"Tất cả chúng ta đều phải lo lắng về nợ của Trung Quốc"
Dẫu vậy Fink vẫn lạc quan về triển vọng của Trung Quốc trong dài hạn.
- 17-05-2016Trung Quốc "tuổi xế chiều" và thử thách vượt Mỹ
- 14-05-2016Các cỗ máy kinh tế Trung Quốc đột nhiên lại mất đà
- 13-05-2016Canh bạc mới của "Warren Buffett Trung Quốc"
Laurence D. Fink – người đứng đầu BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới với 4.700 tỷ USD tài sản – mới đây cho rằng “tất cả chúng ta đều phải lo lắng” về núi nợ ngày càng dâng cao của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc như hiện nay.
Dẫu vậy Fink vẫn lạc quan về triển vọng của nước này trong dài hạn. “Bạn không thể cùng lúc tăng trưởng 6% đồng thời có các bảng cân đối vẫn phình to”, ông phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg. “Về dài hạn thì tôi vẫn đưa ra con số dự báo 6% cho kinh tế Trung Quốc, nhưng nước này cần thực hiện quá trình giải chấp, giảm nợ (deleveraging)”, ông nói.
Fink cũng cho biết ông rất ấn tượng với các lãnh đạo Trung Quốc về quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình dựa vào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sang hướng về tiêu dùng nội địa và dịch vụ. Một số nước phát triển phải mất tới 50 năm để hoàn thành quá trình này, và suy thoái là điều khó có thể tránh khỏi.
“Các lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển hướng nền kinh tế và đó là một điều rất tốt. Họ chủ động và nhanh nhạy hơn so với một số quốc gia khác”.
Tuy nhiên trong quá trình ấy Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều chướng ngại vật, như sự giảm tốc của nền kinh tế trong và ngoài nước cũng như tình trạng các định chế tài chính có tỷ lệ đòn bẩy quá cao.
“Trung Quốc cần phải mạnh tay cải cách hơn nữa, hiện vẫn có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt. Dẫu vậy tôi vẫn lạc quan về Trung Quốc”.
Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có tiếp tục phá giá nhân dân tệ đột ngột hay không, Fink cho rằng chắc chắn là không. “Kế hoạch của họ tập trung vào tiêu dùng nội địa. Như vậy thì giá hàng hóa nhập khẩu phải giảm xuống và giảm giá nội tệ không đem lại lợi ích”.
Hiện Trung Quốc là thị trường gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhất trong giới tài chính. Hồi tháng 4, Fink nói rằng các nhà đầu tư sẽ phải hối hận vì đã không đặt cược vào Trung Quốc trong năm nay bởi các biện pháp kích thích của Chính phủ sẽ đem lại kết quả tốt hơn so với dự báo. Ngược lại, cũng trong tháng 4, ông trùm bán khống George Soros lại cảnh báo Trung Quốc ở thời điểm hiện tại giống hệt với Mỹ thời kỳ trước khủng hoảng tài chính 2008.
Trong quý I, tín dụng mới ở Trung Quốc tăng kỷ lục 706 tỷ USD, vượt quá cả mức đỉnh của năm 2009. Tổng nợ của các công ty, chính phủ và hộ gia đình bằng 247% GDP. Một số nhà đầu tư đặt cược rằng bong bóng tín dụng sẽ nổ tung và tàn phá nền kinh tế.