TGĐ Chứng khoán Đông Á: "Tôi chưa hiểu thị trường đang lo lắng điều gì"
Ông Huỳnh Anh Tuấn
Chuyên gia cho rằng thị trường giảm mạnh bất thường, tạo dấu hỏi lớn khi nhiều cổ phiếu có thông tin tốt nhưng vẫn bị bán mạnh.
Chuyên gia cho rằng thị trường giảm mạnh bất thường, tạo dấu hỏi lớn khi nhiều cổ phiếu có thông tin tốt nhưng vẫn bị bán mạnh.
Chia sẻ nhanh với chúng tôi, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á nhiều lần bày tỏ sự khó hiểu về chuỗi giảm điểm liên tiếp của VN-Index khiến chỉ số sàn HOSE về vùng thấp nhất 2022.
VN-Index liên tiếp giảm 4 phiên, bốc hơi khoảng 6% và về vùng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, ông có bình luận gì về diễn biến này của thị trường?
Thị trường đang đi theo nhịp của thế giới, các nước giảm khiến các nhà đầu tư lớn lo ngại khủng hoảng trong khi trong nước không có lý do nào để thị trường giảm mạnh.
Giai đoạn này thanh khoản thấp, không nhiều nhà đầu tư quay lại giải ngân, xu hướng vẫn là cắt lỗ khiến nhiều cổ phiếu giao dịch dưới giá trị tiềm năng. Tôi cho rằng phản ứng của thị trường là tâm lý nhất thời, không có thông tin gì quá xấu để thị trường giảm nhanh.
Có phải thị trường giảm do lực cầu yếu và theo ông nhà đầu tư đang chờ đợi điều gì?
Đúng, vấn đề chính là không có cầu. Vì cầu yếu nên rất dễ để cho các nhóm tạo lập chuyển thị trường đi nhanh hơn. Đa số dòng tiền lớn đợt này không tham gia.
Nhà đầu tư chờ gì? Tôi cũng không biết. Một số doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt tốt, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, khá phù hợp để đầu tư nhưng có lẽ thị trường đang phản ứng thái quá với nhiều thông tin được truyền thông theo hướng tiêu cực.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, dùng chính sách truyền thông "diều hâu", đề cập việc tăng này chưa dừng lại, mục đích khiến hàng loạt ngân hàng trung ương khác cũng tăng lãi suất theo Fed. Khi làm như vậy dẫn tới tình huống những ai đang đầu cơ trục lợi từ hàng hóa lập tức bán ra, cho nên giá cả hàng hóa trên thế giới rớt mạnh. Như vậy lại “trúng bài” của Fed, dẫn tới khả năng lạm phát của Mỹ giảm mạnh. Hiện giá cả hàng hóa giảm, xăng giảm, cho nên tôi cho rằng các lần tới Fed sẽ không tăng mạnh lãi suất vì gần như đã đạt được chính sách.
Tôi chưa hiểu thị trường đang lo lắng điều gì, chưa tìm ra nguyên nhân. Chưa hiểu nhà đầu tư đang phản ứng mạnh với điều gì!
Nhưng ngược lại, có một điểm, tôi có cảm giác cổ phiếu hiện nay các nhà tạo lập lớn đang dắt thị trường đi theo kịch bản họ mong muốn do thanh khoản thấp. Nhiều cổ phiếu tăng giảm có vẻ bất thường, khi không có thông tin ra. Như nhóm cổ phiếu đầu tư hay nhóm bảo hiểm được nhận định hưởng lợi khi lãi suất tăng thì lại nằm sàn. Có cái gì đó hơi bất thường!
Ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư hiện nay?
Đây là giai đoạn nhà đầu tư có thể chọn nhóm cổ phiếu phù hợp để đầu tư dài hạn, nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ. Như đã đề cập, kết quả kinh doanh doanh nghiệp tăng trưởng tốt, chính sách chia cổ tức bằng tiền hấp dẫn…
Nếu đà giảm không ngừng, liệu có đợt bán giải chấp?
Thực tế thị trường giảm nhưng tốc độ giảm đều, không quá mạnh, vẫn có thời gian xử lý. Mức độ giảm vừa phải, nhà đầu tư tự xử lý được cho nên thị trường xác suất bán giải chấp không nhiều. Thị trường giao dịch 10.000 tỷ lượng margin không đáng lo ngại.
VN-Index đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm, nhận định của ông về thị trường trong quý cuối năm?
Đến nay, tất cả dự đoán hồi đầu năm về VN-Index cho 2022 đều đang sai. Hiện nay nhận định cho VN-Index của năm không phù hợp bởi thực tế có quá nhiều biến số không lường được. Với lộ trình của Fed, nhiều chuyên gia cho rằng Dow Jones có thể giảm thêm 30-40% nữa. Với P/E thị trường hiện nay thì VN-Index ở vùng 1.200-1.300 điểm là phù hợp nhưng do có quá nhiều biến số nên cũng khó có kịch bản cho chỉ số.
Ông có đánh giá thêm gì bởi dù thế giới xấu, nhưng nội tại GDP tăng tốt với thông tin mới nhất là tăng 13,67% trong quý 3 - vượt mọi dự báo; lạm phát kiểm soát dưới 4%, doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng… nhưng vẫn không đủ sức hỗ trợ thị trường?
Đúng, cái gì chúng ta cũng đang làm tốt, kiểm soát tốt. Hiện chỉ có lo ngại là thị trường bất động sản, doanh nghiệp hiện bị khó khăn về dòng tiền, còn lại các ngành khác đều ổn.
Mỹ chống lạm phát, Việt Nam cũng lo chống lạm phát nhưng đều đang trong kế hoạch, không có gì đáng ngại. GDP cũng tăng tốt.
Tôi vẫn không hiểu vì sao thị trường giảm nhiều. Ví dụ, từ nay cuối năm với thông tin Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công thì ít nhất trong thị trường có nhóm cổ phiếu chịu lực tốt như đầu tư công nhưng ngược lại nhóm này lại bị bán mạnh. Nó là dấu hỏi? Hay như nhóm bảo hiểm cũng vậy...
Thị trường do cầu quá yếu nên một số nhóm lớn dẫn dắt cổ phiếu đi theo ý muốn của họ. Có lẽ nhiều cổ phiếu giảm một cách bất thường so với những gì doanh nghiệp đang có. Doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng, mọi cái đều tốt chỉ có giá cổ phiếu giảm.
Một số ý kiến lý giải thị trường giảm điểm mạnh do lo ngại suy thoái, tôi cho rằng đây là vấn đề dài hạn, thị trường đang phản ứng thái quá.
Liệu VN-Index có giảm về vùng 1.100 điểm?
Tâm lý nhà đầu tư đang rất mong manh, vẫn chưa tìm thấy thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Tôi nghĩ thị trường không về 1.100 điểm được, nhiều cổ phiếu đã về vùng giá thấp. Nếu giảm về vùng đó lực cầu sẽ mạnh, nhiều cổ phiếu đã thỏa mãn tiêu chí đầu tư dài hạn, kể cả tiêu chí đầu tư hưởng cổ tức. Nên khi về vùng đó sẽ kích thích dòng tiền nhảy vào bắt đáy mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Nhịp sống kinh doanh