MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn cao su (GVR): Chỉ duy trì mảng cao su, ngược lại đẩy mạnh sáp nhập mảng gỗ và phát triển làm khu công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thủ tục niêm yết HoSE

Tập đoàn cao su (GVR) dự kiên doanh thu 2019 tăng 7% lên 24.224 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 24% lên mức 4.150 tỷ đồng. Với chỉ tiêu trên, Tập đoàn sẽ chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 6%/VĐL, tương ứng chi ra 2.400 tỷ đồng, 500 tỷ lợi nhuận để lại.

Tập đoàn Công nghệ Cao su Việt Nam (UpCOM: GVR) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, ghi nhận đang triển khai thủ tục để niêm yết trên HoSE. Trước đó vào cuối tháng 3/2018, hơn 99 triệu cổ phần của Tập đoàn chính thức giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.000 đồng/cp. Trong tháng 2/2018, Tập đoàn tiến hành IPO với số lượng bán đấu giá công khai hơn 475 triệu cổ phần, tương ứng 11,88% vốn điều lệ, mệnh giá 10.000 đồng/cp. Kết quả, tổng số cổ phần bán gần 101 triệu đơn vị, tương ứng 21,21% số lượng chào bán, với mức giá 13.000 đồng/cp.

Về hoạt động kinh doanh, trong một năm khó do giá mủ cao su xuống thấp và trách nhiệm nặng nề của giai đoạn cổ phần hoá, chuyển mô hình hoạt động sang CTCP, Tập đoàn thu về lần lượt 16.273 tỷ doanh thu hợp nhất và 3.253 tỷ LNTT – chỉ mới thực hiện được 91,73% chỉ tiêu cả năm. Nói về năm 2018, mặc dù sản lượng tăng tuy nhiên do giá trên thị trường bình quân thấp hơn đến 18% so với năm 2017, khiến kinh doanh Tập đoàn không đạt kỳ vọng. Theo đó, Tập đoàn cũng đã tiến hành thúc đẩy sản xuất, chế biến gỗ, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đến đất đang có.

Bước sang năm 2019, Tập đoàn dự kiến tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, chỉ tập trung vào 5 lĩnh vực có lợi thế gồm:

(1) trồng chăm sóc chế biến mủ cao su: hiện lợi nhuận không cao do giá giảm, chỉ duy trì quy mô hiện tại không mở rộng;

(2) chế biến gỗ cao su: lợi nhuận khá tốt và còn cơ hội nên sẽ đầu tư bổ sung, đồng thời tái cơ cấu thông qua sáp nhập để tăng sức cạnh tranh;

(3) sản phẩm công nghiệp cao su: tương tự sẽ duy trì vì lợi nhuận hiện không cao;

(4) khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su: lợi nhuận cao, tiềm năng nhiều lợi thế nên sẽ đầu tư mạnh giai đoạn 2019-2020 và 2021-2025;

(5) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: lợi nhuận khá tốt, nhưng sẽ thận trọng vì rủi ro đầu ra, công nghệ sản xuất... dự kiến Tập đoàn sẽ nâng dần quy mô phù hợp với tình hình thực tế.

Nhìn chung, trong ngắn hạn và định hướng trung hạn sẽ phát triển 5 lĩnh vực trên, trong đó tập trung 3 mảng tạo đà tăng tốc cho năm 2019, 2020 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 là "sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển KCN".

Song song, Tập đoàn cũng tiến hành tái cơ cấu nguồn lực của DN, bao gồm tái cơ cấu quỹ đất và thoái vốn DN. Trong đó, quỹ đất không phù hợp trồng cao su thì chuyển đổi cây trồng (nông nghiệp, trồng rừng...) hoặc nếu đầu tư không hiệu quả sẽ chuyển nhượng đất thu hồi vốn, bàn giao lại cho địa phương. Ngoài ra, với yêu cầu hội nhập quốc tế, Tập đoàn cho biết phải phát triển và trồng khoảng 20.000 rừng, tương ứng 5% diện tích cao su hiện nay (để đạt FSC), phải chuyển đổi diện tích quỹ đất đang trồng cao su sang trồng rừng, định hướng phát triển mạnh ở khu vực các công ty tại miền trung thay vì phát triển đồng đều tại tất cả các công ty. Thứ hai, thoái vốn DN, đến 31/12/2018, Tập đoàn đã thoái vốn thu về 1.769 tỷ đồng, giá trị sổ sách 1.453 tỷ đồng, lãi 316 tỷ. Giá trị còn lại phải thoái vốn 2.227 tỷ đồng, bao gồm giá trị đầu tư 5 công ty thủy điện khoảng 1.079 tỷ, chiếm 48% giá trị còn phải thoái.

Tập đoàn cao su (GVR): Chỉ duy trì mảng cao su, ngược lại đẩy mạnh sáp nhập mảng gỗ và phát triển làm khu công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thủ tục niêm yết HoSE - Ảnh 1.

Năm 2019, Tập đoàn đặt kế hoạch sẽ chi 470 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, tổng nhu cầu đầu tư tài chính dài hạn là 1.746 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2018. Theo đó, doanh thu dự kiến tăng 7% lên 24.224 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 24% lên mức 4.150 tỷ đồng. Với chỉ tiêu trên, Tập đoàn sẽ chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 6%/VĐL, tương ứng chi ra 2.400 tỷ đồng, 500 tỷ lợi nhuận để lại.

Tập đoàn cao su (GVR): Chỉ duy trì mảng cao su, ngược lại đẩy mạnh sáp nhập mảng gỗ và phát triển làm khu công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thủ tục niêm yết HoSE - Ảnh 2.

Túc Mạch

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên