Tập đoàn top đầu Việt Nam muốn làm đường ray tốc độ cao 850km/h, "đặt chân" vào dự án 70 tỷ USD
Doanh nghiệp đứng đầu ngành thép Việt Nam hé mở về việc tham gia đấu thầu tại dự án trọng điểm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
- 12-04-2024Thủ tướng: Lập các điểm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc 2 làn dịp nghỉ lễ
- 12-04-2024ADB: Kinh tế Việt Nam vững vàng trong bối cảnh toàn cầu bất ổn
- 11-04-2024Đoàn Đại sứ các nước thành viên EU tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng
'Chiến trường thép khốc liệt, Hòa Phát sẽ đấu thầu đường sắt cao tốc Bắc - Nam'
Ngày 11/4, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Một trong những nội dung đáng chú ý được ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát công bố tại Hội nghị là trong ngắn hạn 5-10 năm tới, Hòa Phát sẽ tập trung vào lĩnh vực chủ chốt, với “cú đấm thép” đang chuẩn bị là Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2.
Cụ thể người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tại Dung Quất 2, Hòa Phát sẽ làm đường ray xe lửa - không phải loại đường ray thông thường - mà là đường ray cho tàu tốc độ cao. Hòa Phát đã tiến hành những bước đầu tiên và sẵn sàng đấu thấu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
“Hy vọng sau này Đảng, Chính phủ quyết tâm làm đường sắt cao tốc Bắc Nam, thì Hòa Phát sẽ tham gia vào thầu để cung cấp thép cho dự án”, Ông Long nhấn mạnh.
Liên quan đến ý tưởng trên, trả lời tờ Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho biết doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu đề án sản xuất đường ray tàu hỏa tốc độ cao.
Về tốc độ tính toán dự kiến đường ray sẽ đạt mức 850km/h."Bao giờ ra sản phẩm cũng phải tính được thì tương lai. Bây giờ thế giới phổ biến là 300-500km/h. Nhưng tôi được biết nhiều nước đang có thử nghiệm 800km/h. Mình làm sau, mình phải bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu về tốc độ. Tốc độ càng cao thì tính ăn mòn càng khủng khiếp", ông Long nói với nguồn trên.
Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp. Ở bảng Top 10 DN lớn nhất Việt Nam năm 2023, Hòa Phát đứng vị trí thứ 8.
Sẽ nghiên cứu phương án tối ưu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 152/TB-VPCP ngày 9/4/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Thông báo nêu rõ, tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định mục tiêu "phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao", với giải pháp "Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, vốn… xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới".
Như vậy, việc triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để hoàn thiện Đề án đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ trình Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.
Đến năm 2030, khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Trong danh mục các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài dự kiến là 1.545 km. Mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh dài 281 km, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang dài 370 km.
Đến năm 2045 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bộ Giao thông Vận tải hiện đang đưa ra ba kịch bản đường sắt Bắc Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến nay Bộ GTVT đang tập trung đề xuất Kịch bản 3.
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường, tại Trung Quốc, chiều 19/10/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với ông Bạch Ngọc Chiến, giám đốc Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC), kiêm đại diện Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC).
Ông Bạch Ngọc Chiến cho biết trong thời gian tới tập đoàn mong muốn được tham gia các chương trình, dự án phát triển hạ tầng lớn ở Việt Nam như: Kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trước đó, trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc hồi trung tuần tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC).
Ông Trần Vân đánh giá việc xây dựng các tuyến đường sắt mang lại giá trị kinh tế cho hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và là nền tảng cho chính sách vành đai và con đường. Chủ tịch CREC bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án đường sắt nằm trong Quy hoạch được Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt.
Đời sống và Pháp luật