Tất tần tật những điều bạn cần biết về kỉ luật tự giác: Thành công không phải chuyện sớm chiều, không bỏ ra thì làm sao thu hoạch lại
Nhìn thấy người khác thành công, chúng ta cũng cảm thấy có phần nào đó cuống quýt bất an, rồi khát vọng một đêm thoát xác, nhưng rồi lại chẳng thể kiên trì được bao lâu. Tự giác kỉ luật là một quá trình dài, cũng giống như cuộc đời, phải đi từng bước từng bước một.
- 26-08-2020Từ chuyện Lionel Messi nhất định rời Barcelona tới chốn công sở: Ai rồi cũng có lúc khủng khoảng nhưng khi nào mới là thích hợp để bạn rời khỏi nơi đã gắn bó lâu năm?
- 26-08-2020Nhận diện những biểu hiện của căng thẳng cực độ: Không sớm tìm cách giải tỏa, cả công việc và cuộc sống đều lao dốc
- 13-08-2020Căng thẳng, kiệt sức vì công việc: Chuyên gia tâm lý tư vấn 5 thói quen nhỏ giúp bạn thoát khỏi "mối tơ vò", ai cũng nên thực hiện đều đặn
- 05-08-2020Có 5 vị trí trên cơ thể hay bị đau mỏi nhất, bao gồm cả cổ, vai: Làm ngay việc này để giảm căng thẳng ở những vùng cơ thể đó
Nhắc tới kỉ luật tự giác, não của chúng ta thường sẽ hiện ra những hình ảnh như này:
A mỗi ngày khi trời còn chưa sáng đã ngủ dậy, đọc sách, học từ mới, mấy giờ tới mấy giờ học cái này, mấy giờ tới mấy giờ học cái kia, thời gian một ngày luôn kín lịch.
B mỗi ngày đều kiên trì luyện tập, sáng sớm ra ngoài chạy bộ, trời mưa thì tập ở nhà, không ăn gà rán khoai tây chiên, cân nặng dần dần giảm từ 70kg xuống 50kg.
Chúng ta có thể thường xuyên nghe thấy những câu chuyện tương tự trên các bản tin hay qua những câu chuyện tám của những người xung quanh, họ cuối cùng, hoặc thành công trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học, trúng tuyển vào một ngôi trường danh giá nào đó; hoặc phản công thành công, đạt đến đỉnh cao của cuộc đời.
Cũng giống như họ, chúng ta cũng muốn trở nên tốt hơn, ưu tú hơn.
Chúng ta bỏ tâm huyết vạch định ra kế hoạch, "cấm túc" bản thân, bắt mình sau tan làm phải đọc sách 2 tiếng đồng hồ, cách ngày phải chạy 5km. Chúng ta cắn răng kiên trì, đợi tới lúc ngoảnh đầu nhìn lại, bàng hoàng phát hiện ra mình vẫn như cũ.
Vì sao sự tự giác kỉ luật của chúng ta lại không thành công?
Là vì bản tính của chúng ta vốn dĩ là lười ư? Hay là vì nhận thức của chúng ta với kỉ luật tự giác vốn dĩ luôn sai?
Tự giác kỉ luật chỉ là phương pháp, sự hiểu biết về giá trị mục tiêu là nguồn động lực
Trông thấy người khác đạt được mục tiêu nhờ kỉ luật tự giác, chúng ta tin rằng mình cũng có thể làm được như vậy. Đáng tiếc là, nếu không thể hiểu được giá trị của mục tiêu một cách sâu sắc, vậy thì sẽ rất khó để kiên trì tới cùng.
Chẳng hạn như chuyện đọc sách.
Rất nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học ra đi làm, ngoài những sách về chuyên môn bắt buộc phải xem ra, họ rất ít khi mở rộng lĩnh vực đọc của mình, nhận thức về sách vẫn chỉ dừng ở những cuốn sách giáo trình trong trường học hay tiểu thuyết văn học.
Những người kiên trì đọc sách, ban đầu cũng chỉ là vì muốn giết thời gian.
Nhưng cứ đọc cứ đọc, họ phát hiện ra những mảnh đất mới, cứ đọc cứ đọc, họ phát hiện ra mình ở phiên bản khác, cứ đọc cứ đọc, họ phát hiện ra một góc nhìn mới mẻ hơn về thế giới.
