MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tế bào ung thư sợ tình yêu, virus sợ những người không vô cảm với đồng bào, đất nước…

11-03-2020 - 15:20 PM | Sống

Đừng vô tình biến mình thành đồng minh thân cận của virus, của dịch bệnh, của vô cảm, của ích kỷ, của vô minh.

Ai mới là người phải chịu ngột ngạt khủng khiếp?

Trong phút thiếu bình tĩnh, một người nổi tiếng trong giới showbiz đã "cảm thấy rất ngột ngạt trong phòng cách ly".

Khi thấy ngột ngạt, không biết anh có hiểu rằng: Phòng cách ly không bật điều hòa, mở cửa cho thông thoáng, chính là để bảo vệ anh khỏi sự hoành hành của virus ?

Phòng cách ly, đương nhiên không giống các khách sạn 5 sao mà anh đã đi và khoe trên trang cá nhân. Và bản thân anh cũng là một người 100% Việt Nam, chứ không phải 20 người Hàn Quốc đã từng chê trách điều kiện cách ly ở Đà Nẵng. Người Việt mà không biết chia sẻ với người Việt thì họ sẽ biết gì? Rất may, sau đó anh nhận ra mình đã sai.

Khi cảm thấy căn phòng quá ngột ngạt, những người bị cách ly có bao giờ tự hỏi: Những y bác sĩ chịu trận cả ngày trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít, có thấy ngột ngạt không? Sao ngột ngạt thế họ vẫn phải căng sức cứu người mà không kêu ca phàn nàn trách móc? Tại sao những y bác sĩ Vũ Hán lại chọn sống chung với ngột ngạt bằng cách đóng bỉm trong bộ đồ kín mít để cả ngày không phải đi vệ sinh theo cách thông thường, nhằm tránh lãng phí quần áo bảo hộ?

Ai thích sánh Tây – Ta, xin hãy tỉnh táo!

Dịch Covid -19 đã tạo ra những tiền lệ khủng khiếp chưa từng có, không chỉ đối với Việt Nam. Nhưng chính nó, cũng đã cho thấy những nỗ lực chưa từng có của Nhà nước, của người dân trong cuộc "chiến tranh bất đối xứng, bất quy ước" này.

Góp ý để Nhà nước hoàn thiện hơn trong hành động, là việc luôn cần phải làm, nhưng dựa vào fake news, dựa vào suy diễn, suy đoán để chê trách, soi mói, chỉ trích chính quyền, thì thật sự nguy hiểm. Hành động đó chính là đồng minh thân cận nhất của virus chết người.

Những ai hay so sánh ở ta với Tây, để cố chứng minh một điều Ta luôn kém hơn Tây, xin hãy chậm lại 1 nhịp. Ở thành phố Denver, Mỹ, một phụ nữ có dấu hiệu bị cúm, vừa đi xét nghiệm corona chủng mới đã phải trả hóa đơn 4.500 đô la.

Ông Wucinski, một người Mỹ được Chính phủ đón về từ Vũ Hán và bị cách ly bắt buộc đã ngã ngửa khi nhận hóa đơn gần 4.000 USD tiền viện phí. "Mẩu bánh mì miễn phí chỉ có trong chiếc bẫy chuột" – khi đau đầu vì tiền, chắc ông Wucinski sẽ rất thấm câu châm ngôn độc đáo này.

Cuối tháng 1-2020, một người dân ở Miami đã phải xì ra 3.270 USD để thanh toán viện phí của Bệnh viện Jackson Memorial chỉ vì anh đã làm các xét nghiệm virus corona, dù sau đó anh được kết luận không mắc bệnh.

Singapore miễn phí xét nghiệm Covid -19, nhưng lại thu tiền điều trị của một người nước ngoài từ 4.300 – 5.800 đô la.

Ở Việt Nam – một đất nước nghèo - thì sao? Tất cả những người nhiễm Covid -19 sẽ được điều trị miễn phí.

Dịch Covid - 19 đã làm đạo lộn rất nhiều thứ. Người Nhật vốn kỷ luật, vốn nhường nhịn và trật tự, kể cả động đất sóng thần vẫn nhẫn nại xếp hàng, nhường nhau mua thực phẩm. Thế mà khi dịch Covid -19 tràn qua, người ta phải dùng xích để xích các cuộn giấy vệ sinh trong toilet công cộng khỏi bị đánh cắp.

Một người đàn ông Nhật đã đánh cắp linh hồn mình, khi cố tình đi bar để lây nhiễm virus cho nhiều người khác.

Người Úc, Mỹ - những đất nước tự hào về chuẩn sống và sự văn minh, nhiều người dân cũng hoảng loạn đi vét sạch siêu thị.

