để nghĩ về bất cứ điều gì khác và ngoài việc phát triển vắc xin. Chúng tôi đã làm những gì có thể để truyền đạt những gì chúng tôi biết và chưa biết, đảm bảo rằng có tính khoa học cho bất kỳ điều gì chúng tôi nói.
Pollard: Thật căng thẳng trong một khoảng thời gian dài. Chúng tôi không có bất kỳ ngày nghỉ cuối tuần nào.
Bittaye: Việc phát triển vắc-xin trong một năm giống như việc đưa con người lên mặt trăng thời hiện đại. Đó là một thành tựu to lớn. Và tất cả đã xảy ra trên nền tảng của sự hợp tác chưa từng có giữa các công ty công và tư nhân.
Lambe: Chúng tôi và những người khác đã phải hy sinh rất nhiều trong trận đại dịch này. Tôi không muốn thế hệ tiếp theo phải làm điều đó. Tôi không muốn con mình phải làm điều đó. Và đại dịch tiếp theo chỉ còn là vấn đề thời gian. Chúng tôi cần đưa các quy trình vào đúng vị trí để lần sau nếu đại dịch xảy ra chúng tôi sẽ biết cách xử lý hơn.
Có thể bạn cũng muốn biết Chân dung "nữ anh hùng" đứng sau vaccine Pfizer, Moderna ngừa Covid-19 và nhà khoa học nữ đứng sau thành công của vaccine AstraZeneca
(Nguồn: TheGuardian)
Pháp luật và bạn đọc