MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tàu vận chuyển LNG 'cháy hàng' giữa khủng hoảng năng lượng

08-09-2022 - 20:37 PM | Tài chính quốc tế

Tàu vận chuyển LNG 'cháy hàng' giữa khủng hoảng năng lượng

Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang 'cháy hàng'. Lợi nhuận trong năm nay tính đến ngày 2/9 của hai hãng vận chuyển LNG hàng đầu thế giới Flex LNG và Golar LNG lần lượt là 48,2% và 98,1%, đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái trong nhiều lĩnh vực.

Thời báo Hoàn cầu đưa tin, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận dầu khí đã trở thành vũ khí, tàu LNG đã trở thành món hàng được yêu thích và nguyên nhân đằng sau là do cú sốc lớn trên thị trường năng lượng quốc tế.

Châu Âu – vốn sát cánh với Mỹ để trừng phạt Nga - hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu khí nghiêm trọng, và việc sử dụng các tàu LNG để vận chuyển khí đốt đã trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất của nhiều nước châu Âu.

Tuy nhiên, các tàu LNG trên thế giới có năng lực vận chuyển hạn chế và thời gian sản xuất tương đối dài, điều này tạo thành "điểm nghẽn" khó giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trước mắt. Bởi vậy, rất nhiều hãng trên thế giới đang tranh giành tàu LNG.

 Tàu vận chuyển LNG cháy hàng giữa khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Dòng chảy phương Bắc 1". Ảnh: Xinhua

Tàu LNG "cung không đủ cầu"

"Sau khi châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển bằng đường ống" Dòng chảy phương Bắc 1 " cũng giảm dần, vì vậy nhiều nước châu Âu đã chọn chuyển sang nhập khẩu LNG", Đổng Tú Thành – giáo sư tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu.

Đặc biệt, ngày 2/9, bộ trưởng tài chính nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) nhất trí áp giá trần dầu mỏ Nga. Giá trần sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023, mức giá này sẽ có hiệu lực với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga.

Cùng ngày, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo ngừng cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Dòng chảy phương Bắc 1" vô thời hạn do trục trặc kỹ thuật.

Giáo sư Đổng lưu ý rằng, LNG cần được xuất nhập khẩu thông qua các tàu đặc biệt, vận chuyển LNG ở nhiệt độ thấp -161,5 độ C, và phương thức vận chuyển phụ thuộc rất nhiều vào vận tải đường biển.

"Số lượng tàu LNG trên thế giới có hạn, những lo ngại về năng lượng ở châu Âu đã lan sang Nhật Bản và Hàn Quốc, và nguồn cung cấp tàu vận chuyển đang thiếu hụt khiến chi phí cho tàu LNG tăng cao", ông Đổng nói.

Ông Đổng cho biết thêm, hơn 700 tàu LNG trên thế giới hiện đang nằm trong tay các công ty vận tải hàng hóa và các nhà kinh doanh khí đốt tự nhiên. Vận chuyển LNG tương tự như kinh doanh khí đốt tự nhiên, hoạt động theo định hướng thị trường và tuân theo nguyên tắc "đến trước được phục vụ trước" hoặc "ưu tiên người trả giá cao hơn".

Theo thống kê của Spark Commodities -một đơn vị phân tích giá cước vận chuyển LNG, với việc nhiều bên cạnh tranh về giá, phí thuê tàu LNG tính theo ngày đã vượt quá 100.000 USD từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11.

 Tàu vận chuyển LNG cháy hàng giữa khủng hoảng năng lượng - Ảnh 2.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, tàu LNG đã trở thành món hàng được yêu thích toàn cầu. Ảnh: 163.com

Trước lợi nhuận khủng, các nhà kinh doanh LNG "điên cuồng" đặt tàu

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, vào ngày 17/8, xưởng đóng tàu Okpo thuộc tập đoàn Daewoo Shipbuilding của Hàn Quốc đã nhận được khoản tiền thưởng đặc biệt trị giá 2 triệu USD vì giao hàng đúng hạn hai tàu LNG cho tập đoàn vận tải khí đốt tự nhiên khổng lồ BW Group của Singapore.

Theo dữ liệu do Clarksons - một đơn vị phân tích dữ liệu của ngành đóng tàu và hàng hải Anh - công bố, các công ty đóng tàu trên thế giới đã nhận được các đơn đặt hàng mới trong tháng 7 là 2,1 triệu tấn tổng hợp bù (CGT), trong đó Hàn Quốc nhận được 1,16 triệu tấn CGT (19 tàu), chiếm 55%, đứng đầu thế giới; Trung Quốc nhận 620.000 tấn CGT (35 tàu), đứng thứ hai với 30% thị phần.

Lloyd's Register - một tổ chức chứng nhận có uy tín trong ngành vận tải biển quốc tế - ước tính rằng, sản lượng năm của 6 nhà sản xuất tàu LNG chuyên nghiệp ở Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ là 70 - 80 tàu.

Theo dự báo của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, do lượng đơn đặt hàng tăng vọt, ngành đóng tàu Hàn Quốc – quốc gia đóng tàu LNG lớn nhất thế giới - đã hoạt động hết công suất, và sẽ không thể nhận đơn đặt hàng mới sớm nhất cho đến năm 2027.

Giáo sư Đổng Tú Thành chỉ ra rằng, trong ngắn hạn, tình trạng thiếu hụt khí đốt ở châu Âu sẽ còn tiếp diễn, nguyên nhân là do tàu LNG khó chế tạo, chu kỳ sản xuất cần tính bằng năm, nên "nước xa không cứu được lửa gần".

Ngoài ra, ông Đổng cũng nhấn mạnh: "Không phải quốc gia nào cũng có khả năng nhập khẩu LNG. Điều này đòi hỏi các nước xuất khẩu LNG phải có khả năng xây dựng các cảng với cơ sở hạ tầng để hóa lỏng khí đốt tự nhiên quy mô lớn, và các quốc gia nhập khẩu cũng phải xây dựng các cơ sở tái tạo khí đốt tự nhiên tại các cảng. Như nước Đức, vào thời điểm này đang gặp khủng hoảng về khí đốt do không đáp ứng được các điều kiện để nhận LNG trực tiếp tại cảng."

Theo thông tin mới nhất mà phóng viên Thời báo Hoàn cầu có được cho thấy, cảng tiếp nhận LNG đầu tiên của Đức đã được khởi công xây dựng vào tháng 7 năm nay, nhưng thời gian sớm nhất có thể đưa vào hoạt động phải đến đầu năm sau.

Theo Hữu Hiển

Tổ quốc

Trở lên trên