MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Temu liệu có giúp ích gì cho nền kinh tế: Lý do thực sự khiến Trung Quốc thay thế Alibaba, JD bằng BYD, CATL và Huawei

26-10-2024 - 10:41 AM | Tài chính quốc tế

Temu liệu có giúp ích gì cho nền kinh tế: Lý do thực sự khiến Trung Quốc thay thế Alibaba, JD bằng BYD, CATL và Huawei

Trung Quốc nhận ra rằng TMĐT không phải là cốt lõi phát triển công nghệ và thúc đẩy nền kinh tế về lâu dài so với những mảng như chip bán dẫn hay xe điện. Việc chỉ dựa vào ‘sao chép’ và giá rẻ sẽ không thể thúc đẩy được tăng trưởng dài hạn.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết Phương Tây đã lo ngại khả năng cung ứng và tình trạng dư thừa sản lượng của Trung Quốc sẽ dìm ngập thế giới với hàng giá rẻ, điều tương tự mà mảng thép, tấm pin năng lượng mặt trời và xe điện đã làm.

Đây cũng là lý do mà các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Temu đến từ Trung Quốc bị dè chừng khi hàng hóa giá rẻ từ các khi của nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ dìm ngập thị trường nước ngoài, đè bẹp các doanh nghiệp và nhà máy địa phương, gây nên mất việc làm và ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế.

Rõ ràng hàng Trung Quốc giá rẻ trên các sàn TMĐT có lợi cho người dùng như về lâu dài chẳng giúp ích gì cho nền kinh tế đất nước, thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng xấu.

Temu liệu có giúp ích gì cho nền kinh tế: Lý do thực sự khiến Trung Quốc thay thế Alibaba, JD bằng BYD, CATL và Huawei- Ảnh 1.

Thế nhưng điều trớ trêu là chính Trung Quốc cũng chẳng "ưa" gì các sàn TMĐT hay tài chính trực tuyến. Thậm chí mảng khởi nghiệp trong các lĩnh vực TMĐT hay tài chính cũng bị xem nhẹ. Thay vào đó, việc phát triển chip bán dẫn, xe điện, công nghệ phần cứng và các kỹ thuật đổi mới khác lại được chú trọng hơn.

Hậu quả là giờ đây giới trẻ Trung Quốc tôn sùng Elon Musk hơn cả Jack Ma, người bị đổ lỗi cho việc tạo nên văn hóa "996" (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần), với những khoản nợ sớm vì chi tiêu online, vay nợ trực tuyến quá nhiều.

Ghét Jack Ma, cuồng Elon Musk

Theo Sixth Tone, sự cuồng nhiệt của người Trung Quốc với Elon Musk còn lớn hơn nhiều so với tưởng tượng. Trong cuốn tiểu sử "Elon Musk: Tesla, SpaceX, and the Quest for a Fantastic Future", chúng đã được dịch thành "Silicon Valley Iron Man: Elon Musk’s Life of Adventure" (Người sắt của Thung lũng Silicon: Cuộc đời đầy phiêu lưu của Elon Musk) khi chuyển ngữ sang tiếng Trung.

Trên nền tảng mạng xã hội Jike có hẳn một mục mang tên "Trạm thông tin Elon Musk" với 220.000 thành viên. Khi được hỏi tại sao nhà sáng lập Tesla lại nổi tiếng ở Trung Quốc đến vậy, một người đã bình luận rằng: "Bởi vì những gì ông ấy làm thì nó đều hoạt động".

Nói một cách ngắn gọn, Elon Musk thành công nên ông được mọi người tôn thờ là điều hiển nhiên, nhất là khi những dự án tưởng chừng điên rồ lại biến người đàn ông này thành tỷ phú. Một câu chuyện về chàng kỹ sư theo đuổi đam mê trở nên giàu có vẫn thường được thấy ở các phim truyền hình Trung Quốc.

Tờ Sixth Tone nhận định sự thành công của Elon Musk là điều mà giới công nghệ, khởi nghiệp của Trung Quốc muốn hướng tới. Việc sử dụng xe hơi Nhật Bản, dùng máy bay Mỹ khiến nhiều người Trung Quốc mơ về những sản phẩm "Made in China" được dùng rộng rãi trên thế giới như một niềm tự hào dân tộc.

Tuy nhiên những ông trùm công nghệ Trung Quốc hiện nay lại chủ yếu dựa trên các mảng giải trí, trò chơi điện tử, thương mại điện tử...hơn là các đột phá mới về công nghệ. Sự thành công của các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc được đánh giá chủ yếu dựa trên vốn đầu tư khủng, sáp nhập nhiều hãng nhỏ, bắt chiếc ý tưởng từ nước ngoài hơn là tạo ra các cuộc cách mạng công nghệ.

Temu liệu có giúp ích gì cho nền kinh tế: Lý do thực sự khiến Trung Quốc thay thế Alibaba, JD bằng BYD, CATL và Huawei- Ảnh 2.

Hệ quả là những ông chủ của Alibaba, Huawei hay Xiaomi dù giàu có và nổi tiếng nhưng chưa bao giờ được so sánh với anh hùng như Elon Musk.

Đồng quan điểm, tờ SCMP cho rằng những ông lớn như Alibaba một thời nay chẳng còn vị thế như xưa khi dòng vốn nước ngoài đầu tư mạo hiểm cho startup dần tháo chạy. Thậm chí nhiều nền tảng TMĐT như Pinduoduo cũng đã phải tìm đến thị trường Mỹ bằng nền tảng Temu trước sự bão hòa trong nước.

Trái lại, câu chuyện về một BYD sừng sững trong mảng xe điện, CATL ở mảng ắc quy hay việc Huawei tự sản xuất điện thoại bằng chip hiện có lại đang trở thành những đề tài nóng hổi được mọi người quan tâm.