Đọc sách với họ mà nói, sớm đã không chỉ còn là để giết thời gian, mà là để cảm nhận được sự phong phú và thỏa mãn về mặt tinh thân, đây mới là nguồn độc lực giúp họ kiên trì tiếp tục đọc sách.
Cũng giống như những người muốn học tiếp lên thạc sỹ, tiến sỹ, đó là bởi vì họ ý thức được tầm quan trọng của việc học lên cao học đối với lý tưởng cuộc đời của họ, người tự giác kỉ luật giảm cân là bởi lẽ họ cảm nhận được sự thất vọng và buồn bã mà bệnh béo phì mang lại.
Họ hiểu được sâu sắc giá trị của mục tiêu, để thực hiện nó, họ can tâm tình nguyện chấp nhận sự vất vả và không thoải mái mà tự giác kỉ luật đem lại.
Thiếu đi động lực, vì tự giác kỉ luật mà tự giác kỉ luật, vì muốn trở thành người tốt hơn mà tự giác kỉ luật, nhiều hơn là để xoa dịu sự không hài lòng của mình với hiện trạng, vậy thì không kiên trì được lâu dài, cũng là lẽ tự nhiên.
Tự giác kỉ luật, không chỉ nhờ vào sức mạnh tinh thần, mà còn cần tới sức mạnh thể chất
Đa số chúng ta sẽ lập kế hoạch theo tình huống lý tưởng, trong quá trình thực hiện, thấy sắp không bám được thì tự động viên tinh thần.
Chúng ta cho rằng chỉ cần không ngừng bảo mình tiếp tục kiên trì, chúng ta sẽ thành công.
Nhưng mọi thứ lại thường phản tác dụng.
Thử nghĩ mà xem, một người bị thương nặng ở hai chân, tạm thời không di chuyển được, dù anh ta có khích lệ tinh thần của mình tới đâu, thì muốn đứng lên, cũng sẽ vô cùng khó khăn.
Tương tự, nếu chúng ta thức khuya hay thức trắng mỗi ngày, ban sáng đi làm lại mệt mỏi cả ngày, não bộ đã vô cùng mệt mỏi, về nhà rồi vẫn phải đọc sách hai tiếng đồng hồ, hiếm ai có thể làm được điều này.
Bởi lẽ năng lượng tự khống chế sẽ không ngừng bị hao mòn theo thời gian, khi nó bị tiêu hao gần hết, chúng ta sẽ rất dễ bị thu hút bởi cám dỗ.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ có thể trơ mắt nhìn mình trở thành nô bộc của dục vọng. Khi hiểu được tình hình khách quan rồi, chúng ta có thể đưa ra những thay đổi thích hợp về mặt hành động.
Chẳng hạn, khi vạch ra kế hoạch, hãy suy nghĩ tới việc năng lượng đại não sẽ bị hao mòn, vì vậy sắp xếp việc quan trọng nhất làm vào buổi sáng, như vậy sẽ có được hiệu suất cao nhất.
Khi cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi, ngủ một chút hoặc đi bộ 5 phút, để não nghỉ ngơi một chút rồi hãy quay lại làm việc.
Hạn chế thức khuya, thức đêm, nói với mình rằng, ngoan ngoãn đi ngủ thì ngày mai mới có thể có tính thần để làm tốt mọi việc.
Ngoài ra, nhận thức ra được rằng tự giác kỷ luật đòi hỏi cả trí óc và cơ thể hoạt động khỏe mạnh cùng một lúc, nó cũng cho phép chúng ta tránh tự trách móc bản thân.
Càng trách móc nhiều, thất vọng càng nhiều, cuối cùng sẽ khiến bạn từ bỏ hoàn toàn.
Khoa học đã chứng minh rằng cảm giác tội lỗi không chỉ không thúc đẩy chúng ta làm những việc mình nên làm mà còn tiêu tốn năng lượng của chúng ta, khiến chúng ta khó kiểm soát bản thân hơn. Chúng ta sẽ không nhịn được, cố gắng làm điều gì đó để cải thiện tâm trạng của mình, và những điều này vừa hay lại chính là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi.
Thực ra, chúng ta cũng không đến nỗi nào, chỉ là não hơi mệt một chút thôi, để nó nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục, mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi.
