MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tàu tự lái tốc độ 350 km/h đầu tiên trên thế giới ra mắt tại Trung Quốc

09-01-2020 - 12:25 PM | Tài chính quốc tế

Tàu này phủ sóng viễn thông 5G, đèn thông minh và 2.718 cảm biến để thu thập dữ liệu theo thời gian thực ...

Nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, một tuyến tàu cao tốc dài hơn 170 km mới chạy từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới thành phố Trương Gia Khẩu, vừa được đưa vào khai thác, giúp giảm thời gian di chuyển từ 2-3 giờ xuống còn 47 phút. 

Theo CNN, nằm trong thế hệ tàu viên đạn Fuxing của Trung Quốc, tàu chạy trên tuyến này có vận tốc lên tới 350 km/h và vận hành hoàn toàn tự động. Đây là tàu viên đạn tự hành đầu tiên và đường ray cao tốc thông minh cũng là loại đầu tiên trên thế giới.

Mất 4 năm xây dựng, tuyến tàu này - còn được gọi là tuyến cao tốc Jing-Zhang - nối Bắc Kinh, Yanqing và Trương Gia Khẩu. Cả ba địa điểm này đều sẽ đăng cai các sự kiện của Thế vận hội Mùa đông sắp tới. Tuyến này có 10 ga, trong đó nổi bật nhất là ga Badaling Chang Cheng, dừng ở khu vực có Vạn Lý Trường Thành.

Tuyến cao tốc mới này bắt đầu hoạt động từ ngày 30/12/2019, là tuyến đầu tiên chạy từ Ga Bắc Bắc Kinh tới Ga Taizicheng. Theo thông tin trên website của công ty China Railway, hiện tại có khoảng 30 tàu viên đạn chạy giữa Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu mỗi ngày, trong đó chỉ có 6 tàu thông minh mới.

Giá vé dao động từ 11 - 33 USD đối với tàu cao tốc thông thường và 12 - 38 USD với tàu thông minh.

Tàu thông minh được trang bị mạng viễn thông 5G, đèn thông minh và 2.718 cảm biến để thu thập dữ liệu theo thời gian thực và phát hiện mọi hoạt động bất thường. Ngoài ra, mỗi ghế hành khách đều có bảng điều khiển màn hình chạm và cổng sạc pin không dây.

Dù các tàu cao tốc trên tuyến này vận hành tự động, một tài xế sẽ vẫn có mặt trên tàu để giám sát hoạt động mọi lúc. Tàu có khả năng tự khởi động, dừng và điều chỉnh tốc độ di chuyển khác nhau giữa các gia.

Trong khi đó, tại các nhà ga, robot và thiết bị nhận diện khuôn mặt được lắp đặt để hỗ trợ hành khách tìm đường, xử lý các vấn đề liên quan tới hành lý và làm thủ tục điện tử lên tàu.

Nội thất của tàu cũng được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của các vận động viên và phóng viên. Một số cabin có khu vực để đồ rộng hơn, vừa với các dụng cụ thể thao mùa đông và được kiểm soát bằng mã QR. Bên cạnh đó, cabin phục vụ ăn uống có thể chuyển đổi thành trung tâm truyền thông trong thời gian diễn ra thế vận hội, với bàn ghế có thể điều chỉnh giúp các phóng viên dễ dàng mang theo thiết bị tác nghiệp của mình. Cabin này cũng có dịch vụ phát sóng trực tiếp và cổng sạc pin ở dưới mỗi bàn.

Một cabin trên tàu được thiết kế với ghế ngồi có thể tháo rời, phục vụ những hành khách đi xe lăn trong dịp Thế vận hội Người khuyết tật Mùa đông 2022.

"Tuyến tàu này giúp nâng cao hiệu quả làm việc cho chúng tôi, thúc đẩy phát triển các môn thể thao mùa đông ở Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế với băng tuyết", Yang Yang, một vận động viên từng giành huy chương vàng Thế vận hội Mùa đông ở môn trượt băng tốc độ và cũng là một ttrong những hành khách đầu tiên đi thử tuyến tàu mới này, cho biết.

Trung Quốc hiện có mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới, trải dài khoảng 35.000 km và cũng sở hữu tàu thương mại tốc độ nhanh nhất thế giới - tàu đệm từ Thượng Hải. Với tốc độ 431 km/h, tàu này chạy từ Sân bay Pudong Thượng Hải tới Đường Longyang ở phía đông Thượng Hải.

Theo Minh Nhật

Trí thức trẻ

Trở lên trên