Tập đoàn Dệt may Việt Nam liên tục thoái vốn
Vinatex muốn bán toàn bộ 4,5 triệu cổ phần của Dệt may Liên Phương.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam muốn chuyển nhượng toàn bộ 4,5 triệu cổ phần, chiếm 19,11% vốn điều kiện thực góp của Dệt may Liên Phương với giá khởi điểm để chào bán cạnh tranh là 12.000 đồng/cổ phần. Ngoài ra, công ty cũng chào bán hơn 2,81 triệu cổ phần của Công ty CP May Đồng Nai với giá khởi điểm 35.000 đồng/cổ phần.
Tuần qua, VN-Index tăng 18,88 điểm lên 1.290,92 điểm. HNX-Index cũng tăng 1,41 điểm lên 235,71 điểm. Thanh khoản trên hai sàn đạt khoảng 22.000 tỷ đồng/phiên.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 80,6 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng gần 480 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3,96 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng hơn 42 tỷ đồng.
Trên thị trường Upcom, khối ngoại bán ròng 2,01 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng hơn 59 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 23 - 27/9 trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng 78,66 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng là hơn 496 tỷ đồng.
Đua nhau bán
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - mã chứng khoán: VGT) vừa thông qua phương án chuyển nhượng vốn sở hữu tại Công ty CP Dệt may Liên Phương.
Theo đó, Vinatex sẽ bán 4,5 triệu cổ phần, chiếm 19,11% vốn điều kiện thực góp của Dệt may Liên Phương. Giá khởi điểm chào bán cạnh tranh là 12.000 đồng/cổ phần.
Vinatex sẽ chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư quan tâm, thông qua công ty chứng khoán. Tạm tính theo giá khởi điểm, Vinatex sẽ thu về tối thiểu 54 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Dệt may Liên Phương.
Vào năm 2022, Vinatex cũng từng thông báo về kế hoạch thoái vốn 4,5 triệu cổ phần Dệt may Liên Phương với giá khởi điểm lúc đó là 19.800 đồng/cổ phần nhưng không thành công. Đến nay, Vinatex tiếp tục thực hiện thoái vốn Dệt may Liên Phương với mức giá chào bán thấp hơn 39% so với 2 năm trước.
Dệt may Liên Phương được thành lập năm 1960, có địa chỉ tại số 18 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TPHCM. Công ty sở hữu hơn 40.000 m2 nhà xưởng trong khuôn viên rộng gần 80.000 m2, sở hữu chuỗi dây chuyền sản xuất vải len chải kỹ khép kín từ công đoạn sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may mặc...
Hồi tháng 8, Vinatex cũng thông báo việc chào bán hơn 2,81 triệu cổ phần tại Công ty CP May Đồng Nai (Donagamex), tương ứng 25,7% vốn điều lệ cho dưới 100 nhà đầu tư với giá khởi điểm 35.000 đồng/cổ phần. Dự kiến Vinatex thu về 98 tỷ đồng sau khi thoái vốn.
Công ty CP Licogi 13 (mã chứng khoán: LIG) thông báo nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc chuyển nhượng phần vốn của LIG tại công ty con là Công ty CP Licogi13 - Cơ giới hạ tầng (Licogi13 - IMC). Cụ thể, LIG dự kiến bán 30% vốn của Licogi13 - IMC, tương ứng 996.000 cổ phần cho ông Vũ Đức Lưu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị thu về sau đợt thoái vốn là gần 10 tỷ đồng.
Hiện LIG đang sở hữu 62,78% vốn tại Licogi13 - IMC, tương ứng gần 21 tỷ đồng. Sau khi thoái bớt vốn, tỷ lệ sở hữu của LIG tại Licogi13 - IMC sẽ giảm xuống còn 32,78%. Tính đến cuối quý II, Licogi 13 đang sở hữu 6 công ty con và 3 công ty liên kết.
Hút tiền từ cổ đông
Công ty CP Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics - mã chứng khoán: PDV) huy động hơn 230 tỷ đồng từ cổ đông, nâng vốn điều lệ lên gần 661 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ngày 23/9, PVT Logistics đã chào bán 23.008.635 cổ phiếu đăng ký với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau chào bán cổ phiếu, vốn điều lệ của PVT Logistics đã tăng từ gần 431 tỷ đồng lên gần 661 tỷ đồng.
Công ty CP Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) lên kế hoạch triển khai đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phần được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá phát hành 12.000 đồng/cổ phiếu.
Với hơn 263 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Thép Nam Kim sẽ chào bán thêm gần 132 triệu cổ phiếu để huy động gần 1.580 tỷ đồng. Số tiền huy động được sẽ góp vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.
Dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Dự án tọa lạc trên đường số 1, Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư là 4.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Nam Long (mã chứng khoán: NLG) - đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu về 38,45 triệu cổ phần, tương ứng 9,99% vốn điều lệ. Giao dịch sẽ thực hiện từ ngày 30/9 - 29/10.
Ở chiều ngược lại, 2 con trai của ông Quang đăng ký mua cổ phiếu NLG đúng bằng số lượng cổ phiếu mà ông Quang đăng ký bán ra. Cụ thể, từ ngày 25/9 - 24/10, ông Nguyễn Nam - con trai ông Nguyễn Xuân Quang đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NLG để nâng sở hữu lên 0,44% vốn điều lệ. Từ ngày 26/9 - 25/10, ông Nguyễn Hiệp - con trai ông Nguyễn Xuân Quang đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NLG để nâng sở hữu lên 0,61% vốn điều lệ.
Trước đó từ ngày 22 - 24/5, ông Nguyễn Xuân Quang cũng bán ra 2 triệu cổ phần NLG để giảm sở hữu về 10,51% vốn điều lệ.
Tiền Phong