MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn Dầu khí đang kinh doanh ra sao?

Hơn 5 năm qua, doanh thu và lợi nhuận PVN giảm dần trong khi nợ phải trả ngày càng lớn. Tỉ trọng nợ ngày càng lớn phần nào kéo chi phí tài chính tăng theo. Nợ dài hạn tăng là do PVN tiến hành vay những khoản dài hạn để đầu tư vào một số dự án lớn.

Tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí (công ty mẹ và các công ty con) trong giai đoạn 2012 – 2016 cho thấy sự biến động theo giá dầu tập đoàn này.

Năm 2012, doanh thu của toàn tập đoàn đạt 372 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng lên đến 406 nghìn tỷ đồng trong năm 2013 (tương đương tăng 9,1%). Tuy nhiên, kể từ năm 2014 trở đi, doanh thu của PVN liên tục giảm. Doanh thu năm 2014 đạt 381 nghìn tỷ đồng. Doanh thu năm 2015 và 2016 lần lượt đạt 293.000 tỷ VNĐ và 234.000 tỷ VNĐ, tức là giảm 23% và 20% so với năm trước đó. Ngoài ra, giá dầu giảm từ giữa năm 2014 cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí.

Lợi nhuận sau thuế diễn biến tương tự doanh thu. Nếu như lợi nhuận của PVN năm 2012 là 42,4 nghìn tỷ đồng thì năm 2016, con số này chỉ giảm còn 16,6 nghìn tỷ, tức là giảm gần 61%. Lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với năm trước đó. Sau đó con số này giảm dần xuống 42,9 nghìn tỷ vào năm 2014 và 30,7 nghìn tỷ năm 2015.


Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVN giai đoạn 2012 - 2016, theo Báo cáo tài chính hợp nhất.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVN giai đoạn 2012 - 2016, theo Báo cáo tài chính hợp nhất.

Nợ phải trả của Tập đoàn có xu hướng trái ngược với doanh thu và lợi nhuận. Nợ phải trả năm 2012 là 284 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng lên 323 nghìn tỷ đồng trong năm tiếp theo (năm 2013), tương đương với mức tăng là 13,7%. Đến năm 2016, nợ phải trả của PVN là 338 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 44% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, gần 50% (163 nghìn tỷ đồng) là nợ dài hạn. Nợ dài hạn cũng tăng mạnh, hơn 38% trong giai đoạn 2012 – 2016. Tỉ trọng nợ ngày càng lớn phần nào kéo chi phí tài chính tăng theo. Nợ dài hạn tăng là do PVN tiến hành vay những khoản dài hạn để đầu tư vào một số dự án lớn.

Giá dầu lao dốc là nguyên nhân chính

Hơn 5 năm qua, kết quả kinh doanh giảm sút một phần là do nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả. Tuy nhiên, giá dầu mới là nguyên nhân chính tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh của PVN.

Từ giữa năm 2014, giá dầu thô sụt giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 50USD/thùng sau 3 năm ổn định ở mức 90 - 110USD/thùng. Nguyên nhân là nhu cầu dầu mỏ giảm do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, căng thẳng địa chính trị tăng cao và xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới. Trong khi đó, nguồn cung vẫn tăng mạnh. Sản lượng khai thác tăng do công nghiệp khai thác dầu cát, cách mạng khí đá phiến và OPEC chưa quyết định cắt giảm sản lượng.


Giá dầu WTI giai đoạn 2013 - 2017 trên sàn NYMEX

Giá dầu WTI giai đoạn 2013 - 2017 trên sàn NYMEX


Giá dầu thô Brent giai đoạn 2013 - 2017 trên sàn NYMEX

Giá dầu thô Brent giai đoạn 2013 - 2017 trên sàn NYMEX

Xu hướng giảm giá dầu mỏ kéo dài đến các năm sau đó, mặc dù có một vài thời điểm tăng nhẹ. Ngày 12/01/2016, giá dầu thế giới giảm xuống dưới mức 30 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2003. Điều đó có nghĩa là giá dầu giảm mạnh 72% so với mức giá vào 06/2014 (108 USD/thùng). Giá dầu lao dốc ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí.

Sản lượng khai thác của PVN năm sau cao hơn năm trước nhưng doanh thu vẫn giảm. Năm 2016, PVN khai thác dầu đạt 17,23 triệu tấn, vượt 1,19 triệu tấn (7,4%) so với kế hoạch năm, nhưng doanh thu hợp nhất chỉ đạt 234 nghìn tỷ, thấp hơn 293 nghìn tỷ đồng doanh thu năm 2015.

Tuy nhiên, cuối năm 2016, OPEC quyết định cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 4,5% sản lượng khối và 1% sản lượng toàn cầu, động thái này khiến giá dầu tăng trở lại. Giá dầu năm 2017 lại tăng tích cực, theo đó nhiều đơn vị kinh doanh trong đó có PVN dược hưởng lợi.

Ngoài ra, với những nỗ lực tái cơ cấu và khắc phục khó khăn của Tập đoàn, 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 367,5 nghìn tỷ đồng, vượt 16% so với kế hoạch 9 tháng và bằng 84% kế hoạch năm 2017. PVN nộp ngân sách Nhà nước 68,8 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch 9 tháng và bằng 92% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, các công ty con như Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn (BSR)... cũng có kết quả kinh doanh bùng nổ.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên