MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạp chí Hoa Kỳ: Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tích cực đối với môi trường

Đại dịch xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực trên toàn cầu. Mới đây, tạp chí PLOS One (Mỹ) đã công bố báo cáo có tên "Kinh tế xã hội toàn cầu thiệt hại nhưng chất lượng môi trường lại tăng lên từ đại dịch".

Báo cáo nghiên cứu 38 khu vực trên thế giới cùng với 26 lĩnh vực công nghiệp khác nhau, và chỉ ra rằng: Covid-19 đã làm nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 3,8 nghìn tỷ USD và khiến 147 triệu người mất việc làm. Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của mọi quốc gia. Cụ thể, ngành du lịch ở các khu vực như châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ chịu tổn thất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đại dịch và đóng cửa nền kinh tế đã mang lại những dấu hiệu tích cực đến môi trường, điển hình như lượng khí thải nhà kính giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Tiến sĩ Arunima Malik, đồng tác giả trong nghiên cứu cho biết: "Nền kinh tế đang trải qua thời kỳ tối tăm nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, môi trường lại đang nhận được những sự thay đổi tích cực. Kể từ khi ngành công nghiệp nhiên liệu hoá thạch được hình thành, đây là lần đầu tiên lượng khí nhà kính giảm mạnh đến vậy".

Malik nói thêm: "Sự đối nghịch giữa các biến số kinh tế và môi trường cho thấy vấn đề nan giải của hệ thống kinh tế xã hội toàn cầu. Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào mối quan hệ chặt chẽ giữa các chuỗi cung ứng quốc tế và các hiệu ứng môi trường. Điển hình như trong các ngành công nghiệp sản xuất, du lịch và vận tải".

Tạp chí Hoa Kỳ: Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tích cực đối với môi trường - Ảnh 1.

Đại dịch khiến gần 3 tỷ người dân toàn cầu phải ở cách ly tại nhà, trong số đó có khoảng 1 tỷ người dân cư trú tại Ấn Độ. 147 triệu người mất việc làm khiến thu nhập toàn cầu giảm 2,1 nghìn tỷ USD, trong số đó 536 tỷ USD đến từ thương mại quốc tế.

Các nhà nghiên cứu cho rằng: "Các nhóm ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động gián tiếp lên chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm ngành công nghiệp năng lượng và dịch vụ tài chính (dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, môi giới chứng khoán) ".

Ngược lại với các nhà lãnh đạo trên thế giới, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục các hoạt động kinh tế quá sớm có thể dẫn đến những tác động nghiêm trọng và lâu dài hơn đối với nền kinh tế.

Thực tế, một số bang tại Hoa Kỳ đã phải nhận hậu quả của việc đại dịch bùng phát trở lại. Trước đó, các chuyên gia sức khoẻ cộng đồng cho rằng các bang này đã thực hiện mở cửa nền kinh tế quá sớm, dẫn đến việc phải đóng cửa lại.

Vào tháng 5, Fox News cho biết Bộ Ngân khố Hoa Kỳ sẵn sàng vay hơn 3 nghìn tỷ USD để cứu trợ người dân trong đại dịch. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã phải áp dụng biện pháp tương tự.

Các Ngân hàng Trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang, cũng đã bắt đầu hành động để hạn chế những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây nên.

Trái ngược với những dấu hiệu tiêu cực trong nền kinh tế toàn cầu, các nhà nghiên cứu cho biết lượng khí thải nhà kính đã sụt giảm đáng kể trong thời gian qua. Vệc đóng cửa nền kinh tế ước tính đã dẫn đến việc giảm 2,5 gigaton khí CO2, tương đương với 4,6% so với lượng phát thải bình thường.

Thêm vào đó, bụi mịn PM2.5 giảm khoảng 3,8%, trong khi sulfur dioxide (SO2) – khí xuất phát từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch – giảm 2,9%. Những dữ liệu trong nghiên cứu được tổng hợp đến ngày 22/5/2020. 

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên