Tây Nguyên: Tiêu chín đỏ, thiếu người hái
Nông dân Tây Nguyên bất lực nhìn tiêu rụng đầy gốc vì thiếu nhân công thu hái, trong khi loại gia vị này đang được giá.
- 20-02-2022Việt Nam đang nắm quyền chi phối thị trường hồ tiêu toàn cầu
- 20-12-2021Nhập khẩu hồ tiêu Campuchia tăng 111%
- 23-07-2021Lý do bất ngờ khiến hồ tiêu xuất khẩu liên tục bị phân “luồng vàng”
Anh Hồ Sỹ Hào (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cho biết, gia đình có 5.000 trụ tiêu sai trái đã quá ngày thu hoạch nhưng không tìm được nhân công. Không chỉ nhờ người quen tìm giúp, anh Hào còn lên “chợ” nhân công online đăng tin thuê 20 nhân công hái hồ tiêu theo ngày hoặc khoán sản lượng. Tuy vậy, nhiều ngày qua, anh Hào vẫn không tìm được nguồn lao động dù trả công cao hơn các năm trước gần gấp đôi.
“Nhân công yêu cầu tăng giá lên gấp đôi năm ngoái (4.000-6.000đ/kg) nhưng cũng không gọi được người”, anh Hào nói và cho biết, vì thiếu nhân công, cộng thêm trời mưa khiến vườn tiêu rụng quả đầy gốc.
Cũng trong tình cảnh đỏ mắt tìm nhân công, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông) cho hay, gia đình có 2 héc-ta hồ tiêu đang vào giai đoạn kinh doanh nên năng suất rất cao. Anh tìm thuê nhân công với giá 230.000đ/ngày, bao cơm trưa nhưng nhiều nhân công lắc đầu không nhận việc. Anh chuyển qua thuê khoán với giá 3.000đ/kg song không ai mặn mà, bảo đợi hái xong vườn khác mới đến nhận. “Tiêu chín đỏ nhưng nhân công bảo tôi chờ đợi, xót hết cả ruột”, ông Hùng nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn đến các địa phương về việc tổ chức thu hoạch nông sản (trong đó có hồ tiêu) trong điều kiện dịch bệnh. Hiện, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 33.500 héc-ta hồ tiêu, tập trung ở các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức…, sản lượng đạt hơn 60.000 tấn/năm.
Tiền phong