Nuôi dưỡng tự giác kỉ luật giống như giảm béo, cần sự rèn luyện có ý thức trong thời gian dài
Tự giác kỉ luật vốn không phải chuyện dễ dàng.
Cho dù về mặt tinh thần, giá trị mục tiêu vững chắc đến đâu, thì năng lượng tự kiểm soát của não bộ cũng có hạn.
Muốn nâng cao khả năng tự giác kỉ luật, phải tăng cường khả năng tự kiểm soát của não bộ, điều này cũng giống như việc luyện tập cơ bắp, không thể một sớm một chiều.
Người đã từng trải qua cảm giác giảm béo đều biết, muốn giảm được chút mỡ, bạn cần phải kiên trì luyện tập vất vả ra sao.
Nhịp thở của bạn bị rối loạn và gấp gáp, bước đi chậm và nặng nhọc, cánh tay đau mỏi, gối đùi cứng đơ.
Đối mặt với trải nghiệm khó khăn như vậy, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý đầy đủ.
May mắn là, chỉ cần vượt qua được giai đoạn đầu ấy thôi, khi tự giác kỉ luật đã trở thành thói quen, cảm giác thành tựu và thỏa mãn sẽ là thứ thúc đẩy ta tiếp tục kiên trì.
Vậy cụ thể thì nên luyện tập ra sao?
Chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ
Cuốn "The Willpower Instinct" có viết rằng, liên tục kiểm soát bản thân đối với những việc nhỏ nhặt sẽ làm tăng sức mạnh ý chí tổng thể.
Dù là những chuyện vô cùng nhỏ nhặt, nhưng chúng có thể giúp chúng ta tập trung tinh thần, ý thức được rằng bản thân đang đưa ra sự lựa chọn.
Chẳng hạn, cá nhân tôi bắt đầu từ việc nhỏ mang tên "mỗi ngày tổng kết", và cả "ghi chép chi tiêu". Ngoài ra, trong khoảng thời gian ấy, tôi còn kiên trì chạy bộ, rồi tưởng tượng, dù ngày chạy ngày không, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại, cũng xem là có chút thu hoạch nhỏ.
Tôi biết rằng mình không thể ăn có một miếng mà trở thành người béo ngay được, vì vậy tôi cho mình một khoảng thời gian để luyện tập, để thích nghi, tôi không quá trách móc mình sau khi thất bại, sau khi ngủ dậy, lại bắt đầu từ những việc nhỏ ấy.
Cần chú ý đó là, cơ thể vì muốn tiết kiệm năng lượng mà sẽ thường xuyên cảnh báo trước cho chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức trước khi năng lượng của mình thực sự cạn kiệt.
Vì vậy, khi cảm thấy mình không kiên trì được nữa, hãy cố gắng kiên trì thêm một lúc, tưởng tượng xem chúng ta sẽ đạt được cái gì sau khi hoàn thành mục tiêu.
Chỉ khi không ngừng thách thức giới hạn của bản thân, chúng ta mới không ngừng vượt qua chính mình, cũng giống như các vận động viên thể thao vậy.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chủ động giảm thiểu những trở ngại trong quá trình tự giác kỉ luật, tránh phân tâm, đồng thời tiếp xúc nhiều hơn với những người có ý chí mạnh mẽ, để sự tự giác kỉ luật của họ thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước.
Chẳng hạn, chúng ta có thể nhờ ai giấu đồ ăn đi, để mình không nhìn thấy, hoặc tốt nhất là không mua. Chúng ta có thể gia nhập vào một vài nhóm có cùng chí hướng với mình trên mạng xã hội, cổ vũ, khích lệ tinh thần lẫn nhau.
Nhìn thấy người khác thành công, chúng ta cũng cảm thấy có phần nào đó cuống quýt bất an, rồi khát vọng một đêm thoát xác, nhưng rồi lại chẳng thể kiên trì được bao lâu.
Tự giác kỉ luật là một quá trình dài, cũng giống như cuộc đời, phải đi từng bước từng bước một.
Bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt, bắt đầu từ những tiến bộ nhỏ nhặt, bắt đầu từ một mục tiêu nhỏ nhặt, những thay đổi âm thầm mà những thói quen nhỏ nhặt này đem lại, đôi khi còn có thể vượt qua những gì bạn có thể tưởng tượng.
Báo Dân Sinh