Tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới: Nợ gần 300 tỷ USD, cổ phiếu đồng loạt lao dốc, kéo theo nhiều tỷ phú Trung Quốc phải gánh thua lỗ
Kể từ đầu năm đến nay cổ phiếu Evergrande đã giảm khoảng 70%, trong khi cổ phiếu của Evergrande Property Services Group hiện thấp hơn 34% so với mức giá IPO.
- 30-08-2021Công ty 'thu mua nợ xấu' lớn nhất Trung Quốc báo lỗ 16 tỷ USD, khi đòn bẩy cán mốc 1.333 lần trong năm 2020
- 28-08-2021Trung Quốc nhắm tới "kho báu" 1.000 tỷ USD ở Afghanistan: Cơ hội nghìn năm có một hay sẽ là vũng lầy?
- 27-08-2021Một loạt chỉ số báo hiệu tin xấu cho đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc
Các nhà đầu tư giàu có từng hỗ trợ đế chế của tỷ phú Hui Ka Yan hiện đang phải trả cái giá khá đắt khi mà nỗi lo tập đoàn Evergrande khó có thể trả nợ đang ngày càng lớn dần lên.
Ở những thời điểm khó khăn trước đây, Hui đã dựa vào những người bạn thân thiết thường cùng ông chơi bài poker để vực dậy China Evergrande Group. Họ có thể mua cổ phần hoặc trái phiếu do Evergrande phát hành hay trì hoãn đòi nợ. Hui đã tận dụng những mối quan hệ này để huy động vốn cho mảng dịch vụ bất động sản vào tháng 12 năm ngoái hay startup xe điện hồi tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, đà lao dốc của cổ phiếu Evergrande và các công ty con đồng nghĩa những người bạn của Hui đang đối mặt với nguy cơ lỗ lớn. Kể từ đầu năm đến nay cổ phiếu Evergrande đã giảm khoảng 70%, trong khi cổ phiếu của Evergrande Property Services Group hiện thấp hơn 34% so với mức giá IPO.
Các nhà đầu tư chiến lược đã chi tổng cộng 3,4 tỷ USD để mua cổ phần của startup xe điện hồi tháng 1 giờ đây đang chứng kiến giá trị các khoản đầu tư giảm hơn 70%. Họ chưa thể bán ra vì chưa đến thời hạn "mở khóa". Trong tháng 5, Evergrande đã huy động thêm 1,4 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường OTC.
Chính nỗi lo Evergrande sẽ phải bán tháo tài sản ở mức giá siêu rẻ để trang trải nợ nần đang khiến các cổ phiếu niêm yết của tập đoàn giảm sâu hơn. Hiện tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới đang có tổng nợ phải trả vào khoảng 300 tỷ USD.
Dưới đây là một số công ty đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng vì đã đầu tư vào tập đoàn này.
Tại startup xe điện NEV
Tháng 1, Hui bán cổ phần tại mảng xe điện cho 6 nhà đầu tư, thu về 26 tỷ đôla Hong Kong (tương đương 3,4 tỷ USD). Thương vụ được thực hiện vào đúng thời điểm thế giới đang sốt xe điện và TTCK chứng khoán toàn cầu thăng hoa, do đó chỉ vài ngày sau khi tin tức được công bố giá cổ phiếu đã tăng hơn 50%.
Nhóm nhà đầu tư mua vào cổ phiếu NEV ở mức 27,3 HKD. Tuy nhiên đóng cửa phiên 27/8 vừa qua, cổ phiếu NEV có giá 6,5 HKD.
Vụ IPO của Evergrande Property Services Group
Công ty này huy động được 14,3 tỷ HKD qua vụ IPO hồi tháng 11 năm ngoái, với 23 nhà đầu tư chủ chốt. Mặc dù các nhà đầu tư được phép bán ra sau ngày 2/6, các cổ đông khác sẽ phải chờ đến ngày 2/12.
3 trong số các nhà đầu tư chiến lược của NEV cũng là nhà đầu tư chủ chốt trong thương vụ này.
Một số bạn bè thân thiết nhất của Hui nằm trong Big Two Club (1 nhóm chơi bài poker gồm những tỷ phú sừng sỏ ở đại lục và Hong Kong). Nhiều năm qua họ đã thực hiện vô số giao dịch và có quan hệ mật thiết đến nỗi nếu Evergrande gặp rắc rối thì bạn bè của Hui cũng sẽ gánh chịu hậu quả không nhỏ.
Ví dụ, tập đoàn Chinese Estates đã rơi vào cảnh thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay vì thu nhập từ cổ tức có được từ Evergrande sụt giảm mạnh. Trên giấy tờ, Chinese Estates đã lỗ 4,11 tỷ HKD trên số cổ phần Evergrande mà nó đang nắm giữ. Hiện cổ phiếu Chinese Estates đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ 2004.
Một trường hợp khác, China Strategic Holdings đang sở hữu 133,6 triệu cổ phần NEV. Số tiền đầu tư 3,9 tỷ HKD giờ đã giảm giá trị xuống chỉ còn 868 triệu USD.
Những người mua trái phiếu
Asia Orient Holdings, dẫn dắt bởi tỷ phú Poon Jing, tiết lộ hồi tháng 7 rằng họ sở hữu một lượng lớn trái phiếu Evergrande với mệnh giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay trái phiếu Evergrande đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Tham khảo Bloomberg