Câu chuyện về những startup thành công như Alibaba niêm yết ở nước ngoài, dự án khởi nghiệp nào gọi vốn quốc tế thành công đã dần không còn tạo được sự hứng thú tại Trung Quốc.

Giờ đây, câu chuyện BYD chiếm ngôi vương của Tesla, Huawei thách thức Apple hay CATL thống trị mảng ắc quy mới là những gì mà người Trung Quốc thực sự tự hào.

Chuyên gia kinh tế Xu Tianchen của EIU nhận định Trung Quốc đã nhận ra những startup tài chính trực tuyến hay thương mại điện tử (TMĐT) không thực sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Thay vào đó, những mảng như công nghệ bán dẫn hay trí thông minh nhân tạo (AI), phát triển cơ sở hạ tầng và kỹ thuật mới có thể đem lại lợi thế lâu dài cho tăng trưởng.

Sự nhận thức này ngày càng được chứng minh khi quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng và Phương Tây đã áp dụng nhiều lệnh cấm vận công nghệ với cường quốc Châu Á.

Kể từ năm 2018, hàng loạt động thái của Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến một cuộc đua đơn thuần giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới thành một cuộc chiến thương mại, công nghệ toàn diện.

Theo SCMP, các động thái của chính quyền Washington đã ép Bắc Kinh phải tự phát triển công nghệ, phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Temu liệu có giúp ích gì cho nền kinh tế: Lý do thực sự khiến Trung Quốc thay thế Alibaba, JD bằng BYD, CATL và Huawei- Ảnh 3.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử hay tài chính trực tuyến chẳng giúp ích được gì nhiều so với mảng bán dẫn hay AI.

Chính yếu tố này cũng đang tác động đến mảng startup khi Trung Quốc nhận thức được vấn đề và có sự chuyển đổi tập trung trong mảng đầu tư hỗ trợ công nghệ.

Hướng đi nào cho startup?

Năm 2017, nhà khởi nghiệp Zhang Hongjun đã vô cùng mừng rỡ khi được mời đến Hội chợ Internet toàn cầu (WIC), vốn quy tụ nhiều ông lớn trong ngành.

Sự kiện này diễn ra tại Wuzhen-Trung Quốc và quy tụ hàng loạt những tên tuổi như nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba, Pony Ma của Tencent, Richard Liu của JD, Tim Cook của Apple và Sundar Pichai của Google.

Với những tên tuổi lớn như vậy, anh Zhang kỳ vọng startup chuyên về tài chính của mình sẽ nhận được những nguồn vốn tiềm năng từ các nhà đầu tư.

Thậm chí tại thời điểm đó, dự án của Zhang còn được chính phủ ủng hộ và nằm trong danh sách kêu gọi vốn của hội chợ.

"Dự án lúc đó cực kỳ triển vọng và chúng tôi đều kỳ vọng vào nó", nhà khởi nghiệp 42 tuổi Zhang nhớ lại.

Tại thời điểm đó, mảng khởi nghiệp của Trung Quốc thật sự nhận được vô số hỗ trợ từ chính phủ và là giai đoạn hoàng kim cho nhiều startup.

Rất nhiều nhà khởi nghiệp Trung Quốc khi đó với khát vọng làm giàu và xây dựng sự nghiệp được "trải thảm đỏ", trong khi chính phủ thì kỳ vọng tầng lớp này sẽ biến đổi nền kinh tế nước nhà thông qua các chương trình ưu đãi thuế, tín dụng ưu đãi...

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, môi trường startup của nước này đã chuyển biến bất ngờ khi hàng nghìn nhà khởi nghiệp như anh Zhang bỗng hóa thành "những đứa con bị bỏ rơi" không thể quay đầu.

Temu liệu có giúp ích gì cho nền kinh tế: Lý do thực sự khiến Trung Quốc thay thế Alibaba, JD bằng BYD, CATL và Huawei- Ảnh 4.

Tờ SCMP cho hay những nhà khởi nghiệp trong ngành tài chính, giáo dục, trò chơi điện tử, công nghệ...đều cảm nhận thấy rõ chuyển biến của thị trường Trung Quốc.

Chỉ vài tháng sau hội chợ năm 2017, chính quyền Bắc Kinh quyết định siết chặt kiểm soát tài chính ngành ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro đổ vỡ.

Chính điều này đã khiến hàng loạt nền tảng tài chính trực tuyến cũng như những dự án startup liên quan bị đóng cửa.

Với việc các nhà đầu tư sợ hãi bỏ chạy, những dự án như của anh Zhang chẳng thể gọi vốn được nữa và thậm chí lâm vào cảnh sống lay lắt.

Không dừng lại đó, mảng khởi nghiệp ngành công nghệ Internet tại Trung Quốc từ cuối năm 2020 cũng bị siết chặt kiểm soát nguồn vốn.

Sự quản lý chặt chẽ này chỉ dần được nới lỏng 2 năm sau đó khi nền kinh tế Trung Quốc dần mở cửa trở lại hậu đại dịch và cần kích thích tiêu dùng trong nước.

Trả lời SCMP, anh Zhang thừa nhận mảng khởi nghiệp tại Trung Quốc hiện nay khó khăn hơn nhiều so với năm 2017.

"Phần lớn startup hiện nay đều gặp khó khăn hoặc sắp phải đóng cửa", anh Zhang ngậm ngùi.

Dự án của bản thân anh Zhang cũng đã đổ bể sau khi mất cả 3 khách hàng chính kể từ khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát thị trường tài chính.

*Nguồn: WSJ, SCMP, SixthTone

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên