MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạp chí Canada: Việt Nam là thị trường triển vọng nhất về xuất khẩu với Canada

Với việc phải đón nhận một số sức ép trong quan hệ thương mại với hai đối tác lớn nhất là Mỹ - với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng – và Trung Quốc – với lùm xùm trong vụ việc liên quan đến Huawei – Canada được các chuyên gia khuyến khích nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình trong thời gian tới. Việt Nam là một thị trường triển vọng trong số đó.

Trong khi các thị trường như Ấn Độ hay Mỹ Latinh đã thu hút được ít nhiều sự chú ý, Canada lại đang cân nhắc hướng tới mở rộng quan hệ thương mại hơn nữa với thị trường Đông Nam Á. Nhiều chuyên gia kỳ vọng sự chuyển hướng này có thể là lời giải cho những vấn đề phức tạp mà Canada đang gặp phải.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần có sự chuyển đổi từ Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN. Quốc gia tỷ dân đang dần đánh mất lợi thế lao động giá rẻ. Cùng với ảnh hưởng từ cuộc thương chiến với Mỹ, nhiều nhà sản xuất đang nhận thấy cơ hội rộng mở hơn với các thị trường như Việt Nam, Philippines, Thái Lan hay Indonesia.

Tổng giá trị trao đổi hàng hóa thương mại giữa Canada với ASEAN đã lên tới 25,1 tỷ USD vào năm 2018, với tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực thời gian tới được dự báo ở mức 5%. Phó phòng nghiên cứu thị trường châu Á – Thái Bình Dương của Canada, ông Jeff Reeves, cho biết dựa vào các mẫu số liệu gần đây thì tốc độ tăng trưởng của ASEAN sắp tới thậm chí có thể còn lớn hơn so với ước tính sơ bộ trước đó.

Trong đó hai thị trường được tạp chí Business in Vancouver đánh giá là triển vọng nhất là Việt Nam và Malaysia. "Khi Canada đang phải chứng kiến sự giảm sút trong quan hệ thương mại với các đối tác truyền thống, việc tăng cường liên kết với các thị trường tiềm năng khác có thể đem lại cơ hội mở rộng thị trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương", ông nhận định.

Tạp chí Canada: Việt Nam là thị trường triển vọng nhất về xuất khẩu với Canada - Ảnh 1.

Cơ hội đó có thể được tận dụng hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp tới. Canada đã hoàn thành cuộc đàm phán sơ bộ về một thỏa thuận FTA với ASEAN vào tháng 9 năm ngoái. Lãnh đạo hai bên dự định sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối năm nay để thảo luận về các động thái tiếp theo.

Tuyên bố chung từ hai phía trong năm ngoái có đoạn: "Qua các cuộc trao đổi, hai bên đã tìm được tiếng nói chung về cách tiếp cận với một thỏa thuận FTA mới, từ đó cùng hướng tới lợi ích mà nó có thể đem lại."

Đại sứ của Indonesia tại Canada, ông Jailani, nhận định: "Vancouver – một thành phố lớn tại Canada – sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ bền chặt với ASEAN thông qua các chương trình trao đổi du học sinh cũng như giao lưu văn hóa."

Trên góc độ kinh tế, lợi nhuận từ việc trao đổi, buôn bán hàng hóa Canada tại thị trường ASEAN sẽ phụ thuộc cụ thể vào việc hàng hóa nào sẽ bị siết chặt tại Mỹ hay Trung Quốc. Bởi điều này có thể ảnh hưởng tới chiến lược phát triển sản phẩm tại các thị trường mới như ASEAN.

Thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Washington và Bắc Kinh có thể đem lại một số dự đoán về hướng đi tiếp theo trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng nếu Trung Quốc hứa hẹn sẽ mua thêm các sản phẩm từ Mỹ thay vì Canada, sức hấp dẫn của ASEAN với Canada sẽ tăng lên đáng kể khi đây cũng là một lựa chọn không tồi.

Giám đốc Trung tâm thương mại và đầu tư Canada West Foundation, ông Carlo Dade, nhận xét: "Canada đã phần nào đó thành công trong việc tiếp cận với ASEAN, bởi Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei đều tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hơn nữa ASEAN đang ngày một hội nhập với thị trường thế giới".

"Hơn nữa, một thỏa thuận FTA với ASEAN sẽ không chỉ đóng vai trò mở rộng cánh cửa tiếp cận thị trường này, mà còn là cách để Canada tiến gần hơn với việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)".

"RCEP sẽ bao gồm các quốc gia mà chúng tôi chỉ có quyền tiếp cận hạn chế thông qua WTO. Một số quốc gia trong khối RCEP cũng được đánh giá là khó có khả năng thực hiện một thỏa thuận thương mại song phương với Canada. Vì vậy, mặc dù việc tham gia RCEP có thể là một tham vọng không lớn, nhưng nó vẫn tốt hơn là không tham gia một thỏa thuận nào".

Hoàng Linh

Business in Vancouver

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên