Tạp chí danh tiếng Forbes hết lời ca ngợi ứng dụng học tiếng Anh của cô gái người Việt
Mới đây, tạp chí Forbes danh tiếng đã đăng tải một bài viết ca ngợi ELSA - app luyện phát âm sử dụng công nghệ AI do một cô gái người Việt phát triển. Hãy xem họ nói gì về cô qua bài viết dưới đây.
- 08-10-2014Nga đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng
- 20-02-2014Facebook bỏ 19 tỷ USD mua ứng dụng nhắn tin WhatsApp
- 05-04-2013Facebook ra mắt ứng dụng trên smartphone
Trước đây, Văn Vũ (Văn Đinh Hồng Vũ) từng rất tự tin với khả năng nói tiếng Anh của mình. Lớn lên ở Nha Trang, cô học tiếng Anh ở trường và cũng đi dạy gia sư như bao sinh viên khác. Giáo viên tiếng Anh ở trường thường rất khắt khe về các vấn đề ngữ pháp nên sau khi tốt nghiệp đại học, Vũ đã sở hữu vốn ngôn ngữ tương đối vững chắc.
Thế nhưng kể từ khi bắt đầu theo học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford, Mỹ, cô bắt đầu nhận ra khả năng phát âm kém đã và đang cản trở cô rất nhiều trong việc học. Vũ thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp hiệu quả với các giáo sư và bạn bè ở trường, một phần hậu quả của phương thức giáo dục quá trọng ngữ pháp mà không để ý tới phát âm ở Việt Nam.
Cô kể lại: “Bạn sẽ luôn cảm thấy mình bị người khác phớt lờ”. Vũ cũng nhanh chóng nhận ra cô không phải người duy nhất gặp vấn đề này. Sau khi nói chuyện với một số người nước ngoài sống tại Mỹ, cô nhận thấy họ cũng đều phải vật lộn với việc phát âm chuẩn. Thế nhưng thuê về một gia sư bản xứ riêng để chỉnh ngữ âm cũng rất tốn kém, đặc biệt là với giới sinh viên.
Vũ chia sẻ: “Rất nhiều người không có tiền thuê gia sư riêng để chỉnh giọng”. Cô quyết định tìm kiếm một giải pháp tốt hơn cho vấn đề này.
Không phải dân IT nhưng Vũ khá quan tâm theo dõi các bước tiến của machine learning và cho rằng công nghệ này có thể giúp con người xử lý các vấn đề phát âm. Khi đó, Vũ vẫn chưa được chứng kiến nhiều ứng dụng kết hợp machine learning với việc giảng dạy ngôn ngữ.
Vũ cho biết: “Các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon không hề chú ý đến lĩnh vực học ngôn ngữ (đặc biệt là tiếng Anh, bởi đó là tiếng mẹ đẻ của họ rồi).” Sau khi khảo sát bạn bè của mình, những người cũng học tiếng Anh chủ yếu từ khi còn ở Việt Nam, Vũ hiểu rằng thị trường nằm ngay ở đây.
Tháng 3 năm 2016, Vũ lần đầu cho ra mắt ứng dụng học phát âm ELSA tại triển lãm giáo dục SXSWedu và giành giải nhất chung cuộc. ELSA – tên viết tắt của English Language Speech Assistant (Trợ lý phát âm tiếng Anh) – là một ứng dụng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc giúp người dùng nâng cao khả năng phát âm tiếng Anh.
Trên ứng dụng, bạn có thể cho những chương trình học khác nhau dựa theo ý thích, chẳng hạn như dùng cho du lịch hay công sở. Mỗi chương trình sẽ bao gồm các nhóm từ và cụm từ khác nhau. Thuật toán của ELSA sẽ phân tích giọng nói của họ để phát hiện ra những chỗ phát âm sai, gợi ý cách sửa chi tiết như phải uốn lưỡi hay di chuyển môi ra sao để nói được âm đúng.
Những yếu tố này chính là chìa khóa của việc nói tiếng Anh hiệu quả.
“Nhiều người không thể nhận ra được sự khác nhau giữa cách phát âm đúng và sai. Nghe người bản xứ nói thật nhiều là phương pháp hay nhưng chỉ phát huy hiệu quả khi bạn có một đôi tai thẩm âm tốt”, Vũ cho biết. Điều này đặc biệt đúng đối với những người sở hữu ngôn ngữ mẹ đẻ không chứa các âm như trong tiếng Anh.
Vũ chia sẻ cô và các cộng sự đã dành rất nhiều thời gian đưa các dữ liệu phát âm vào hệ thống của ELSA. Họ cũng cộng tác với nhiều chuyên gia ngữ âm để xác định các vấn đề chính của những người học tiếng Anh từ những nước khác nhau trên thế giới.
Cô cho biết: “Hệ thống khó có thể đưa ra phản hồi chính xác 100% nhưng nó càng tiếp nhận nhiều dữ liệu thì càng trở nên chính xác hơn. Cũng như nếu bạn sử dụng Siri 3-4 năm trước, nó hầu như sẽ không hiểu được những gì bạn nói, thế nhưng ngày nay, Siri đã thông minh hơn rất nhiều.”
Các chương trình do ELSA cung cấp không bao hàm ngữ pháp và từ vựng bởi các ứng dụng khác như Duolingo đã làm điều này rồi. ELSA sẽ chỉ phục vụ đúng chức năng là một người trợ lý giúp bạn chỉnh sửa kỹ năng phát âm.
Phiên bản mới của ELSA sẽ được ra mắt vào mùa thu năm nay với tính năng bổ sung là cho phép người dùng nhập tiếng mẹ đẻ của họ vào để cá nhân hóa trải nghiệm, giúp hệ thống sửa được đúng những lỗi phát âm mà người dân khu vực họ sinh sống hay mắc nhất.
Tỷ lệ người dùng Việt Nam trên nền tảng ELSA hiện nay là khoảng 30-35%. Việt Nam cũng chính là thị trường thử nghiệm đầu tiên của ứng dụng AI này. Bên cạnh đó, ELSA cũng đang nhanh chóng thu hút nhiều người dùng từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Đông và Châu Âu.
Tuy nhiên, hiện nay, mục tiêu hàng đầu của Vũ vẫn là giúp đỡ người dân Việt Nam chỉnh sửa phát âm trước tiên. “Tôi muốn người dân quê nhà có thể học tốt tiếng Anh để đón nhận những cơ hội mới trong đời họ."
Trí thức trẻ / GenK