Tàu hỏa Yên Viên – Hạ Long: Chạy 320km, doanh thu 3,8 triệu đồng
5 năm sau loạt bài “Nhà ga nghìn tỉ mỗi ngày đón một chuyến tàu”, chúng tôi trở lại ga Hạ Long. Gặp lại khi tàu vừa dừng bánh, tàu trưởng tàu Yên Viên – Hạ Long – ông Nguyễn Trung Ngân, người gắn bó với tuyến đường sắt này từ năm 1996 – lắc đầu nói: “Tình hình thậm chí tệ hơn xưa. Đoàn tàu 3 toa chạy khứ hồi Yên Viên (Hà Nội) – Hạ Long tổng cộng gần 320 mà doanh thu chỉ khoảng 3,8 triệu đồng.
Video clip “Chuyến tàu chạy 320km, doanh thu chỉ 3,8 triệu đồng”.
11h35, như thường lệ, tàu đến ga Hạ Long sau một hành trình dài 7 tiếng gom khách và hàng hóa, qua gần 20 ga trên tuyến đường sắt 160km.
Mấy toa tàu dường như không thể cũ hơn được nữa (được đưa vào hoạt động từ 1965): sơn loang lổ, bong tróc ở nhiều nơi. Bên trong nào gà, vịt, ngan, nào rau muống, rau đay, mồng tơi, gạo và các loại rau, củ quả theo mùa…
Bên trong một toa tàu chợ Yên Viên - Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng
Chuyến tàu hôm nay, theo tàu trưởng Ngân, chỉ còn 2 toa hàng, 1 toa khách đang được bảo dưỡng. Vì thế, cả rau củ quả, gà, ngan, ngỗng… và người ở chung toa với nhau trong cái nắng nóng hầm hập mà lại không có điều hòa.
Khách vãng lai chỉ có khoảng 20 người, chủ yếu là người già và trẻ em, nhà gần các ga xe lửa và sợ say xe ôtô. Những người còn lại – chiếm số đông là dân buôn bán lẻ “con gà, mớ rau” đã “chung thân” với tuyến xe lửa này từ lâu, đến nỗi ông Ngân thuộc từng gia cảnh của mỗi khách hàng.
“Trung bình mỗi chuyến (cả đi và về) doanh thu chỉ khoảng 3,8-4 triệu đồng. Tính ra mỗi chuyến phải bù lỗ tới…95%” – ông Ngân cho biết.
Bao nhiêu năm nay, tàu chỉ chở gà, vịt và rau, củ, quả. Ảnh: Nguyễn Hùng
Những lời tâm sự của ông Ngân luôn bị át bởi tiếng gọi nhau í ới, thúc giục mang vác hàng xuống sân ga; tiếng gà, vịt kêu như sắp bị cắt tiết và một phiên chợ đúng chất quê hoạt động chỉ trong vòng vài tiếng giữa trưa, để rồi sau đó, nhà ga lại yên ắng cho đến tận trưa hôm sau.
Bà Lê Thị Nga, trú tại TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ngày nào cũng chất lên tàu vài bao tải rau từ ga Uông Bí đến ga Hạ Long (khoảng 40km) vừa giao cho khách hàng vừa bán tại phiên chợ bên đường tàu.
“Mỗi chuyến đi mất 50.000 đồng/vé khứ hồi và vài chục nghìn tiền rau. Nếu không có tàu này thì cũng không biết làm thế nào vì xe ôtô không nhận chở rau và nếu có chở thì phí cũng đắt” – bà Nga chia sẻ.
Phiên chợ tạm bên đường tàu. Ảnh: Nguyễn Hùng
Theo ông Nguyễn Đức Tân – Trưởng ga Hạ Long – một trong những nguyên nhân chính khiến tuyến đường sắt này èo uột là tốc độ quá chậm và không có tính kết nối, bởi một mình một khổ (1,435 m), trong khi khổ đường ray toàn quốc là 1m.
Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, tốc độ thiết là 120km/h với tàu khách và 80km/h với tàu hàng, có tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm yếu trên và đưa tuyến vận tải đường sắt này đạt tầm quốc tế. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ lồng 2 khổ đường ray 1,435m và 1m để kết nối với hệ thống đường sắt toàn quốc và rút ngắn được khoảng 40km do nắn tuyến.
Tuy nhiên, được khởi công năm 2005 và đã được giải ngân hơn 4.500 tỉ đồng, nhưng đến nay dự án vẫn dở dang vì bị dừng thi công từ năm 2011 do thiếu vốn.
Vì thế, ga Hạ Long nghìn tỉ mỗi ngày vẫn chỉ đón một chuyến tàu chở gà, vịt, rau quả, với doanh thu chưa đến 4 triệu đồng/2 chiều.
Những toa tàu này đã được đưa vào sử dụng trên tuyến đường sắt này từ năm 1965. Ảnh: Nguyễn Hùng
Trưởng tàu Nguyễn Trung Ngân cho biết, vì lỗ triền miên nên tổng lương của ông mỗi tháng chỉ khoảng 4,2 triệu đồng, mà lẽ ra với thâm niên công tác gần 30 năm của ông, ít nhất phải được trên 7 triệu đồng/tháng. Nhưng ông và các đồng nghiệp khác cũng chẳng biết chuyển đi đâu, dù hi vọng dự án được tái khởi động gần như tắt hẳn.
13h45, ông Ngân lại cùng đoàn tàu rời ga Hạ Long, đưa những lái buôn lam lũ cùng lồng gà, lồng vịt, quang gánh… trở về nơi họ xuất phát và kẽo kẹt về đến ga cuối cùng – ga Yên Viên là khoảng 20h30. 7 tiếng cho một hành trình 160km, trong khi đi cao tốc đường bộ chỉ mất 2-2,5 tiếng.
Lao động