Temasek – Quỹ đầu tư hàng đầu khu vực với hàng tỷ USD rót vào VinHomes, VNG và thị trường bất động sản Việt Nam
Bên cạnh quỹ đầu tư GIC, chính phủ Singapore cũng sở hữu một quỹ đầu tư khác thuộc vào loại hàng đầu thế giới, đó là Temasek. Khác với GIC và nhiều quỹ đầu tư khác trên thế giới, Temasek có cách đầu tư tương đối độc đáo: hầu hết tài sản đầu tư của công ty là cổ phiếu, thay vì đầu tư vào nhiều loại hình khác nhau nhằm giảm rủi ro.
Được thành lập vào năm 1974 (trước quỹ GIC 7 năm) với tư cách là một công ty đầu tư thương mại, cho đến hết quý 1 năm 2020, Temasek hiện đang sở hữu và quản lý danh mục đầu tư trị giá 306 tỷ đô la Singapore (tương đương với 222 tỷ đô la Mỹ), đứng thứ 11 trong danh sách các quỹ chính phủ lớn nhất thế giới. Temasek đầu tư ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tập trung chủ yếu ở trong nước (24% tổng danh mục) và Trung Quốc (29% tổng danh mục). Temasek sở hữu đội ngũ bao gồm 800 nhân viên tại 8 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có một văn phòng tại Hà Nội, Việt Nam.
Danh mục đầu tư của Temasek theo khu vực (Ảnh: Temasek)
Temasek được các tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín là Moody và Standard&Poor xếp hạng tín dụng ở mức cao nhất của họ, lần lượt là Aaa và AAA, cho thấy sự thận trọng rất cao và mức độ rủi ro thấp trong những khoản đầu tư của quỹ. Temasek chỉ có 5% nợ trong giá trị danh mục đầu tư ròng; quỹ cũng chỉ có 12% nợ trong danh mục đầu tư vào các tài sản ngắn hạn (vốn chủ yếu là tiền và tương đương tiền), chứng minh cho mức độ an toàn luôn được đặt lên hàng đầu khi tham gia vào các thương vụ đầu tư.
Quỹ đầu tư này cũng đạt được điểm số hoàn hảo trong bảng xếp hạng về chỉ số minh bạch Linaburg-Maduell, cho thấy mức độ "mở" cao vượt trội so với các quỹ đầu tư chính phủ khác, khi Temasek luôn cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về tình hình tài chính cũng như hoạt động cho các nhà đầu tư.
Temasek được xếp hạng tín dụng cao nhất bởi S&P và Moody (Ảnh: Temasek)
Giá trị danh mục đầu tư của Temasek tăng lên không ngừng từ khi thành lập, nhưng cũng có những nốt trầm trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Đó là những giai đoạn dịch SARS bùng phát, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008 và dịch Covid – 19 trong năm nay, khiến cho tổng giá trị tài sản quản lý của qũy giảm sâu. Nhưng sau mỗi giai đoạn như vậy, Temasek thường phục hồi mạnh mẽ và phát triển thậm chí còn hơn cả trước đó.
Giá trị danh mục đầu tư của Temasek qua các năm (Ảnh: Temasek)
Danh mục của Temasek tập trung vào các nhóm ngành tài chính, công nghệ - truyền thông và bất động sản; đây là những nhóm ngành phát triển nhất tại Singapore, một đất nước thiên về làm dịch vụ. Trong đó, công ty viễn thông Singapore Singtel là doanh nghiệp mà Temasek đầu tư nhiều nhất với 7% giá trị danh mục, theo sau là công ty đầu tư bất động sản MapleTree và Tập đoàn tài chính DBS (cùng được đầu tư 5% giá trị danh mục).
Vào tháng 8 năm nay, Temasek Holdings đã mua thêm 3,9% cổ phần của BlackRock Inc với trị giá khoảng 3,5 tỷ USD để trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của quỹ đầu tư hàng đầu thế giới này.
Mặc dù sở hữu danh mục đầu tư được tính toán kỹ càng với rủi ro thấp, Temasek vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid – 19. Cho tới hết tháng 3 năm nay, quỹ đã đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh tồi tệ nhất kể từ năm 2016 với danh mục đầu tư sụt giảm 2,28% trong năm kết thúc vào ngày 31 tháng 3. Giá trị danh mục đầu tư ròng của Temasek đã giảm xuống 306 tỷ đô la Singapore (225,6 tỷ USD) từ 313 tỷ đô la Singapore (230,7 tỷ USD) một năm trước đó.
Quỹ cũng đưa ra nhận định về triển vọng tương đối bi quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một môi trường đầy thách thức cho các nhà đầu tư dài hạn trong năm nay. Giá trị 12 cổ phiếu chính trong danh mục đầu tư của quỹ giảm mạnh là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh không được như mong đợi của Temasek. Cụ thể, giá trị của số cổ phần Singtel mà công ty nắm giữ giảm 10,76 tỷ đô la Singapore (7,9 tỷ USD), DBS giảm 7.7 tỷ đô la Singapore (5.7 tỷ USD) và Singapore Airline giảm 2.47 tỷ đô la Singapore (1.8 tỷ USD). Điều này dẫn đến việc Temasek tạm ngừng tất cả các đợt tăng lương và cắt giảm tiền thưởng của các quản lý cấp cao trong một khoảng thời gian không xác định.
Giá trị đầu tư của Temasek đã giảm mạnh vì dịch Covid – 19 (Ảnh: Temasek)
Do đó, quỹ đã vạch ra hướng đi trong giai đoạn khó khăn này là tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển các công nghệ mới, phù hợp với giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Đồng thời, Temasek cũng đầu tư vào cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết với những ngành được đánh giá là có khả năng hồi phục nhanh chóng sau khi dịch Covid - 19 qua đi, trong đó ưu tiên ngành công nghệ.
Tại Việt Nam, Temasek đã và đang thực hiện rất nhiều thương vụ đầu tư lớn, trong đó nổi bật nhất là việc họ cùng nhiều nhà đầu tư khác đã bỏ ra tổng cộng 650 triệu USD để mua cổ phần của Vinhomes vào giữa năm 2020, trong đó riêng quỹ đầu tư này đã bỏ ra tới khoảng 200 triệu USD. Temasek cũng là cổ đông lớn của những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam là VNG (hơn 6%) và SCOMMERCE (gần 20% cổ phần).
Một số đơn vị thành viên của Temasek cũng từng đầu tư vào Thủy sản Minh Phú, FPT, ngân hàng MDBank... Tuy vậy mảng đầu tư được Temasek quan tâm nhất tại Việt Nam dường như là bất động sản thông qua Mapletree.
Mapletree sở hữu hàng loạt dự án lớn tại Việt Nam như tòa cao ốc Mplaza Saigon (mua lại từ Kumho Asiana), trung tâm thương mại SC Vivo City, Pacific Place Hà Nội... cùng nhiều dự án trung tâm logistics tại Bình Dương, Bắc Ninh
Cũng như các quỹ đầu tư khác, Temasek đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid – 19. Trong tương lai gần, quỹ cũng không đánh giá cao việc nền kinh tế của các nước cũng như doanh nghiệp sẽ hồi phục một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, với sự thận trọng trong việc đầu tư, tỷ lệ vay nợ ở mức rất thấp cũng như lịch sử đã cho thấy Temasek luôn luôn phát triển mạnh mẽ hơn sau những cuộc khủng hoảng, niềm tin về việc hồi phục dành cho quỹ đầu tư chính phủ này của Singapore là rất lớn.