Tay ngang xin mẹ tiền mua máy may đến chủ thương hiệu áo dài trả lương thợ 50 triệu/tháng Tết: Tự hào nhất là khách đến qua truyền miệng nhưng sẵn sàng 'chốt đơn' trăm triệu đồng
Là tay ngang trong ngành có sự cạnh tranh khốc liệt như thời trang, founder Maison LONG - Nguyễn Trần Đức Long nhận thấy cả khó khăn và thuận lợi. Anh chia sẻ: “Khó khăn thì nhiều lắm nhưng thuận lợi là chẳng biết gì cả, phải liều làm để xem kết quả thế nào. Đôi khi biết nhiều quá lại dễ chùn bước hơn”.
- 07-02-2024Thủ môn Bùi Tiến Dũng cùng vợ Tây diện áo dài xuống phố, thần thái cực ngầu như đi trên sàn catwalk
- 06-02-2024Ái nữ nhà Đặng Thu Thảo diện áo dài đi học, cực ra dáng "tiểu thần tiên tỷ tỷ"
- 06-02-2024Giáp Tết mỹ nhân Việt đua nhau diện áo dài: Ai cũng hoá "bỉ ngạn đỏ hồng cam", rực rỡ khắp cõi mạng
Tết Nguyên đán 2018, thời điểm 9x Nguyễn Trần Đức Long bắt đầu làm áo dài nam, không mấy ai đặt “ngôi sao hy vọng” vào dự định có phần táo bạo này. “Thời điểm tôi bắt đầu thị trường áo dài nam chưa sôi động như bây giờ, mọi người vẫn nghĩ áo dài nam chỉ để mặc đi sự kiện, cưới hỏi nên nhiều người cản lắm. Có người bạn trong ngành thời trang hỏi tôi khùng hả, làm ra chẳng ai mặc đâu. Nhưng lúc đó tôi chẳng có gì để mất, nên cứ làm thôi”, Nguyễn Trần Đức Long nói.
Sự nghiệp làm thời trang của Long bắt đầu bằng 5 triệu đồng xin mẹ để mua máy may và rất nhiều “máu liều” để vay 250 triệu đồng mở cửa hàng Tiệm LONG đầu tiên (tên cũ của Maison LONG). Long kể, trước đó anh chỉ làm nhân viên trong các cửa hàng thiết kế nhỏ, thậm chí còn chưa thể kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn được người quen cho vay vì tin tưởng anh sẽ “làm nên chuyện”.
Thế nhưng khởi đầu của một tay ngang mới vào nghề không mấy suôn sẻ khi chỉ sau 4 tháng khởi nghiệp, Nguyễn Trần Đức Long đã định bán hết tài sản cá nhân để trả nợ vì… ế khách. nhận ra bản thân vẫn chưa làm ra sản phẩm khách hàng thích, chưa thực sự “chiến” và dồn hết tâm sức cho Maison LONG. Đó là lúc anh biết một local brand cần tìm ngách nhỏ để tập trung phát triển, từ đó mới có thể có những khách hàng trung thành với thương hiệu.
Và Long lựa chọn áo dài nam với hoạ tiết thêu tay làm sản phẩm chủ chốt, bỏ đằng sau sự ngờ vực của những người bạn cả trong và ngoài ngành thời trang. Anh gạt đi toàn bộ thời gian cho những cuộc tụ tập, giải trí để tự mày mò đi mua vải, học cắt may áo dài, nhờ chính nhân viên và bạn bè trở thành người mẫu để hoàn thiện mẫu thiết kế đầu tiên.
Tết năm đó, Maison LONG bán được khoảng 30 chiếc áo dài, đủ để Nguyễn Trần Đức Long có thêm can đảm cho ra mắt những mẫu áo dài tiếp theo, mở ra ngã rẽ mới trên hành trình làm thời trang của 9x này. “Tôi nghĩ bản thân và áo dài nam có duyên, vì đây không phải sản phẩm mới, các cô chú như cô Minh Thanh, chú Sĩ Hoàng, chú Đức Hùng đều làm rồi. Nhưng tôi tự tin mình là 9x đầu tiên đưa áo dài nam đến gần hơn với giới trẻ, để họ mặc nhiều hơn trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là vào ngày Tết”, anh cho biết.