Ở một đất nước đang phát triển như Ta, chắc chắn có rất nhiều thứ thua Tây. Nhưng chắc chắn những nỗ lực trong phòng chống Covid – 19 của Việt Nam đến thời điểm này thì không hề thua bất cứ một quốc gia nào. Thậm chí, nhiều lúc chúng ta còn đi trước một bước so với cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới. WHO và nhiều quốc gia cho rằng cần phải học tập kinh nghiệm đó của Việt Nam. Trước đó, việc Việt Nam dập thành công dịch SARS – chị ruột của Corona chủng mới – cũng đã được thế giới ghi nhận.

Những con số biết nói kia hẳn khiến những ai thích so sánh phải cân nhắc. Nhưng điều quan trọng nhất lại nằm ở chỗ: Mỗi người chúng ta đã thực sự đóng góp được gì cho đất nước, để đất nước không bị thua sút bè bạn?

Không một tòa thành vĩ đại nào được xây dựng bằng chỉ trích, phán xét. Nó phải xây bằng những viên gạch ý chí, yêu thương và xi măng đoàn kết.

Khi xứ người có biến cố, mới thấu hiểu giá trị của quê hương

Khi Tiên Nguyễn, con gái vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn, người có tiếp xúc với bệnh nhân số 17 ở nước ngoài, đã được cha thuê chuyên cơ riêng về Việt Nam để cách ly . Tại sao một người giàu như Tiên Nguyễn, lại không ở lại một bệnh viện hiện đại nước ngoài, mà lại chọn trở về quê hương?

Câu hỏi ấy không dễ trả lời trong điều kiện bình thường. Bình thường, nhiều người muốn rời bỏ quê hương để đến những "miền đất hứa". Chỉ khi những miền đất hứa ấy có biến cố, họ mới thấu hiểu giá trị của quê hương – nơi để trở về, nơi ấm áp nhất và dang rộng vòng tay nhất với họ.

Hãy nhìn những giọt nước mắt của những người phải cách ly ở một nơi xa quê hương; Hãy nhìn những nụ cười của bao người từ Vũ Hán, từ Hàn Quốc, từ Ý…được lên chuyến bay trở về tổ quốc sẽ trả lời được câu hỏi: Tại sao nhiều người khi lên đỉnh của thành công ở xứ người, khi đã cao tuổi, lại chỉ có một ước nguyện cuối cùng là trở về quê hương…?

Tùng Lâm, một cựu đạo diễn phim truyền hình đang sống tại Úc, phải thốt lên: "Chưa bao giờ nghĩ rằng ở hải ngoại mà đi cả ngày mới mua được 15kg gạo, xếp hàng 4 tiếng mới may mắn mua được 1 bịch giấy vệ sinh. Người dân Úc cũng đang hoảng loạn vì Covid – 19.

Các bạn đừng làm rối loạn lên nữa được không? Việt Nam vẫn là number One trong phòng chống dịch bệnh.

Với những gì nhìn thấy, nghe thấy, cá nhân tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam thực sự hết lòng vì dân và chứng tỏ bản lĩnh trước đại họa".

Trong khi một vài người thấy "ngột ngạt" ở trong các khu cách ly, một số người khác cố thủ trong nhà, đọc fake news, dùng bàn phím để suy đoán, chỉ trích, thì hàng trăm ngàn lãnh đạo, cán bộ y tế, công an, công chức, người tình nguyện đang phải "bỏ vợ, bỏ con, ở nhà, hoãn cưới" để lao đến những điểm nóng cách ly, để thăm khám bệnh nhân, để khử trùng, để điều tra lịch sử đi lại của những người nhiễm và nghi nhiễm…

Nếu nhìn thấu tận cùng những điều đó, nếu biết trân trọng sự nỗ lực lớn lao của đồng loại và đất nước; trận trọng chính sức khỏe của mình; trân trọng sự an yên của hàng chục triệu người dân; biết xót xa trước bao người mất việc, bao doanh nghiệp đình đốn, phá sản vì dịch… thì liệu họ còn dám khai báo không trung thực, còn dám vô trách nhiệm với chính mình và cộng đồng như thế? Thì liệu ai đó có suy nghĩ lại trước khi chỉ biết chê trách, chỉ trích?

Các nhà khoa học đã phát hiện: Tế bào ung thư sợ nhất tình yêu. Tất cả các loại dịch bệnh sợ nhất những người có ý thức bảo vệ mình và đồng loại. "Chống dịch như chống giặc", cho nên con virus chắc chắn sợ nhất sự tỉnh táo và đoàn kết của một dân tộc, một đất nước.

Đừng vô tình biến mình thành đồng minh thân cận của virus, của dịch bệnh, của vô cảm, của ích kỷ, của vô minh. Nếu mỗi người thấu triệt được điều ấy, không những dịch bênh được đẩy lùi, mà đất nước cũng sẽ tiến lên một cách mạnh mẽ mà bình an!

Tế bào ung thư sợ tình yêu, virus sợ những người không vô cảm với đồng bào, đất nước… - Ảnh 1.

Theo Bùi Hải

Tổ quốc

Trở lên trên