MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tết coi chừng khô bò từ thịt heo nái nhuộm màu

05-02-2018 - 15:44 PM | Thị trường

Giáp Tết, tại TP.HCM có rất nhiều nơi bày bán khô bò không nhãn mác, giá chỉ 150.000-200.000 đồng/kg.

Một người kinh doanh khô bò ở quận 5 (TP.HCM) cho biết ngày thường bà chỉ bán được khoảng 5 kg/ngày. Tuy nhiên, những ngày cận Tết lượng khô bò bán ra nhiều hơn, trên 10 kg/ngày.

“Khô bò tôi lấy mối quen, mỗi thùng 10 kg. Khi bán tôi chia ra loại 0,5 kg, 1 kg. Từ trước tới giờ tôi chưa nghe nói có người bị ngộ độc do khô bò” - người bán nói.

Tết coi chừng khô bò từ thịt heo nái nhuộm màu - Ảnh 1.

Khô bò nhiều loại được bày bán trong chợ và các cửa hàng tạp hóa ở TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bà Vân, chủ một công ty sản xuất khô bò, cho biết khô bò do công ty bà sản xuất bán ra thị trường với giá 780.000 đồng/kg. Nếu là khô bò Úc thì giá mắc hơn, chừng 1,2 triệu đồng/kg.

“Chúng tôi hoàn toàn không sử dụng phẩm màu trong quy trình sản xuất khô bò. Thịt bò được ướp với nhiều loại gia vị, qua nhiều công đoạn chế biến mới thành khô bò thành phẩm” - bà Vân nói.

Một doanh nghiệp sản xuất khô bò có thương hiệu ở TP.HCM cũng cho hay thịt bò tươi hiện nay có giá tầm 300.000 đồng/kg. Phải mất trên dưới 2 kg thịt bò tươi mới được 1 kg khô bò. “Do vậy, khô bò có giá 150.000-200.000 đồng/kg chắc chắn làm từ thịt heo nái tẩm hương bò và nhuộm màu. Chỉ bằng mắt thường, khó có thể phân biệt được khô bò làm từ thịt bò và khô bò làm từ thịt heo nái nhuộm màu, tẩm hương” - đại diện doanh nghiệp nói.

Tết coi chừng khô bò từ thịt heo nái nhuộm màu - Ảnh 2.

Thịt heo nái ngâm hóa chất giả làm thịt bò từng bị Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện. Ảnh: TRẦN NGỌC

TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết màu sử dụng trong chế biến thực phẩm nhằm cải thiện màu sắc và tăng tính hấp dẫn. “Tuy nhiên, màu chỉ là chất tăng tính cảm quan và hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng” - TS Đồng nói.

Theo TS Đồng, màu sử dụng trong chế biến thực phẩm gồm hai nhóm chính: Màu tự nhiên và màu tổng hợp (còn gọi là phẩm màu). Màu tự nhiên được trích xuất từ các bộ phận của lá, hoa, củ. hạt… hoặc từ côn trùng và không độc hại. “Tuy nhiên, màu tự nhiên không được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm vì khó tan trong nước và không bền, dễ bị phai hoặc biến màu.

Màu tổng hợp là các hợp chất được tạo thành thông qua phản ứng hóa học. Màu tổng hợp đẹp, bền, giá rẻ nên được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, màu tổng hợp chỉ an toàn khi sử dụng trong giới hạn cho phép” - TS Đồng cho biết thêm.

Tết coi chừng khô bò từ thịt heo nái nhuộm màu - Ảnh 3.

GS-TS Nguyễn Thanh Long kiểm tra chứng từ của một hộ kinh doanh hương liệu, màu thực phẩm trong chợ Kim Biên. Ảnh: TRẦN NGỌC


TS Đồng nhận định: “Thực tế cho thấy không ít màu tổng hợp kinh doanh trên địa bàn TP.HCM không có xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, vẫn còn cơ sở sử dụng màu công nghiệp để chế biến thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng”.

Trong hội thảo khoa học “Phẩm màu trong thực phẩm” do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức vừa qua, BS Huỳnh Văn Tú, khoa Dinh dưỡng-Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), cho rằng sử dụng tùy tiện màu tổng hợp trong chế biến thực phẩm có nguy cơ sinh ung thư, độc tính thần kinh. Có thể gây phản ứng dị ứng quá mức và là khởi phát chứng hiếu động thái quá và thay đổi hành vi ở trẻ em.



Theo Trần Ngọc

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên