Tập đoàn Phúc Sơn của Hậu 'Pháo' từng liên tục điều chỉnh vốn
Giai đoạn 2015 - 2022, Tập đoàn Phúc Sơn đã liên tục tăng vốn "khủng" từ vài trăm tỷ đồng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập từ năm 2004 tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Thời điểm mới thành lập, tập đoàn này có vốn điều lệ ở mức 129,8 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Văn Hậu (góp 109,789 tỷ đồng, tương đương 84,6% vốn góp), bà Ngô Thị Thanh Nhàn (góp 15 tỷ đồng, tương đương 11,5% vốn) và ông Nguyễn Thanh Tùng (góp 5 tỷ đồng, tương đương 3,9% vốn).
Sau đó, đến tháng 1/2015, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, vốn pháp định 6.000 tỷ đồng. Trong đó ông Hậu góp 480 tỷ đồng, nâng mức sở hữu lên 96%. Phần góp vốn của 2 cổ đông còn lại không thay đổi.
Tiếp đó vào tháng 11/2015, tập đoàn này tiếp tục tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, ông Hậu góp 1.480 tỷ đồng. Đến tháng 2/2017, công ty này đăng ký tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, ông Hậu góp 1.980 tỷ đồng (99% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ còn 1.600 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn là một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Phúc Sơn gắn liền với tên tuổi của đại gia Nguyễn Văn Hậu (còn gọi là Hậu "Pháo", sinh năm 1981).
Phúc Sơn có trong tay nhiều dự án lớn như Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha; khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha.
Mặc dù liên tiếp sở hữu và triển khai nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Phúc Sơn lại đi xuống qua các năm.
Năm 2016, doanh thu ghi nhận 514,6 tỷ đồng và lãi ròng 3,7 tỷ đồng. Sang năm 2017, doanh thu sụt giảm còn 468,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại tăng vọt gấp 10 lần lên 37,58 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu chỉ bằng 65% so với 2018 khi đạt 84,7 tỷ đồng và lãi ròng lao dốc khi chỉ còn 80 triệu đồng so với 214 triệu đồng của năm trước.
Đặc biệt, theo báo cáo tài chính năm 2020, một trong những vấn đề lớn mà Tập đoàn Phúc Sơn phải đối mặt chính là tình trạng nợ cao vượt trội vốn.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả tại Tập đoàn Phúc Sơn lên đến 5.814 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 74,6% tổng nguồn vốn tập đoàn.
Trong đó, doanh thu chưa thực hiện dài hạn chiếm tỷ trọng cao nhất khi đạt 5.546 tỷ đồng, bằng 95,4% tổng nợ phải trả.
Trong khi đó, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 của Tập đoàn Phúc Sơn chỉ là 60,9 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa phần lớn số tiền mà Tập đoàn thu được của khách hàng chưa được ghi nhận thành doanh thu nên bị “neo” ở “Nợ phải trả”.
Bảng lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy trong năm 2020, dòng tiền “vào” khá lớn. Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh lên đến 468 tỷ đồng.
Dòng tiền vào không được ghi nhận vào doanh thu nên kết quả là Tập đoàn Phúc Sơn ghi nhận khoản lỗ trước thuế 16,9 tỷ đồng. Trong năm, công ty chỉ đóng 112 triệu đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn; Nguyễn Thị Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn); Đỗ Thị Mai (kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn); Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn); Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group); Nguyễn Hồng Sơn (lao động tự do).
Các bị can trên bị khởi tố vì có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan...gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
VTCnews