MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn Temasek ra sao dưới sự lèo lái của thuyền trưởng Ho Ching?

Giá trị danh mục đầu tư của Temasek đã tăng lên 242 tỷ đôla Singapore tại thời điểm 31/3/2016, gấp 2,14 lần giá trị danh mục cách đây 10 năm. Tiền đã gấp 3 lần khoản nợ của quỹ trong thập kỷ tiếp theo. Thu nhập cổ tức gấp 18 lần chi phí lãi vay năm 2016.

Đệ nhất phu nhân Singapore Ho Ching gia nhập Temasek vào năm 2002 với vị trí một giám đốc, sau đó bà được tin tưởng giao đảm nhiệm vị trí CEO của quỹ vào tháng 1/2004.

Được thành lập từ năm 1974, Temasek Holdings là công ty Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính Singapore, có chức năng quản lý phần vốn của Chính phủ Singapore trong các doanh nghiệp. Thời kỳ ban đầu khi được thành lập, danh mục đầu tư của Temasek Holdings chỉ có trị giá 354 triệu USD Singapore. Con số này đã tăng lên 242 tỷ đôla Singapore tại thời điểm 31/3/2016, gấp 2,14 lần giá trị danh mục cách đây 10 năm.

Đệ nhất phu nhân Singapore Ho Ching đang đảm nhận vị trí CEO của quỹ
Đệ nhất phu nhân Singapore Ho Ching đang đảm nhận vị trí CEO của quỹ

Dù vậy, sự sụt giảm giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết năm qua đã khiến giá trị tài sản ròng danh mục đầu tư của Temasek đến ngày 31/3/2016 vẫn giảm 24 tỷ đô la Singapore so với năm ngoái.

Tòa nhà Temasek
Tòa nhà Temasek

Tổng giá trị đầu tư trong một thập kỷ qua là 206 tỷ đôla Singapore. Riêng trong năm 2016, số vốn đầu tư của quỹ đạt 30 tỷ đôla Singapore. Cùng đó, quỹ đã thực hiện thoái vốn tại các khoản đầu tư thu về 28 tỷ đôla Singapore.

Tổng lợi tức cổ đông bình quân kể từ khi thành lập vào năm 1974 là 15%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này bình quân 10 năm gần đây giảm còn 6%. Năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2016, tỷ suất sinh lời âm hơn 9%.

Tuy vậy, Temasek vẫn duy trì vị thế tiền mặt ròng. Về mặt thanh khoản, số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cùng với các khoản đầu tư ngắn hạn của Temasek, đã gấp 3 lần khoản nợ của quỹ trong thập kỷ tiếp theo. Thu nhập cổ tức năm 2016 đạt 8 tỷ đô la Singapore, gấp 18 lần chi phí lãi vay.

Temasek hoạt động theo mô hình một quỹ đầu tư chuyên nghiệp - đầu tư vốn vào các doanh nghiệp có triển vọng và sử dụng các nguồn lực của mình để tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các khoản đầu tư mà quỹ hướng đến nhằm mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế; tăng dân số thu nhập trung bình; khai thác sâu hơn các lợi thế so sánh,...

Đội ngũ nhân viên của tổ chức này hiện đến từ 33 quốc gia trên thế giới và đã liên tục mở rộng về số lượng nhân sự các năm qua. Tới ngày 31/3/2016, tổng cộng có 582 nhân viên đang làm việc cho quỹ dưới sự điều hành của vị thuyền trưởng Ho Ching, đệ nhất phu nhân Singapore.

Quỹ đầu tư này một trong số ít các công ty tầm cỡ toàn cầu được xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cao nhất bởi các tổ chức đánh giá tín nhiệm, như “AAA” bởi Standard & Poor’s hay “Aaa” bởi Moody’s.

Temasek đầu tư vào nhiều các lĩnh vực khác nhau, như: dịch vụ tài chính, viễn thông, truyền thông và công nghệ, vận tải và công nghiệp, khoa học đời sống, ngành tiêu dùng, bất động sản, năng lượng và tài nguyên. Qũy hiện có 10 văn phòng đại diện trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Singapore, Temasek nắm giữ 56% cổ phần của hãng hàng không Singapore Airlines, 100% cổ phần hãng truyền thông MediaCorp, 100% cổ phần của Công ty cảng quốc tế PSA, 51% cổ phần Công ty kỹ thuật công nghệ Singapore (STEngineering), 30% cổ phần Tập đoàn DBS và là cổ đông lớn của nhiều công ty khác của đảo quốc sư tử (số liệu đến ngày 31/3/2016).

Nhiều cái tên danh tiếng khác cũng nằm trong danh mục đầu tư của Temasek như Tập đoàn Alibaba, Ngân hàng Bank of China, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Standard Chartered, Tập đoàn Bảo hiểm China Pacific...

Top 10 khoản đầu tư của quỹ Temasek theo giá trị vốn đầu tư/ vốn hóa - Nguồn: Temasek
Top 10 khoản đầu tư của quỹ Temasek theo giá trị vốn đầu tư/ vốn hóa - Nguồn: Temasek

Còn tại Việt Nam, theo bà Cheo Hock Kuan, Giám đốc điều hành cao cấp phụ trách chiến lược và đối ngoại của Tập đoàn Temasek (Singapore), danh mục đầu tư của Temasek từ 2005 phần lớn tập trung vào các lĩnh vực tài nguyên, nông lâm nghiệp, hạ tầng, công nghệ thông tin, ngân hàng...

Temasek cũng đã rót vốn vào tại không ít doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam như Minh Phú, HAGL, Vinamilk,... Tuy nhiên, khoản đầu tư vào "vua tôm" Việt Nam lại là thương vụ "thất bại" của quỹ. Từ năm 2007, Tập đoàn này đã chi khoảng 413 tỷ đồng mua 7 triệu cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Minh Phú với mức giá 59.000 đồng/cp. Chỉ sau đó một năm sau, giá trị khoản đầu tư đã giảm 80%. Temasek buộc lòng phải bán hơn một nửa lượng cổ phiếu thời điểm đó. Những năm sau, cổ phiếu MPC hồi phục trở lại và được giao dịch tại mức giá 122.000 đồng/cp khi doanh nghiệp này hủy niêm yết tự nguyện năm 2015.

Đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), NIMP, đơn vị thành viên của Temasek là trái chủ nắm giữ hai khoản trái phiếu lớn của Tập đoàn này gồm 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi do HAGL phát hành và 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi cổ phần HNG.

Mới đây, cùng thời gian chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và bà Ho Ching, Temasek thông qua Công ty Phát triển Sembcorp đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào Dự án Khu công viên phần mềm Đà Nẵng quy mô khoảng 15ha. Được biết, đây là dự án có tính chiến lược với Đà Nẵng trong việc phát triển ngành Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

Trở lên trên