MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Teo tóp cửa hàng rau sạch Hapro, vì sao?

14-05-2016 - 08:02 AM | Doanh nghiệp

Để người dân Thủ đô được sử dụng thực phẩm sạch, Hà Nội đã thực hiện Đề án “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009- 2015”, với việc giao cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn với nhiều tham vọng. Tuy nhiên, đến nay hệ thống kinh doanh các cửa hàng rau này đang ngày càng bị “teo tóp”.

Cửa hàng rau sạch bán… bia rượu, bánh kẹo

Ngày 13/5, nhóm phóng viên Tiền Phong tìm đến cửa hàng 68 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), đây là một trong những cửa hàng được Hapro khai trương trong hệ thống chuỗi cửa hàng rau, thực phẩm an toàn- Hapro Food vào năm 2010. Dù ngoài biển hiệu vẫn ghi Cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Hapro Food – Vì sức khỏe cộng đồng nhưng bên trong không bán rau mà các mặt hàng chủ yếu là bia rượu, bánh kẹo, hàng tạp hóa… Trò chuyện với phóng viên, người đàn ông bán hàng khoảng trên 40 tuổi cho biết, đã ngừng bán rau từ hơn 1 năm nay.

Phóng viên Tiền Phong khảo sát tại Siêu thị rau thực phẩm an toàn Hapro Food ở 135 Lương Định Của (quận Đống Đa). Trưa 13/5, tại cửa hàng có 2 nhân viên bán hàng, thu ngân một nam một nữ. Khác với cửa hàng trên phố Hàng Bông, ở đây có bán rau, tuy nhiên theo quan sát trên khay, trên giá chỉ có vài cái bắp cải, một vài quả bí... Trao đổi với phóng viên, nam nhân viên ở cửa hàng cho biết, việc tiêu thụ rau ở đây rất chậm, từ sáng đến trưa chỉ bán được một ít.

“Mỗi ngày nhập khoảng 5 – 7 cân rau củ quả. Số lượng bán ít lắm, không ăn thua gì. Chỉ duy trì có mặt hàng thôi. Dù thế, một số điểm của Hapro vẫn bán rau nhưng nói chung hệ thống tiêu thụ rất chậm”, nam nhân viên cửa hàng nói. Còn tại một số địa điểm khác như 102 Thái Thịnh (quận Đống Đa) trước là cửa hàng rau sạch thì nay đã bị “xoá sổ” hay tại 51 Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), dù tấm biển hiệu lớn trước cửa tòa nhà vẫn đề là Siêu thị rau thực phẩm an toàn Hapro Food nhưng bên trong không còn bán rau mà đang được sửa chữa để kinh doanh mặt hàng khác.

Doanh số ít không nuôi nổi cửa hàng

Được biết, từ năm 2010, Hapro được thành phố giao triển khai chuỗi cửa hàng bán rau và thực phẩm an toàn mang thương hiệu Hapro Food trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của Hapro thừa nhận, dù hiện nay một số điểm, một số đơn vị trong chuỗi vẫn bán rau an toàn nhưng dưới dạng kết hợp. “Rau làm rất khó vì sáng tươi chiều héo, mình làm theo tập thể, rất khó để tăng giá, hạ giá, bán theo thị trường được. Việc thua lỗ thì cao”, vị này lý giải.

Cũng theo đại diện Hapro, nguồn hàng hóa cũng là một vấn đề vì quá trình từ việc trồng, chế biến, cung ứng, tiêu thụ chưa được quy chuẩn thì đương nhiên người kinh doanh gặp khó khăn. “Hapro không là đơn vị trồng rau, chỉ mua lại rồi phân phối. Chúng tôi cũng liên kết với nhiều địa phương nhưng không cạnh tranh được với thương lái địa phương hoặc do chi phí vận chuyển quá lớn, không thể kham nổi”, đại diện Hapro nói.

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Hapro cho biết, doanh số bán thực phẩm ở trong hệ thống của Hapro rất nhỏ. “Một ngày chỉ có vài trăm nghìn, một triệu, hai triệu bạc thì ăn thua gì, làm sao đủ nuôi một cửa hàng. Một cửa hàng phải có 2 - 3 người mà lương mỗi ngày mất 500 - 700 nghìn. Lại thêm tiền điện, các thứ khác nữa. Nếu chỉ kinh doanh mặt hàng rau không thì không có hiệu quả, người này nói.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc kinh doanh rau an toàn không như kỳ vọng. Hapro từng xây dựng nhiều điểm bán rau an toàn nhưng không cạnh tranh được với rau thường nên đã phải đóng cửa.

Theo Tú Anh - Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên