Tập thể dục 150 phút/tuần có thể giúp bạn kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả, nhưng riêng bệnh nhân mắc tuýp 1 cần cẩn trọng điều này
Tập thể dục rất tốt cho những người bị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 nên thận trọng với việc luyện tập để tránh những biến chứng không mong muốn.
- 11-09-2020Phát hiện bất ngờ: Lực bắt tay yếu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
- 10-09-2020Giao mùa người bệnh tiểu đường, huyết áp cao cần làm gì để tránh bị đột quỵ
- 09-09-2020Người bị tiểu đường ăn uống thế nào để kiểm soát bệnh? Bác sĩ BV Bạch Mai giới thiệu một nguyên tắc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện
Tập thể dục và vận động thể chất rất có lợi cho sức khỏe toàn diện, nhất là với những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2, hoặc có nguy cơ mắc bệnh.
“Tập thể dục đều đặn là việc cực kỳ quan trọng với người bệnh đái tháo đường”, bác sĩ Alex Li - chuyên gia về nội khoa tại Los Angeles.
Tuy nhiên, tập thể dục có thể dẫn đến một số biến chứng ở người bệnh tiểu đường. Do đó, nếu mắc căn bệnh này, bạn cần biết cách luyện tập một cách an toàn và hiệu quả.
Tại sao tập thể dục lại quan trọng với bệnh nhân tiểu đường?
Trường ĐH Y học Thể thao Mỹ và Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) đều công nhận rằng tập thể dục “là rất cần thiết cho sức khỏe” ở người bệnh đái tháo đường.
Khi tập thể dục, cơ thể sẽ đốt cháy glucose - hay còn gọi là đường huyết - để làm nhiên liệu. Nhờ đó, mức đường huyết sẽ giảm xuống. Bạn càng tập luyện, mức độ hiệu quả càng cao, vì thế mà tình trạng kháng insulin cũng sẽ giảm. Kháng insulin chính là nguyên nhân gây đái tháo đường tuýp 2.
Tập thể dục thường xuyên cũng giúp bạn tăng cường cơ bắp và giảm mỡ. Cả hai hoạt động này đều thúc đẩy khả năng sử dụng insulin của cơ thể. Nhìn cung, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 được hưởng lợi nhờ việc nhạy cảm hơn với insulin.
“Thói quen này có thể giúp giảm đường huyết trong thời gian ngắn và cải thiện độ nhạy insulin về lâu dài”, bác sĩ Emory Hsu - chuyên gia nội tiết tại bệnh viện Thung lũng Santa Clara (Mỹ) - cho biết.
Theo một nghiên cứu khoa học được đăng tải trên Annals of Physical and Rehabilitation Medicine năm 2019, các bài tập có cấu trúc - chẳng hạn như một khóa học thể dục 8 tuần - có thể giảm thiểu tình trạng kháng insulin ở người bệnh đái tháo đường tuýp 2. Trung bình, lượng đường huyết của những người tham gia đã giảm tới 5,12 sau khi được can thiệp.
Một nghiên cứu khác trên Journal of Jiroft University of Medical Sciences năm 2017 đã theo dõi 28 bệnh nhân nữ bị tiểu đường tuýp 2 trong vòng 8 tuần. Họ được chia thành hai nửa: 14 người không tập thể dục, 14 người tập aerobic (cardio) 3 lần/tuần và tập thể lực 2 lần/tuần/ Sau 8 tuần, nhóm thường xuyên tập thể dục có chỉ số đường huyết thấp hơn và ít kháng insulin hơn nhóm còn lại.
Tập thể dục 150 phút/tuần sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh hiệu quả
Theo tuyên bố của ADA năm 2016, những người mắc bệnh đái tháo đường nên tập thể dục trung bình 150 phút/tuần.
“Đừng để con số này dọa bạn”, bác sĩ Hsu nói. “Tập cái gì cũng tốt hơn là không tập. Bạn có thể bắt đầu từ từ rồi tăng tốc dần”.
ADA khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 và những người có nguy cơ mắc bệnh nên tập thể dục hàng ngày. Họ cũng không nên nghỉ tập quá 2 ngày. Hầu hết các hoạt động thể chất đều được tính là tập thể dục, kể cả làm vườn hay đi bộ.
“Nếu tập đi bộ, bạn nên đi với tốc độ đủ nhanh, đến mức vã mồ hôi hoặc cảm thấy cần phải thở nhanh hơn”, bác sĩ Hsu nói.
Một số hoạt động rất phù hợp để tập thể dục điều độ là cắt cỏ, bơi lội, chơi tennis, đạp xe,...
Những bài tập trên đem lại rất nhiều lợi ích. Một nghiên cứu được đăng tải trên The International Journal of Exercise Science năm 2019 đã quan sát 905 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 trước đây từng lười vận động. Những người này sau đó bắt đầu tập aerobic, tập thể lực, hoặc tập cả hai, trong vòng 49 phút, với tần suất 3 lần/tuần.
Kết quả cho thấy, cả ba nhóm đều giảm chỉ số A1C - lượng đường liên kết với Hemoglobin – một loại protein trong tế bào hồng cầu. Trong đó, nhóm tập cả hai bộ môn đạt hiệu quả cao nhất, theo sau là nhóm tập aerobic và cuối cùng là nhóm tập thể lực.
Nhìn chung, việc hình thành thói quen tập thể dục đều đặn hàng ngày và hàng tuần là rất quan trọng. Bạn nên đi dạo trong giờ nghỉ chưa, hoặc tập thể lực sau giờ làm việc. Theo bác sĩ Li, bạn có thể tập bất cứ thứ gì, miễn là đủ 150 phút mỗi tuần.
Bệnh nhân đái tháo đường nên cẩn trọng khi tập thể dục
Bất cứ bệnh nhân đái tháo đường nào cũng được khuyến cáo nên tập thể dục. Tuy nhiên, một số người nên thận trọng, nhất là các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1.
“Đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1, tập thể dục có thể khiến đường huyết giảm đáng kể”, bác sĩ Hsu cảnh báo. Chỉ số đường huyết quá thấp - hay còn gọi là hạ đường huyết, sốc insulin - có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm co giật hoặc hôn mê trong một số trường hợp nặng.
Theo ADA, người bệnh đái tháo đường tuýp 1 nên lên kế hoạch tập luyện, ăn uống và dùng insulin một cách cẩn thận. Việc đo đường huyết trước, trong và sau khi luyện tập cũng rất quan trọng. Bạn có thể kiểm tra đường huyết liên tục bằng máy đo đường huyết.
Nếu muốn tập thể dục, người bệnh đái tháo đường tuýp 1 cần được bác sĩ tư vấn kỹ càng trước. Đây là những việc mà bệnh nhân đái tháo đường nên làm trước khi luyện tập.
Nói chuyện với bác sĩ: Báo cho họ biết về tiền sử bệnh tật và các biến chứng gặp phải do bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như các vấn đề về mắt, đau tim hay đột quỵ.
Bắt đầu từ từ: Việc luyện tập sẽ ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết, nên bạn cần làm quen với việc đo đường huyết trước và sau khi tập. Bạn nên ghi lại nếu có bất kỳ sự thay đổi lớn nào. Chỉ số đường huyết nên ổn định trong mức mà bạn và bác sĩ đã đặt ra.
Theo dõi bàn chân để xem có vết loét hay khối sưng nào không: Theo bác sĩ Li, nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị mất cảm giác ở bàn chân, do đó họ không cảm nhận được đau đớn từ vết thương. Quan sát bàn chân sẽ giúp bạn nhận ra chúng sớm và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
(Theo Insider)