Nguồn cảm hứng cho các sản phẩm áo dài Tết của Nguyễn Trần Đức Long đến từ những điều rất bình dị trong cuộc sống, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Từ lá dong ngày Tết, khói bếp đến những hình ảnh gợi lên sự hạnh phúc, may mắn trong năm mới như rồng, lân, phượng. Mỗi BST có thể tốn của 9x này và đội ngũ nhân sự từ vài tháng đến nửa năm, tỉ mỉ trong từng chi tiết vì các hoạ tiết sẽ được thêu tay toàn bộ. Anh chia sẻ bản thân chưa bao giờ cố để làm cho áo dài của Maison LONG trở nên nam tính mà chỉ tập trung vào tiêu chí tạo ra mẫu thiết kế thanh lịch, sang trọng và hài hoà.
Với độ kỳ công từ kỹ thuật thêu đến chất liệu vải, mức giá cho những mẫu áo dài của Maison LONG dao động từ 2-8 triệu đồng, có mẫu đặt riêng lên đến 23 triệu đồng. Long cho biết anh tự tin áo dài nam Maison LONG chưa bao giờ tồn kho, có những mẫu thiết kế từ 2019 đến nay vẫn tiếp tục bán được trăm chiếc. Trong 5 năm thành lập thương hiệu, Long chỉ giảm giá đúng 1 lần duy nhất với mục đích tri ân khách hàng. Anh chia sẻ: “Mùa Tết cao điểm nhất Maison LONG bán được 3.000 chiếc và nhờ đó mà sau Tết tôi mua được cả một căn nhà (cười)”.
Những năm gần đây, áo dài nam ngày càng được ưa chuộng trong các sự kiện giải trí, buổi gặp gỡ ngoại giao cũng như dịp lễ Tết. Cùng với đó là sự nổi lên của nhiều thương hiệu chuyên làm áo dài nam và cả những local brand đã có tên tuổi cũng chọn mở rộng sang thị trường ngách này.
“Chính vì sự cạnh tranh điên rồ đó nên buộc chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nếu không muốn mất đi vị trí trong lòng khách hàng. Sản phẩm, câu chuyện và hình ảnh mà thương hiệu đưa đến khách hàng cũng phải tốt hơn. Sự cạnh tranh này rất công bằng và nếu không có nó thì tôi không nghĩ áo dài nam của Maison LONG được như bây giờ”, founder 9x chia sẻ.
Bên cạnh áp lực cạnh tranh, Long cho biết việc không biết mình muốn gì và phải làm gì tiếp theo cũng khiến nhiều founder local brand như anh “đau đầu”. Anh không sợ những lời chê từ khách hàng mà chọn chọn đối diện với mọi góp ý và tìm cách cải thiện sản phẩm qua từng mẫu thiết kế, từng BST.
“Lời chê với chúng tôi không phải vấn đề lớn. Tháng 3 hàng năm, tôi và chị trưởng phòng sản xuất sẽ đọc một loạt review, ngồi cả với những khách hàng thân thiết để tìm ra vấn đề trong áo dài mùa Tết vừa rồi. Sau đó sẽ điều chỉnh form dáng chứ không có chuyện duyệt form một lần dùng 10 năm. Nhờ vậy mà khách hàng cũng cảm nhận được cách chúng tôi lắng nghe họ và sự trưởng thành của áo dài Maison LONG qua mỗi năm”, Nguyễn Trần Đức Long nói.
So với Tết đầu tiên làm áo dài, founder 9x này cho biết áo dài của Maison LONG đã thay đổi về tất cả mọi mặt, cách kể chuyện rõ ràng hơn, sản phẩm chỉn chu hơn từ màu chỉ đến bản thêu và quan trọng là gu thẩm mỹ của người làm chủ như anh cũng tiến bộ theo từng năm. Theo Long, chính chất lượng và sự thấu hiểu đã giúp Maison LONG xây dựng được tệp khách hàng trung thành, từ đó đưa rất nhiều khách hàng mới đến với anh chỉ bằng truyền miệng.
