Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị yêu cầu mở thủ tục phá sản lần 2
Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có thông báo số 01/PS-TBTA ngày 12/7 thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai theo yêu cầu của Công ty CP Lilama 45.3. Tháng 7/2023, Lilama 45.3 cũng có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Đức Long Gia Lai và Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS.
Yêu cầu lần thứ 2
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) vừa có văn bản công bố thông tin bất thường gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) về việc nhận được thông báo số 01/PS-TBTA ngày 12/7 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Công ty CP Lilama 45.3.
Theo đó, Đức Long Gia Lai có phát sinh khoản nợ đối với Công ty CP Lilama 45.3. Theo bản án phúc thẩm số 03/2023/KDTM-PT ngày 8/2/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai , Đức Long Gia Lai phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ gốc là hơn 14,7 tỷ đồng và hơn 2,3 tỷ đồng lãi chậm thanh toán.
Trong quý I và quý II năm nay, Đức Long Gia Lai trả cho Lilama 45.3 1 tỷ đồng mỗi quý. Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền đã thanh toán cho Lilama 45.3 là 6 tỷ đồng. Tại thời điểm gần nhất, vào ngày 27/6, DLG đã trả 350 triệu đồng.
Dẫn lại quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014, Đức Long Gia Lai nói không vi phạm quy định chủ nợ không có bảo đảm. Chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Đức Long Gia Lai cho biết đã gửi văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét lại điều kiện của việc Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để không thụ lý đơn và thu hồi thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Như vậy, lần thứ 2 Lilama 45.3 có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai. Hồi tháng 7/2023, sau khi có đơn của Lilama 45.3, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS. Sau đó, Đức Long Gia Lai đã có đơn đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định này.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận đơn đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản của Đức Long Gia Lai và hủy quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10 của TAND tỉnh Gia Lai.
Theo DLG, từ thời điểm TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản cho đến nay là 8 tháng, Đức Long Gia Lai vẫn đang triển khai các hoạt động bình thường, đồng thời đã tiếp tục có thiện chí, trả nợ cho Lilama 45.3 theo đúng cam kết.
Làm ăn ra sao?
Đức Long Gia Lai tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Đức Long Gia Lai, được thành lập tháng 9/1995 với một ngành nghề là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
DLG có số vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng; 9.700 m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động. Tháng 6/2007, doanh nghiệp này được đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai , sau đó lần lượt thành lập 20 công ty thành viên, mở và liên kết thành lập 13 chi nhánh, cửa hàng.
Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai kinh doanh sa sút trong thời gian gần đây. Động thái bán Mass Noble Investments Limited diễn ra trong bối cảnh DLG báo lỗ hai năm liên tiếp 2022, 2023. Thậm chí, năm 2023, DLG bị đối tác kiện mở thủ tục phá sản do không trả nợ.
Quý I năm nay, DLG đạt doanh thu thuần hơn 266 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/3 vẫn ở mức 2.636 tỷ đồng. Nợ phải trả là 4.455 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu.
Năm nay, Đức Long Gia Lai đặt kế hoạch đạt 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25% so với năm trước) và 120 tỷ đồng lãi sau thuế. Năm 2023, DLG đạt doanh thu thuần hơn 1.122 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế hơn 578 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý I, DIC Corp ghi nhận doanh thu chỉ 490 triệu đồng (giảm 99,8% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là con số lỗ kỷ lục với 121,24 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 76,58 tỷ đồng).
Tại thời điểm ngày 31/3, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn DIC Corp tăng 36,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.127 tỷ đồng, lên 4.239 tỷ đồng và chiếm tới 54,5% vốn chủ sở hữu.
Hiện tại, Đức Long Gia Lai muốn bán toàn bộ phần vốn góp tại công ty con này. DLG đã đầu tư hơn 249 tỷ đồng, tương đương 97,73% vốn điều lệ của Mass Noble Investments Limited, trụ sở chính tại British Virgin Islands - một trong những thiên đường thuế trên thế giới. Thương vụ DLG mua Mass Noble Investments Limited từ 9 năm trước, thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu.
Hội đồng quản trị Đức Long Gia Lai ủy quyền cho Tổng giám đốc DLG tìm kiếm, ký kết hợp đồng thuê công ty thẩm định giá nhằm định giá lại giá trị Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited phù hợp với thị trường hiện nay. Đồng thời, tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của DLG tại công ty con này với điều kiện giá chuyển nhượng không được thấp hơn mệnh giá cũng như giá trị sở hữu của Đức Long Gia Lai tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited.
Tiền Phong