“Điều khiến tôi tự hào là khách hàng không biết Maison LONG qua KOL hay mạng xã hội quá nhiều, chúng tôi không có website, cửa hàng cũ cũng không ở vị trí lớn nhưng khách lại biết đến thương hiệu rất nhiều qua truyền miệng. Mới đây có một vị khách hoàn toàn mới, chưa gặp tôi bao giờ nhưng chi 112 triệu đồng mua áo dài của Maison LONG nhờ được giới thiệu, điều này chứng tỏ chất lượng dịch vụ và sản phẩm chúng tôi mang lại”, founder Maison LONG chia sẻ.
Trên thực tế, hành trình của Nguyễn Trần Đức Long với Maison LONG không phải lúc nào cũng trơn tru và bằng phẳng. Vẫn có những “nốt trầm” khiến founder này tiếc nuối như việc dừng phát triển các thiết kế áo dài nữ trong vòng 2 năm nay. Anh tự cảm nhận bản thân mình làm áo dài nữ “chưa thực sự nữ tính” và với định hướng phát triển bền vững của thương hiệu, Long không cho các sản phẩm của mình được phép “chắp vá”.
Maison LONG từng có 3 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM nhưng Long quyết định đóng hết cả 3 vì anh không giỏi quản lý, phần nữa là do khó khăn chung của những doanh nghiệp nhỏ phải đối diện trong giai đoạn biến động kinh tế. Founder 9x không ngại thừa nhận về những thiếu sót của bản thân và vẫn đang bước từng bước chậm nhưng chắc trên hành trình trưởng thành cùng chính thương hiệu của mình.
Tết năm nay, Maison LONG cho ra mắt đến 3 BST áo dài nam mang tên Dear Vietnam I, II và Một bài thơ, nhiều hơn so với những Tết trước. Có nhiều mẫu thiết kế Long ấp ủ 2 năm vì hoài nghi xem liệu khách hàng có chấp nhận mức giá cao của những chiếc áo dài này hay không và rồi anh lại tiếp tục “liều làm thôi”.
Kết quả khiến anh bất ngờ khi các BST cho Tết Giáp Thìn được khách hàng đón nhận, càng giúp Nguyễn Trần Đức Long tự tin “năm sau có thể sẽ làm những mẫu đắt hơn”. Long tự hào chia sẻ mức lương tháng Tết năm nay của thợ may Maison LONG lên tới gần 50 triệu đồng. Anh bộc bạch: “Mức lương này cũng là nhờ sự chăm chỉ của các cô và chị thợ làm việc tại Maison LONG còn về phần tôi trả công thợ cao hơn bên ngoài một chút không đáng kể. Khi nhiều việc tôi sẽ cùng ngồi lại với các thành viên và hỏi ý kiến họ trong trường hợp nếu thêm thành viên thì khi ít việc và sẽ phải chia đều, còn không chúng ta sẽ cố gắng hơn một chút. Đó là cách tôi tôn trọng nhân sự trong Maison LONG”.
Trong năm 2024, founder 9x dự định sẽ mở lại một cửa hàng tại Hà Nội để gặp lại khách hàng trong một không gian đẹp hơn, sản phẩm được trưng bày ở một nơi lung linh hơn. Nguyễn Trần Đức Long tâm sự, thời gian tới anh không đặt nặng yếu tố tăng trưởng về doanh số, cũng không áp KPI cho nhân viên. Anh nói: “Sự tăng trưởng của một thương hiệu đâu phải chỉ là tăng mãi về tiền. Vậy nên lúc này tôi đang đặt mục tiêu về tăng trưởng yếu tố con người, mong muốn nhân sự có nhiều kỹ năng và làm việc hiệu quả hơn, để khi kinh tế bình thường trở lại chúng tôi có thể chiến đấu một cách mạnh mẽ hơn nữa”.
Nhịp sống thị trường